Nhân loại đang bị kiểm soát thông qua dữ liệu như thế nào?

Hương Thảo

Hình minh họa từ Reuters.

Tự do của con người bị đe dọa không chỉ bởi mất chủ quyền quốc gia, mà còn bởi mất chủ quyền dữ liệu cá nhân và quyền tự do ngôn luận bị tấn công. Cây viết James R. Gorrie, tác giả cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”, đã phân tích vấn đề này trong một bài viết trên The Epoch Times. Dưới đây là nội dung chuyển ngữ bài viết của ông.

Hàng hóa có giá trị nhất trên thế giới là gì? Vàng? Công nghệ xe điện Tesla? Bitcoin? Dầu mỏ? Trên thực tế, đều không phải là những thứ này.

Khi chúng ta khám phá chủ đề này, hãy để mắt đến băng đảng Big Tech ở Thung lũng Silicon. Hàng hóa có giá trị nhất trên thế giới hiện nay — và trong tương lai gần — chính là dữ liệu. Trên thực tế, tạp chí Wired đã tuyên bố rằng, “dữ liệu là nguồn dầu mỏ mới của nền kinh tế kỹ thuật số”. Có vẻ như họ đã nhận định đúng.

Từ một thế giới kỹ thuật số đến một thế giới bị điều khiển bởi dữ liệu

Cái nhìn bao quát dưới đây sẽ làm rõ thêm về bối cảnh mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới.

Vào cuối những năm 1990, với sự nổi lên của Internet, nền kinh tế đã bắt đầu chuyển đổi từ analog sang kỹ thuật số. Sự chuyển đổi đó đang diễn ra nhanh chóng, bao gồm cả sự xuất hiện của Facebook và Amazon, Google, Twitter và tất cả những thứ còn lại.

Ngày nay, sự chuyển đổi kỹ thuật số được thiết lập trong nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ ngân hàng, đến ẩm thực, hẹn hò, và nó đã trở nên quá phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Điện thoại thông minh, máy bay không người lái giao hàng, và nhà thông minh là một phần không thể thiếu trong các hoạt động hàng ngày của người dân Mỹ.

Dữ liệu là chìa khóa tới thế giới

Thao túng sâu rộng vào toàn bộ dữ liệu của chúng ta thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) là bước tiếp theo (nó vẫn đang diễn ra mà không cần sự chấp thuận của chúng ta). Sức mạnh đáng kinh ngạc của AI và các phân tích dự đoán đã được áp dụng cho cái gọi là “những thành phố thông minh” – thực sự, đó là các thành phố bị giám sát theo trật tự mà những gì đang diễn ra ở Trung Quốc là một minh chứng điển hình.

Tất cả những gì bạn làm — hay không làm — từ việc đeo khẩu trang ra ngoài trong thời đại của virus Trung Cộng, đến xem những kênh tin tức bị coi là ‘nhạy cảm’, đều bị quan sát, ghi lại và bổ sung vào hồ sơ dữ liệu về bạn. Vì vậy, con người bị biến thành hàng hóa, giá trị của con người bị coi không hơn gì các đơn vị lao động.

Các thành phố bị giám sát là nỗ lực lớn của chính quyền Trung Quốc và nhiều nơi khác trên thế giới nhắm vào tự do truy cập và nắm bắt dữ liệu của bạn, và dữ liệu này sau đó được sử dụng để kiểm soát chính bạn.

Ngày nay, nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào dữ liệu — dữ liệu của mọi người — cho hầu hết mọi thứ. Ngân hàng nơi bạn gửi tiền, cách bạn tiêu tiền, bạn bỏ phiếu cho ai, bạn mua giày gì, bạn sử dụng phương tiện gì — mọi thứ bạn làm và thậm chí suy nghĩ hoặc nội dung bạn viết trên Facebook, đều bị ghi lại, định lượng, phân loại và trở thành hàng hóa cho tất cả những ai có thể kiếm tiền từ chúng.

Dữ liệu của bạn, thực chất lại không thuộc về bạn

Những kế hoạch lớn mà cuộc Đại Tái thiết [mà phe thiên tả] đang hào hứng hướng tới, sẽ không thể xảy ra nếu không có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu của bạn và quyền sử dụng nó theo hầu hết mọi cách họ muốn.

Nếu bạn nghĩ dữ liệu của bạn thực sự thuộc về bạn? Hãy nghĩ lại.

Bạn đã ký thác quyền dữ liệu của mình cách đây nhiều năm, nếu không phải là nhiều thập kỷ trước, trong bất kỳ thỏa thuận người dùng nào mà bạn chưa bao giờ đọc hoặc thậm chí xem trước khi nhấp vào dòng chữ “Tôi đồng ý”.

Và, như bạn có thể đã biết, các ứng dụng trên điện thoại của bạn là nguồn chính cho dữ liệu cá nhân được khai thác và chuyển tiếp đến các công ty truyền thông xã hội tư nhân và các quốc gia nước ngoài như Trung Quốc và những nước khác.

‘Tình anh em của loài người’ — Có hay Không?

Nhưng “chia sẻ dữ liệu” là tất cả những gì một thế giới được kết nối kỹ thuật số, phải không?

Giống như bài thánh ca nổi tiếng toàn cầu của John Lennon “Imagine – Hãy tưởng tượng”, chúng ta đang trên đường tiến tới “tình anh em của loài người”, phải không?

Hay, có thể như một số người nói, chúng ta đang tiến gần hơn đến việc hoàn thiện một thế giới dựa trên “sự nô lệ của loài người?”. Có vẻ đúng là như vậy.

Thế giới đã trở nên nhỏ bé và được kết nối, và tất cả chúng ta đang trở nên ‘biết nhau’ rất rõ— nhưng điều này chỉ đúng một nửa, khi mà chỉ có nhóm các nhà độc tài công nghệ, mà không ai trong chúng ta bầu họ, là biết rõ chúng ta.

Big Tech ghét bạn

Thật không may, các nhà tài phiệt chính trị Big Tech như Facebook, Google và các hãng khác vốn đang nắm dữ liệu của hàng triệu người Mỹ, lại không thích, đặc biệt là không ưa xu hướng coi trọng quyền tự do ngôn luận của chúng ta.

Trên thực tế, họ hoàn toàn chống lại quyền tự do ngôn luận và đang sử dụng dữ liệu của chính chúng ta để ngăn chặn điều đó.

“Tự do biểu đạt” – một khái niệm vô định hình và trung lập về mặt chính trị dựa trên “văn minh châu Âu”, một bản sắc tự tạo, và tuân theo quyền lực là những gì họ nghĩ đến để thay thế các quyền tự do ngôn luận mà chúng ta đã được hưởng kể từ khi nước Mỹ được khai sinh.

Như Quỹ Di sản đã tuyên bố:

“Trên thực tế, quyền tự do ngôn luận theo cách hiểu nguyên lai của nó có thể mang lại tác hại cho các quan niệm mới về tự biểu đạt, như Google và Facebook đã làm rõ. Xung đột giữa tự do ngôn luận và biểu đạt đang được mở ra bởi những người khổng lồ công nghệ, những hãng dường như có cả lợi ích về lý luận và tiền tệ trong việc chỉ thúc đẩy sự biểu đạt”.

Do đó, con đường xóa bỏ quyền tự do ngôn luận được mở ra với ‘định hướng tốt’ là nhằm không làm tổn thương bất kỳ ai, đặc biệt là đối với giới tính mà họ đã chọn, đồng thời tước bỏ quyền của tất cả những người Mỹ cánh hữu còn lại. Đó là vai trò của cái bị họ coi là ‘phát ngôn gây hận thù’ – khiến bạn xấu hổ tự kiểm duyệt cho đến khi tự do ngôn luận trở thành một sự ‘xúc phạm’ và – cuối cùng – thành tội danh hình sự.

Giờ đây, chế độ mới đã nắm quyền với sức mạnh phối hợp và lan tỏa của Big Tech đứng sau nó. Do đó động lực để họ bịt miệng chúng ta có thể sẽ diễn ra khẩn trương hơn.

Chắc chắn rằng hòa bình và hiểu biết trên toàn cầu sẽ là kết quả tất yếu của một thế giới bị điều khiển bởi dữ liệu, tuy nhiên, sự đàn áp sẽ luôn đồng hành cùng nó.

Related posts