Hoàng Thu
Khi ĐCSTQ phá hoại “Tuyên bố chung Trung – Anh” và đàn áp phong trào dân chủ của người Hồng Kông vào tháng 7 năm ngoái, London đã quyết định tạo điều kiện để những người dân đảo sở hữu hộ chiếu Hải ngoại Anh (BNO) nhập tịch. Điều này khiến quan hệ Trung-Anh thêm căng thẳng.
Vào ngày 29/1, chính phủ Anh đã thông báo rằng kênh thị thực BNO cho người dân Hồng Kông chính thức mở cửa vào ngày 31/1. Hiện có khoảng gần 3 triệu người Hồng Kông có hộ chiếu BNO.
Watch China cho hay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ sự phản đối. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên đã công bố các biện pháp đáp trả Vương quốc Anh tại một cuộc họp báo thường kỳ, nói rằng, kể từ ngày 31/1, Trung Quốc sẽ không còn công nhận “cái gọi là hộ chiếu BNO” là giấy thông hành cũng như căn cước, và sẽ thực hiện các biện pháp tiếp theo.
Ông Triệu Lập Kiên cho rằng, phía Anh phớt lờ thực tế Hồng Kông đã về lại Trung Quốc 24 năm, coi thường vị trí trang trọng của Trung Quốc và vi phạm trắng trợn những lời hứa của họ, khăng khăng đòi “điều chỉnh” những cư dân Hồng Kông sở hữu BNO thành “phù hợp” với chính sách cư trú và nhập tịch của Anh.
Ông Triệu cho biết thêm rằng cái gọi là BNO ở Anh hiện nay “không còn là BNO ban đầu nữa”, vì nó vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, can thiệp vào công việc Hồng Kông, khiến Trung Quốc vô cùng phẫn nộ và kiên quyết phản đối.
Ở chiều ngược lại, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab tuyên bố rằng: “Việc Trung Quốc thực hiện Đạo luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông rõ ràng là vi phạm Tuyên bố chung Trung – Anh và luật pháp quốc tế”, nhấn mạnh rằng Anh sẽ không né tránh vấn đề Hồng Kông.
ĐCSTQ chưa bao giờ công nhận BNO
Việc Bắc Kinh tuyên bố không còn công nhận BNO đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi giữa những người Hồng Kông. Một số người nói đùa rằng chính quyền Trung Quốc đã biến BNO từ giấy thông hành thành “giấy chứng nhận quốc tịch”.
Sau khi ĐCSTQ không công nhận BNO, Hồ Chí Vỹ, một cựu nghị sĩ Hồng Kông đã bị bắt và điều tra vì không từ bỏ BNO. Tuy nhiên, một số cư dân mạng lo lắng rằng liệu BNO có thể còn được sử dụng để mua vé máy bay từ Hồng Kông trong tương lai hay không, và liệu các nhà chức trách có gây áp lực lên các hãng hàng không và không cho phép dùng BNO mua vé máy bay hay không.
Apple Daily đưa tin bà Lưu Tuệ Khanh, cựu thành viên Hội đồng Lập pháp và cựu Chủ tịch Đảng Dân chủ Hồng Kông, chỉ ra rằng theo những gì bà biết, chính phủ Anh luôn biết rằng Trung Quốc chưa bao giờ cho phép sử dụng BNO làm giấy tờ tùy thân và thông hành. Vì vậy, bà thực sự không hiểu câu nói của ông Triệu Lập Kiên rằng BNO khác với quá khứ. Bà Lưu nhận định rằng trong tương lai, nếu một công dân Hồng Kông cầm BNO đến lãnh sự quán hoặc đại sứ quán Trung Quốc để nhờ giúp đỡ thì có thể phải về tay không. Tuy nhiên, người dân Hồng Kông có thể tìm một lãnh sự quán Anh để xin trợ giúp.
Năm ngoái, cư dân Hồng Kông có hộ chiếu BNO đã bị mắc kẹt tại Peru và sau đó đã bắt chuyến bay do chính phủ Anh thuê để rời đi.
Ngoài ra, bà Lưu Tuệ Khanh tin rằng 7.000 người Hồng Kông đã đến Vương quốc Anh để phản ánh mối quan tâm và nỗi sợ hãi của người dân đảo.
Cựu Bộ trưởng An ninh Hồng Kông Diệp Lưu Thục Nghi ủng hộ việc cấm “hai quốc tịch” để chống lại Vương quốc Anh, và gợi ý rằng Bắc Kinh nên thu hồi quốc tịch Trung Quốc của những người nắm giữ BNO để khiến họ mất tư cách thường trú tại Hồng Kông và quyền biểu quyết.
Tuy vậy, bà Diệp thừa nhận trong cuộc phỏng vấn của giới truyền thông vào ngày 29/1 rằng, các biện pháp đối phó mà Bộ Ngoại giao TQ đưa ra sẽ không có bất kỳ tác động đáng kể nào đối với người dân Hồng Kông, ngoại trừ sự công nhận của quốc tế về BNO.
Tính đến tối ngày 29/1, diễn biến mới nhất là Chính phủ Hồng Kông tuyên bố “hợp tác toàn diện” với Bắc Kinh trong việc đối phó với hộ chiếu BNO, đồng thời công bố một số quy định:
- Hộ chiếu BNO không thể được sử dụng để xuất nhập cảnh tại Hồng Kông. Cư dân Hồng Kông phải sử dụng hộ chiếu SAR và chứng minh thư thường trú Hồng Kông để xuất nhập cảnh;
- BNO không thể được sử dụng làm bất kỳ hình thức chứng minh danh tính nào tại Hồng Kông;
- Hành khách lên chuyến bay đến Hong Kong Airlines phải yêu cầu cư dân Hồng Kông xuất trình hộ chiếu hoặc thẻ căn cước của Đặc Khu hành chính Hồng Kông;
- Những người không phải là người Trung Quốc thường trú tại Hong Kong không có giấy tờ thông hành hợp lệ khác có thể nộp đơn để có giấy tờ tùy thân và thị thực từ Cục quản lý xuất nhập cảnh để đi du lịch quốc tế.
London quyết giúp người Hồng Kông nhập cư
Theo Epoch Times, Chính phủ Anh đã công bố các thỏa thuận mới cho việc nhập cư BNO, tạo điều kiện cho người Hồng Kông sở hữu BNO đủ điều kiện nộp đơn xin thị thực mới.
Những người Hồng Kông nhận được thị thực này sẽ được hưởng quyền cư trú, đi học và làm việc ở Vương quốc Anh. Sau đó, họ có thể đăng ký quy chế thường trú nhân sau một năm và đăng ký nhập tịch với tư cách là công dân Anh 12 tháng sau khi có quy chế thường trú nhân.
Từ ngày 31/1, các ứng viên Hồng Kông đáp ứng đủ điều kiện của BNO có thể nộp hồ sơ trực tuyến, sau đó đặt lịch hẹn để xin thị thực. Bắt đầu từ ngày 23 tháng 2, chủ sở hữu BNO đủ điều kiện được cấp hộ chiếu cụ thể với sinh trắc học có thể hoàn thành đơn đăng ký tại nhà thông qua ứng dụng di động.
Chính phủ Anh tuyên bố rằng chính sách cấp thị thực BNO là để đáp lại việc ĐCSTQ áp dụng Đạo luật An ninh Quốc gia mới ở Hồng Kông vào tháng 7/2020.
Hôm thứ Sáu (29/1), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bày tỏ sự đánh giá cao đối với chương trình thị thực BNO, nói rằng Anh đã thực hiện các cam kết lịch sử và đạo đức đối với người dân các thuộc địa cũ.
“Chúng tôi đã cung cấp một lối sống, công việc và [chương trình] định cư mới cho những người sở hữu BNO. Tôi rất tự hào về điều này”, ông Johnson nói, và cho biết, đây là một thực tiễn về “mối quan hệ lịch sử sâu sắc và tình hữu nghị giữa người Anh và Hồng Kông. Nó cũng đã bảo vệ tự do và pháp quyền mà Vương quốc Anh và người dân Hồng Kông yêu mến”.
Tờ Wall Street Journal nhận xét rằng, trên thực tế, việc “không công nhận” BNO của ĐCSTQ không có quá nhiều ý nghĩa và có tác động hạn chế đối với những người có hộ chiếu BNO, bởi vì nếu người Hồng Kông đến đại lục, họ chỉ cần cầm chứng minh thư Hồng Kông là đủ.
Theo The Guardian, Bộ Nội vụ Anh ước tính 123.000 đến 153.700 người Hồng Kông và gia đình của họ sẽ nộp đơn xin thị thực mới trong năm đầu tiên, và 322.400 người Hồng Kông sẽ nộp đơn xin thị thực mới trong 5 năm tới. Đến năm 2025, chương trình này dự kiến mang lại cho Vương quốc Anh doanh thu 2,4 tỷ đến 2,9 tỷ bảng Anh.