Thu Hằng
Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2, dài 1.200 km nối từ Nga đến Đức, đã hoàn thiện được 95%. Thế nhưng, châu Âu đang tính dùng dự án 10 tỉ euro này để gây sức ép đòi chính quyền Matxcơva trả tự do cho nhà đối lập Alexei Navalny và ngừng trấn áp thô bạo người biểu tình. Liệu ý định này có hiệu quả hay không ?
Ít nhất đây là một trong những điểm được nêu ra trong chuyến công du Nga hai ngày của ông Josep Borrell (05-06/02/2021), người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu. Nga vẫn đang chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ Bruxelles và Washington sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 và vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny.
Trừng phạt… nhưng không hiệu quả
Đóng băng tài sản của Nga tại châu Âu, không cấp thị thực… chỉ gây tác động rất hạn chế. Kể cả ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt khác, thì « vẫn chưa đủ », theo quốc vụ khanh Pháp Clément Beaune, đặc trách các vấn đề châu Âu, thừa nhận trên đài France Inter ngày 01/02.
Một lần nữa, dự án Nord Stream 2 lại được nêu lên như một lá bài để Liên Hiệp Châu Âu « nói chuyện » với Nga. Tuy nhiên, nội bộ Liên Hiệp Châu Âu vẫn bất đồng và chia rẽ về chủ đề này. Pháp cũng như nhiều nước thành viên khác phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt. Với số phiếu áp đảo, Nghị Viện Châu Âu cũng ủng hộ ngừng thi công dự án, dù sắp hoàn thiện. Ngược lại, đến ngày 21/01, thủ tướng Đức vẫn ủng hộ Nord Stream 2 vì Đức là nước có lợi nhất và là nhà đầu tư lớn nhất của châu Âu vào dự án. Đức cần bảo đảm nguồn cung ứng chất đốt vì sẽ ngừng năng lượng hạt nhân vào năm 2022, tiếp theo là than đá năm 2038.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục lập trường này, bà Angela Merkel có thể bị cô lập, theo nhận định của Sylvie Kauffmann trên báo Le Monde (03/02). Thứ nhất, đảng Xanh của Đức phản đối gay gắt dự án trong khi đảng này rất có thể trở thành đối tác chính của đảng CDU trong chính phủ, nên tiếng nói của họ có trọng lượng. Thứ hai, chính quyền Mỹ của tổng thống Joe Biden vẫn giữ lập trường của người tiền nhiệm Donald Trump : phản đối Nord Stream 2 vì đe dọa việc xuất khẩu khí hóa lỏng của Hoa Kỳ sang châu Âu.
Tăng cường đối thoại ?
Châu Âu bất lực với Nga ? Đó là chưa kể chính quyền Matxcơva có trong tay một vũ khí mới : vac-xin Sputnik V, rất nhiều khả năng được sử dụng ở châu Âu. Phải chăng châu Âu đang đổi hướng chiến lược với Nga : ưu tiên đối thoại thay vì gia tăng trừng phạt sau vụ bắt giam và kết án nhà đối lập Navalny ?
Thứ nhất, theo bài viết gửi riêng cho báo Le Journal du Dimanche (04/02), ông Josep Borrell chỉ trích Nga khống chế không gian hoạt động của đối lập, xã hội dân sự và những tiếng nói độc lập. Hàng loạt vụ bắt giam, trấn áp thô bạo người biểu tình trong thời gian gần đây của chính quyền Matxcơva « không phù hợp với những cam kết mà Nga đã đưa ra với tư cách là thành viên của Hội Đồng Toàn Châu Âu, thành viên của Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu (OSCE). Đây là những thể chế trọng điểm của hợp tác, hòa bình và an ninh cho châu Âu ».
Lãnh đạo ngoại giao châu Âu khẳng định sẽ gặp gỡ xã hội dân sự Nga để tái khẳng định sự ủng hộ của Bruxelles và đề cập một số vấn đề không thể trao đổi qua họp trực tuyến. Đối với chính quyền Matxcơva, ông Josep Borrell nhấn mạnh « cần trao đổi thẳng thắn về hiện trạng quan hệ song phương » vì « mục đích của ngành ngoại giao là truyền tải thông điệp, cố tìm ra được cơ sở để thương lượng ».
« Cần phải tiếp tục đối thoại với Vladimir Putin » cũng là quan điểm được tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc lại trong hội thảo trực tuyến của Atlantic Council ngày 04/02, dù hồ sơ Navalny vẫn chưa được giải quyết. Ông Macron cho rằng Nga đầu độc nhà đối lập Navalny là một « sai lầm khủng khiếp » và « không thể chấp nhận được » khi kết án một nhà đối lập vì « bất đồng về chính trị không bao giờ là một tội ác ».
Ông Macron vẫn đặt trọn niềm tin « duy trì đối thoại sẽ mang lại kết quả nào đó », dù cần đến vài năm, thậm chí là vài thập niên, « hoặc chí ít là tránh được các bất đồng nghiêm trọng » để giữ hòa bình và ổn định ở châu Âu. Thế nhưng, điều quan trọng là chủ nhân điện Kremlin có cùng quan điểm này hay không.