Ông Biden – Mỹ sẽ đối đầu với Trung Quốc trên nhiều mặt trận

Đông Phong

Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống Joe Biden nói Trung Quốc là “đối thủ đáng gờm nhất” của Mỹ và tuyên bố sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận.
Xuất hiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 4/2, ông Biden cho biết chính quyền của ông sẽ “trực tiếp đương đầu với những thách thức đặt ra [đối với] sự thịnh vượng, an ninh và các giá trị dân chủ bởi đối thủ đáng gờm nhất: Trung Quốc”, theo South China Morning Post.

“Chúng tôi sẽ cạnh tranh dựa vào vị thế mạnh mẽ”

“Chúng tôi sẽ đối đầu với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động gây hấn, cưỡng ép của họ và đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và lãnh đạo toàn cầu”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hình Anna Moneymaker-Pool/Getty Images)

“Chúng tôi sẽ cạnh tranh dựa vào vị thế mạnh mẽ, bằng cách xây dựng đất nước tốt hơn, hợp tác với các đồng minh và đối tác, tiếp tục vai trò của chúng tôi trong các tổ chức quốc tế và lấy lại uy tín và sức mạnh lẽ phải của chúng tôi, phần lớn trong số đó đã bị mất”, ông Biden nói.
Phát biểu của ông cho thấy rõ sự tương phản với tư tưởng “Nước Mỹ trên hết” làm nền tảng cho chính sách đối ngoại mà chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi.
Trong khi cam kết sẽ bắt chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm, ông Biden nói Mỹ cũng sẵn sàng “làm việc với Bắc Kinh khi Mỹ có lợi ích trong việc này”, ám chỉ tham vọng của ông về việc hợp tác với Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Biden được xem là người có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại với thời gian phục vụ lâu dài trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và 8 năm làm phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang căng thẳng trong khi chính quyền Biden cho thấy những tín hiệu đầu tiên về sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Ông Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù đã điện đàm với lãnh đạo của nhiều nước khác.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/2 cho biết chính quyền trước tiên muốn đảm bảo rằng họ đã “sát cánh” cùng các đồng minh rồi mới tiếp xúc với Bắc Kinh.
Bắc Kinh đã kêu gọi Washington từ bỏ “các chính sách sai lầm” của chính quyền Trump. Song việc ông Biden lựa chọn hai vị trí ngoại giao hàng đầu – Antony Blinken làm ngoại trưởng và Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc – đã báo hiệu rằng chính quyền mới sẽ theo đuổi đường lối cứng rắn và đa phương để thách thức các hành động của Trung Quốc.

“Nước Mỹ trở lại”

Trong bài phát biểu hôm 4/2, ông Biden cũng công bố một số quyết định đảo ngược chính sách đối ngoại của chính quyền Trump, với cam kết đưa “Nước Mỹ trở lại” trên trường quốc tế.
Ngoài Trung Quốc, ông Biden cũng thách thức Tổng thống Nga Vladimir Putin, báo hiệu cách tiếp cận cứng rắn với Moscow.
“Tôi đã nói rõ với Tổng thống Putin, theo cách rất khác so với người tiền nhiệm của tôi, rằng những ngày Mỹ nhượng bộ trước những hành động của Nga, trước việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi, tấn công mạng, đã chấm dứt”, ông nói, theo Reuters.

Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Hình Mark Makela/Getty Images

Ông Biden tuyên bố Mỹ không còn ủng hộ sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia ở Yemen, nói “Chiến tranh phải kết thúc”. Ông cũng tuyên bố tạm dừng việc rút quân khỏi Đức theo kế hoạch mà chính quyền Trump đã tuyên bố.
Về vấn đề Myanmar, ông kêu gọi quân đội nước này từ bỏ quyền lực sau vụ chính biến hôm 1/2, dẫn đến việc nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và hàng loạt chính trị gia bị bắt giữ.
Ông đồng thời tăng mức tiếp nhận người tị nạn của Mỹ lên đến 125.000 người một năm, cao hơn rất nhiều so với mức 15.000 người của chính quyền Trump trong năm ngoái.
“Đầu tư vào ngoại giao không phải là điều chúng tôi làm chỉ vì đó là điều đúng đắn cần làm cho thế giới”, ông nói. “Chúng tôi làm điều đó để được sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng tôi làm điều đó vì đó là lợi ích hiển nhiên của chính chúng tôi”.
Việc ông Biden lựa chọn Bộ Ngoại giao làm địa điểm cho bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại thể hiện sự coi trọng mà ông dành cho các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, những người mà ông Trump phần lớn xem là đối thủ.
Ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Biden đã cố gắng sửa chữa những gì mà ông nói là đã là gây tổn hại đến vị thế của Mỹ trên toàn thế giới. Ông đang nỗ lực khôi phục thỏa thuận Iran và tiếp tục tư cách thành viên của Mỹ trong hiệp định Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Không phải tất cả đồng minh của Mỹ đều có thể vui mừng trước sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, bao gồm Ba Lan, nơi ông Trump từng cam kết triển khai quân đội Mỹ, hay một loạt quốc gia đã chỉ trích sự can thiệp mạnh tay của Washington trong quá khứ.
“Chúng tôi là quốc gia làm được những điều lớn lao. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã làm nên điều đó và chính quyền của chúng tôi đã sẵn sàng đứng lên và dẫn đầu một lần nữa”, ông Biden nói.

Related posts