Báo cáo: Cuộc đàn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ ảnh hưởng đến 3,5 triệu người

Hoàng Thu

Hai cảnh sát Trung Quốc bắt giữ một học viên Pháp Luân Công tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 10/1/2000 (ảnh chụp màn hình Epoch Times).

Một báo cáo mới được công bố gần đây của tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ Freedom House (Ngôi nhà Tự do), cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã “thực hiện các biện pháp hiệu quả nhất chống lại những người theo tôn giáo và những người bất đồng chính kiến”, theo Sound Of Hope.

Chiến dịch trấn áp xuyên quốc gia của ĐCSTQ được đánh giá là phức tạp, toàn diện và toàn cầu hóa nhất này gây ảnh hưởng đến 3,5 triệu người. Cuộc trấn áp đang mở rộng từng ngày, và mức độ tinh vi của các biện pháp, phương tiện tấn công cũng tăng lên đáng kể.

Tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ Freedom House đã phát hành một báo cáo vào ngày 4/2 với tựa đề: “Báo cáo đặc biệt: Đàn áp xuyên quốc gia – Từ Trung Quốc và những địa phương khác – Mối đe dọa với nền dân chủ toàn cầu đang gia tăng”. Báo cáo này cho biết các nhà hoạt động nhân quyền, những người bất đồng chính kiến ​​và gia đình của họ đã bị chế độ độc tài ĐCSTQ đàn áp bạo lực và đe dọa nghiêm trọng trong nước. Ban đầu, họ hy vọng sống sót bằng cách trốn ra nước ngoài, nhưng thực tế là họ đang phải đối mặt với hình thức bạo lực và đe dọa trên quy mô toàn cầu.

Báo cáo mô tả rằng, ĐCSTQ đã phát động một “chiến dịch trấn áp xuyên quốc gia”, “phức tạp nhất thế giới”, “toàn cầu nhất” và “toàn diện nhất” chống lại những người trốn ra nước ngoài. Chiến dịch áp dụng biện pháp “toàn diện”, từ dẫn độ đến hợp tác với các chính phủ nước ngoài để bắt giữ và lưu đày những người lưu vong; từ kiểm soát di chuyển, đến các hành động đe dọa tính mạng; sử dụng phần mềm gián điệp và các mối đe dọa từ xa do các đặc vụ thực thi.

Báo cáo cho biết: “Những vụ việc gây chấn động và tai tiếng này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của một hệ thống giám sát, sách nhiễu và đe dọa rộng lớn hơn nhiều. Nhiều Hoa kiều và người dân tộc thiểu số lưu vong cảm thấy rõ rằng ĐCSTQ đang theo dõi họ và thậm chí hạn chế họ thực hiện các quyền sống cơ bản ở các nước dân chủ khác trên thế giới”.

Các hoạt động trấn áp công khai xuyên quốc gia của ĐCSTQ được đưa vào một khuôn khổ rộng và có ảnh hưởng mạnh, bao gồm các hiệp hội văn hóa, các nhóm cộng đồng người Hoa, và trong một số trường hợp, là mạng lưới tội phạm có tổ chức, tiếp cận một số lượng lớn công dân Trung Quốc, cộng đồng người Hoa và các dân tộc thiểu số Trung Quốc trên khắp thế giới.

Các mục tiêu mà ĐCSTQ nhắm tới đã mở rộng đáng kể trong năm qua, từ người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công trước đây đến người Nội Mông và người Hồng Kông ở nước ngoài. Phương tiện tấn công kỹ thuật cũng tăng lên đáng kể. ĐCSTQ gửi thông tin qua nền tảng WeChat, đồng thời giám sát và kiểm soát nội dung thảo luận giữa những người Hoa ở nước ngoài thông qua các chức năng dịch vụ xã hội và tài chính.

Báo cáo nêu rõ: “Hình thức đàn áp trực tiếp xuyên quốc gia nghiêm trọng nhất là các điệp viên ĐCSTQ, bao gồm các hoạt động gián điệp chủ yếu từ các tổ chức quân sự và an ninh nội bộ của ĐCSTQ, chẳng hạn như Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an và Quân đội Giải phóng Nhân dân; các cuộc tấn công mạng, các mối đe dọa, các cuộc tấn công cá nhân…”

Trong những năm gần đây, chiến dịch chống tham nhũng kiểu Tập đã mở rộng ra nước ngoài, đưa hàng nghìn cựu quan chức ĐCSTQ sống ở nước ngoài vào tầm ngắm của đàn áp và kiểm soát với cáo buộc biển thủ công quỹ.

Trong một số trường hợp, các chính sách xâm lược ngoài lãnh thổ của ĐCSTQ thậm chí còn mở rộng đến những người Trung Quốc mang quốc tịch khác. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là Quế Dân Hải, người đã bị bắt cóc và đưa đến Trung Quốc vào tháng 10/2015 vì bán sách có nội dung về Tập Cận Bình ở Hồng Kông.

Vụ bắt cóc Quế Dân Hải khiến mọi người tự hỏi, liệu ĐCSTQ có tự cho rằng mình nắm quyền tài phán của tất cả người dân Trung Quốc không, bất kể họ ở đâu, bất chấp danh nghĩa một quốc gia bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và nghi thức ngoại giao.

Báo cáo ước tính kể từ năm 2014, khoảng 3,5 triệu người trên toàn thế giới đã bị tấn công hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự đe dọa và cưỡng bức của ĐCSTQ. Trong số đó có ít nhất 608 vụ trấn áp xuyên quốc gia;, bao gồm ám sát, bắt cóc, hành hung, giam giữ và trục xuất bất hợp pháp. Những biện pháp này cũng đang lan rộng trong các cộng đồng trên thế giới.

Chủ tịch tổ chức Freedom House Michael J. Abramowitz cho biết: Quy mô và bạo lực của các cuộc tấn công này nêu bật mối nguy hiểm mà người dân phải đối mặt, ngay cả khi họ thoát khỏi sự đàn áp ở đất nước họ. Những người lưu vong trên khắp thế giới mô tả việc giám sát, tấn công và thậm chí bắt cóc và ám sát là những mối đe dọa thường xuyên, hạn chế khả năng nói chuyện tự do của họ. Việc ngăn chặn đàn áp xuyên quốc gia là rất quan trọng trong việc bảo vệ nền dân chủ và giảm thiểu ảnh hưởng tác động của chủ nghĩa độc tài.

Tổ chức Freedom House đã được đưa vào danh sách trừng phạt của ĐCSTQ vào năm 2019, vì để lộ hồ sơ vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ, với cáo buộc “can thiệp vào công việc nội bộ” của ĐCSTQ.

Vào ngày 10/8/2020, ĐCSTQ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 người Mỹ, bao gồm cả ông Abramowitz, để trừng phạt họ vì những hành động chống lại việc thực thi “Đạo luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Tổ chức Freedom House vẫn liên tục đưa Trung Quốc vào mục tiêu quan sát chính của họ.

Related posts