Sau những “cơn bão” COVID-19 vùi dập liên tục và đến nay vẫn chưa chịu buông tha, trên 500 con tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, cái thì vật vờ ngoài cảng chờ ăn may vợt được vài khách vãng lai, cái thì ở “ẩn” suốt từ đầu năm 2020. Hàng vạn người lao động trực tiếp và gián tiếp “ăn theo” những con tàu này giờ cũng chẳng biết phiêu bạt nơi đâu.
Dồn dập “bão”
Ông Vũ Mạnh Long – Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh – cho xem thông tin khách thăm vịnh Hạ Long hàng ngày được gửi về trên điện thoại của ông. Ngày nào nhiều thì chỉ được vài tàu xuất bến; đặc biệt với tàu nghỉ đêm, có nhiều ngày liền không có một khách nào.
Ông vẫn hi vọng gần Tết Nguyên đán 2021, lượng khách sẽ tăng thêm chút, nhưng rồi đại dịch COVID-19 lần thứ 3 trở lại xóa tan mọi hi vọng. Những người làm du lịch ở Quảng Ninh cho rằng, “cú đấm” bồi này sẽ khiến các chủ tàu – đã trải qua 2 trận “ốm nặng” trước đó sẽ mất rất nhiều thời gian để hồi phục, thậm chí nguy kịch.
Suốt từ đợt dịch thứ 2 trở lại, bắt đầu ở Đà Nẵng vào tháng 8.2020 đến trước đợt dịch thứ 3, hàng trăm con tàu nằm im lìm ở các cảng bến, từ cảng Hòn Gai Vinashin tới Cảng tàu quốc tế Hạ Long và Cảng Tuần Châu. Những ngày có khách, hỏi các chủ tàu bao nhiêu tàu xuất bến, họ chỉ vào dãy tàu nằm san sát nhau và trả lời: Những chỗ trống là do tàu đang đưa khách đi tham quan. Nhìn kỹ hàng trăm con tàu chen chúc nhau, may mắn thì mới có 1-2 chỗ trống.
Ông N.V.Đ hạ thủy 2 con tàu du lịch, với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng, sau đợt COVID-19 thứ nhất – thời điểm có ngày vịnh Hạ Long đón kỷ lục gần 3 vạn khách/ngày. Nhưng rồi dịch liên tiếp trở lại khiến 2 con tàu chỉ chạy được vài chuyến rồi nằm bờ, để lại cho ông những món nợ ngân hàng đang nhảy nhót với lãi mẹ, lại con.
Những chủ tàu có số phận như ông N.V.Đ ở Hạ Long không phải là ít, thậm chí có nhiều chủ tàu còn vay vốn ngân hàng lớn hơn.
Ông Nguyễn Thành Hưng quyết định cho con tàu nghỉ đêm của mình “nghỉ chơi” từ đợt dịch thứ nhất vào đầu năm 2020, vì không còn nhìn thấy tia hi vọng nào bởi khách của dòng tàu này hầu hết là khách quốc tế. “Dịch đợt 1 qua đi, khách nội địa đông trở lại, tôi vẫn để tàu nằm bờ. Khi đó, chúng tôi kỳ vọng cuối năm 2021 khách quốc tế sẽ trở lại. Nay, mọi thứ trở lên vô vọng rồi…” – ông Hưng chua xót.
Có sống sót nổi?
Những chủ các đội tàu lớn, có tiềm lực mạnh cũng phải ôm mặt than trời, dù đã trả hết vốn ngân hàng hoặc còn nợ chút ít.
Từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, ông Đoàn Văn Dũng – Tổng Giám đốc Cty CP du thuyền Đông Dương – đã cho cất hầu hết số tàu vào khu cảng kín, chỉ để lại vài tàu đón khách nghỉ đêm. Tổng thu mỗi chuyến cũng chỉ đủ trả lương tối thiểu cho các nhân viên phục vụ khách và trông coi, bảo dưỡng tàu.
“Đợt dừng hoạt động này khả năng sẽ rất lâu. Tàu không hoạt động sẽ xuống cấp rất nhanh, nếu không thường xuyên bảo dưỡng và thỉnh thoảng nổ máy cho chạy. Vừa qua tôi đi kiểm tra các cơ sở hạ tầng phục vụ khách trên bờ thấy xuống cấp nghiêm trọng vì từ đầu năm 2020 đến nay hầu như đóng cửa” – ông Dũng lo lắng.
Thời gian đầu, ai cũng cố gắng xoay sở để có chút lương tối thiểu cho số nhân viên ít ỏi được giữ lại nhưng đến giờ thì buông xuôi. “Đã không còn ai tự nuôi nổi mình nữa” – một chủ tàu tâm sự.
Hàng nghìn thuyền viên, nhân viên làm việc trực tiếp trên hơn 500 con tàu giờ phiêu bạt nơi nào, các chủ tàu cũng chịu. Họ chỉ cố gắng giữ lại 1-2 nhân viên chính/1 tàu để trông coi và bảo dưỡng tàu. Không ít người đã rời tàu, về quê hoặc đi kiếm sống ở phương trời xa nào đó, ngay từ đại dịch COVID-19 bùng phát đợt đầu.
Những người có gia đình ở Quảng Ninh thì chuyển sang làm nghề khác, thỉnh thoảng được chủ tàu gọi đi làm khi có khách. Tình hình cứ phập phù như vậy, nên không ít người buông bỏ nghề thuyền viên để đi làm thợ xây, đi bán gà dạo…
Lo chưa biết bao giờ các tàu mới được trở lại hoạt động, các chủ tàu cũng không khỏi hoang mang, rằng: nếu may mắn trở lại hoạt động sôi động như xưa, thì lấy đâu ra nguồn nhân lực cho trên 500 con tàu?
Nguyễn Hùng