Trung Quốc ban hành quy chế mới nhằm xiết chặt các công ty công nghệ

Triệu Hằng

Ảnh minh họa: Wikimedia.

Reuters đưa tin, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc đã công bố quy chế mới chống độc quyền vào hôm Chủ nhật (7/2), nhằm xiết chặt các hạn chế hiện có đối với các gã khổng lồ công nghệ trong nước.

Các nguyên tắc mới chính thức hóa một dự thảo luật chống độc quyền được công bố hồi tháng 11 và làm rõ một loạt các hành vi độc quyền mà các cơ quan quản lý có kế hoạch ngăn chặn. Các nguyên tắc này sẽ tạo áp lực lên các hãng công nghệ hàng đầu của đất nước, bao gồm các trang thương mại điện tử như Taobao của Alibaba và Tmall của JD. Quy định mới cũng áp dụng cho các dịch vụ thanh toán như Alipay của Ant Group hoặc WeChat Pay của Tencent Holding.

Các quy tắc do Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường (SAMR) công bố, cấm các công ty thực hiện nhiều hoạt động, bao gồm cả việc buộc người bán phải lựa chọn người mua từ những hãng công nghệ hàng đầu quốc gia, điều vốn được xem là một thông lệ đã có từ lâu.

SAMR cho biết, các hướng dẫn mới nhất sẽ “ngăn chặn các hành vi độc quyền trong kinh tế kỹ thuật số và bảo vệ sự cạnh tranh công bằng trên thị trường này”.

Thông báo cũng cho biết sẽ ngăn chặn các công ty khỏi việc ấn định giá, hạn chế công nghệ và sử dụng dữ liệu và thuật toán để thao túng thị trường.

Ngoài ra, SAMR cho biết thêm rằng các báo cáo về hành vi chống độc quyền liên quan đến Internet ngày càng gia tăng và họ đang phải đối mặt với những thách thức trong việc điều tiết ngành.

SAMR nói rằng: “Hành vi được che dấu kỹ hơn, việc sử dụng dữ liệu, thuật toán, quy tắc nền tảng, đã khiến việc phát hiện và xác định đâu là các thỏa thuận độc quyền trở nên khó khăn hơn”.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu thắt chặt giám sát các gã khổng lồ công nghệ trong nước, thay đổi 180 độ cách tiếp cận theo kiểu tự do trước đây.

Vào tháng 12, các nhà quản lý đã phát động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Tập đoàn Alibaba theo sau kế hoạch phát hành cổ phiếu trị giá 37 tỷ đô la của nền tảng thanh toán trực tuyến Ant Group của tập đoàn này.

Related posts