Thu Hằng
Quân đội Miến Điện « lên gân », người dân « đoàn kết » ; Người Việt tại Nga và tác động của dịch Covid-19 ; « Zéro Covid » mô hình lý tưởng khuấy động giới chuyên gia châu Âu ; Indonesia bắt buộc tiêm ngừa Covid-19 ; Thụy Sĩ mở khách sạn đón người vô gia cư. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế giới đó đây của RFI Tiếng Việt ngày 20/02/2021.
Phong trào « Bất phục tùng dân sự » – CDM (Civil Disobedience Movement) tại Miến Điện tiếp tục thu hút hàng chục nghìn người từ mọi tầng lớp khác nhau xuống đường mỗi ngày. Họ không ngừng có những ý tưởng mới, sử dụng những phương tiện trong tay, để đối phó với lực lượng quân đội hùng hậu.
Tập đoàn quân sự cắt internet để chặn nguồn thông tin, nhóm « Myanmar hackers » (Tin tặc Miến Điện) ra đời hôm 18/02 đã đánh sập nhiều trang web của chính phủ : từ trang web của Ngân hàng Trung ương, Cơ quan Cảng vụ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, đến trang tuyên truyền của quân đội hay kênh truyền hình Nhà nước MRTV.
Nếu quân đội lợi dụng giới nghiêm để gia tăng bắt bớ ban đêm, người dân thay nhau lập đội tuần tra, gõ xoong nồi báo động khi có người lạ thâm nhập. Quân đội thị uy bằng xe tăng và xe thiết giáp, người dân huy động phong trào « hỏng xe chặn đường » hay chạy chậm cản trở giao thông. Đây là một trong những ý tưởng, nảy sinh mỗi ngày, được Nway, một trong những người khởi xướng, giải thích với đài RFI ngày 16/02 :
« Dù mọi người vẫn hy vọng và tin vào áp lực của quốc tế, chúng tôi vẫn tìm cách gây áp lực với quân đội theo cách có thể : Quyền lực nằm trong tay nhân dân !… Chúng tôi học hỏi mỗi ngày. Quân đội đã đảo chính ba lần trong một thế kỷ, vì thế giới tướng lĩnh biết họ có thể làm được gì hoặc không được làm gì. Nhưng đối với thế hệ chúng tôi thì đây là lần đầu tiên. Vì thế, chúng tôi học dần dần. Chiến dịch phong tỏa đường phố với xe ô tô hỏng mới chỉ bắt đầu cách đây một tuần và chúng tôi sẽ tìm ra những cách khác để tiếp tục gây sức ép ».
Nhưng phong trào sẽ kéo dài được bao lâu ? Đây là lo lắng của một bác sĩ ẩn danh, đình công để phản đối đảo chính. Trả lời RFI, ông kêu gọi cộng đồng quốc tế trừng phạt giới tướng lĩnh :
« Phần lớn nhân viên tham gia phong trào « Bất phục tùng dân sự » xuất thân từ những tầng lớp nghèo nhất. Ngoài công việc của một công chức, họ không có cách kiếm sống nào khác. Họ sẽ không thể trụ được hơn một tháng rưỡi. Hiện tại, nhiều người Miến Điện ở nước ngoài gửi tiền cho chúng tôi và những người giầu nhất cũng cho chúng tôi. Họ đã hỗ trợ cho những người nguy kịch về tài chính.
Hy vọng của chúng tôi là cộng đồng quốc tế áp đặt lệnh cấm thị thực đối với thành viên gia đình các tướng lĩnh vì họ toàn cho con đi du học ở Úc, ở Anh và Mỹ. Nếu họ bị trừng phạt theo cách này, cùng với các biện pháp trừng phạt kinh tế, việc này sẽ mang lại tầm quan trọng đáng kể ».
Nguy cơ quân đội can thiệp vũ lực
Trả lời phỏng vấn RFI ngày 17/02, ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền Miến Điện, lo ngại quân đội sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình :
« Tôi thấy kinh hãi. Tôi nghĩ là tất cả các yếu tố cho một vụ đàn áp tàn bạo đều hội tụ. Chúng ta biết quân đội Miến Điện có khả năng như thế nào. Chúng ta đã từng thấy các vụ tàn sát người biểu tình ủng hộ dân chủ trong quá khứ. Họ cũng tấn công cả những nhà sư mặc áo cà sa. Chúng ta cũng từng chứng kiến những hành động tàn bạo chống lại nhóm người thiểu số Rohingya. Quân đội có thể làm tất. Tôi nghe nói là đã có nhiều toán quân di chuyển. Quân nhân được điều về Rangoon và có thể là đến nhiều thành phố khác.
Chúng tôi kêu gọi các chính phủ nước ngoài, các công ty đa quốc gia, để họ sử dụng ảnh hưởng và các kênh ngoại giao của mình để ngăn cản quân đội dùng đến vũ lực. Chúng tôi cũng đề nghị họ cảnh báo tập đoàn quân sự, trong trường hợp vẫn cố tình tiếp tục, quân đội phải biết cái giá phải trả : Quân đội sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Các doanh nghiệp có thể sẽ không tiếp tục quan hệ thương mại với các công ty có liên hệ với quân đội. Các doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và không thể nhắm mắt trước tình trạng trấn áp ».
Phong trào vẫn tiếp tục với nguy cơ dịch Covid-19 có thể gia tăng theo những cuộc biểu tình từ hơn hai tuần nay.