kêu gọi dân phải ‘quên mình vì nước’, Hồ Tích Tiến cứng họng khi không cho con trai ra trận

Vũ Dương

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến (ảnh: Youtube/胡锡进Global Times Hu Xijin).

Tám tháng sau xung đột, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên tiết lộ danh sách thương vong tại biên giới Trung-Ấn vào năm ngoái. Sau đó, nhà chức trách ĐCSTQ đã tung ra một đợt tuyên truyền kích động “lòng yêu nước” mới, ông Hồ Tích Tiến – Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu đã nói cư dân mạng “quên mình vì đất nước”, nhưng lại nhận phải vô số đả kích từ cư dân mạng.

Một nhà bình luận thời sự nổi tiếng đã đánh cược 3 tháng lương với ông Hồ Tích Tiến, rằng liệu ông có dám cho con trai mình trở về nước tham gia quân đội trên chiến trường hay không, Epoch Times cho hay.

Hồ Tích Tiến lại thu hút dư luận

Ngay sau khi hai bên Trung – Ấn rút quân khỏi khu đối đầu biên giới không lâu, ngày 19/2, ĐCSTQ lần đầu tiên chính thức thông báo về việc 4 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc xung đột biên giới Trung – Ấn hồi tháng 6 năm ngoái, ngoài ra còn có một sĩ quan tên Kỳ Phát Bảo (Qi Fabao) bị thương nặng. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho hay, rằng thương vong của phía quân đội Trung Quốc vượt xa con số nêu trên.

Cùng ngày, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng một video về sĩ quan Kỳ Phát Bảo trên Weibo. Trong video, Kỳ Phát Bảo qua phiên dịch nói với một người lính Ấn Độ rằng, “Cút đi! Bây giờ hãy cút đi cho tôi… nếu không muốn đánh nhau thì hãy cút đi!”

Ông Hồ Tích Tiến đã nói trong phần bình luận của mình rằng, “Không muốn đánh nhau thì hãy cút đi! … Đàn ông con trai nên sống như họ, chết như họ vậy”. Nhận xét này đã vấp phải sự bất mãn mạnh mẽ từ cư dân mạng Trung Quốc.

Hôm 20/2, ông Vương Á Quân (Wang Yajun), một nhà bình luận thời sự nổi tiếng ở Trung Quốc viết trên Twitter rằng: “Ông Hồ Tích Tiến đã nói một cách hùng hồn mạnh mẽ, sĩ khí dâng trào như vậy, tôi dứt khoát ủng hộ sáng kiến ​​của ông, và cũng xin bày tỏ quan điểm của tôi rằng nếu con trai của ông  Hồ Tích Tiến ra chiến trường sau tốt nghiệp nước ngoài, tôi sẽ quyên tặng 3 tháng lương của mình!”

“Nếu con trai của ông Kim Sán Vinh (quan chức Trung Quốc) trở về từ Canada tham gia tiền tuyến, tôi sẽ quyên tặng 5 tháng lương của mình. Nếu con trai của ông Trần Bình, Lý Nghị trở về từ Mỹ đi ra biên cương, tôi sẽ quyên tặng 8 tháng lương của mình. Còn nếu con trai của ông Trương Duy Vị đi quân đội sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài, tôi xin quyên tặng 1 năm tiền lương của mình!”

Ông Vương Á Quân đã viết một số bài báo nói về đại dịch viêm phổi Vũ Hán vào năm ngoái, và đã bị chính quyền giam giữ trong 10 ngày.

Tuy nhiên, tài khoản ông Hồ Tích Tiến trên Twitter đã không trực tiếp phản hồi bình luận trên mà thay vào đó, ông đã chụp ảnh màn hình dòng tweet này và đăng lên tài khoản Weibo ở Trung Quốc với 24,1 triệu người theo dõi.

Ông Hồ Tích Tiến đã chụp ảnh màn hình dòng tweet của ông Vương Á Quân và đăng lên tài khoản Weibo ở Trung Quốc với 24,1 triệu người theo dõi.

Và ông Hồ Tích Tiến đã trả lời trên Weibo rằng: “Ông có tư cách gì nói với Hồ này như vậy? Hồ đây đã đi lính được 11 năm, sau khi làm phóng viên đã đích thân trải qua hai cuộc chiến và đã nghe thấy tiếng tiếng đạn rít bên tai. Tâm huyết của hạng tiểu nhân chỉ giỏi bợ đỡ như ông còn không bằng cả tên thái giám, lại còn muốn chứng tỏ bản thân mình rất cao thượng cơ đấy!”

Rõ ràng, ông Hồ Tích Tiến rất quan tâm đến việc người ngoài nói về những đứa con hiện đang sống ở nước ngoài của mình. Tháng 10 năm ngoái, trang Apple Daily tiết lộ rằng con trai của ông Hồ Tích Tiến đã nhập cư Canada. Tháng 12 cùng năm, ông Hồ Tích Tiến bị ông Đoàn Tĩnh Đào (Duan Jingtao), phó tổng biên tập của Thời báo Hoàn Cầu, tố cáo với tên thật rằng, “Hồ có quan hệ tình ái bất chính với hai nữ nhân viên cấp dưới và với mỗi cô đều có một đứa con riêng”, nhưng đều bị Hồ Tích Tiến phủ nhận.

Ông Vương Á Quân đánh cược với ông Hồ Tích Tiến, nhưng ông Hồ Tích Tiến lại “tránh nặng tìm nhẹ” khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi. Nhiều cư dân mạng bày tỏ:

“Trả lời thẳng vấn đề đi, rốt cuộc con trai ông có ra chiến trường không? Nếu đi sẽ vác loại súng nào, hay cũng chỉ là mang thẻ nhà báo rồi dạo quanh một vòng như ông”. 

“Khách sạn ở chiến trường thì cũng được tính là bãi chiến trường, ông cứ việc đến khách sạn nơi chiến trường đưa tin, cũng có thể nói là phóng viên chiến trường rồi”.

“Ông Hồ có phải hồ đồ mất rồi không? Lại nhảy tưng tưng rồi? Ông ấy không có nói ông, người mà ông ấy nói là con trai ông mà”.

“Hồi đó ông đi chân đất nghèo rớt mồng tơi, giờ con trai ông đi giày xịn đang sống ở nước ngoài kia kìa! Ông đành lòng sao? Chỉ biết kêu gọi những đứa trẻ nghèo đi chân đất làm bia đỡ đạn, thật vô liêm sỉ! Những kẻ suốt ngày kêu gào mọi người hãy hy sinh vì đất nước đều là những kẻ sẽ không bao giờ đi ra chiến trường!”.

“Rất nhiều người trong quân đội đều là con một. Một binh sĩ thương vong thì chính là cả một gia đình trong xã hội bị hủy hoại, cũng có một đôi cha mẹ mất đi đứa con duy nhất của mình. Ông Hồ sao có thể xúi con người khác đi chết như vậy?”

“Trả lời thẳng vấn đề được không? Tại sao con cái của ‘tầng lớp ưu tú’ các ông đều đang sống ở nước ngoài, hơn nữa còn ở Âu Mỹ. Không phải các ông vẫn không ngừng mắng chửi Âu Mỹ thậm tệ sao, nếu nơi đó thật sự khủng khiếp đến vậy, thì hãy mau mau gọi bọn nhỏ trở về đi, sao phải ở đó chịu khổ chi vậy?”

Xung đột biên giới Trung –  Ấn, vì sao ĐCSTQ sau 8 tháng mới công bố thông tin?

Hôm 19/2, khi mà ĐCSTQ chính thức công bố tin tức xung đột biên giới Trung-Ấn vào năm ngoái, Thời báo Hoàn cầu cũng đã đăng một bài xã luận về lý do tại sao các nhà chức trách lại công bố tin tức liên quan vào thời điểm này, bài báo giải thích rằng điều này “thể hiện trí tuệ chiến lược và sự khôn ngoan của đất nước này trong việc xử lý các công việc phức tạp”.

Tuy nhiên, ông Hoành Hà, chuyên gia về Trung Quốc cho rằng nếu Trung Quốc chỉ có 4 binh sĩ thiệt mạng, trong khi Ấn Độ báo cáo hơn 20 binh sĩ thiệt mạng ngay từ đầu, thì Trung Quốc nên báo cáo ngay lập tức mới phải, thương vong nhỏ cũng là một chiến thắng. Do đó con số thương vong của Trung Quốc là từ 43 – 45 người được báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau thấy vẫn đáng tin hơn cả.

Epoch Times tiếng Trung bình luận, sau khi binh lính Trung Quốc chết trận, họ chỉ được an táng tại địa phương, không được về quê, người nhà cũng không được tiết lộ thông tin ra bên ngoài, ngoại trừ 4 người này, hầu hết các binh lính tử trận đều không được phép công bố tên của họ. Điều này thật khó tin trong một xã hội tự do. Với ĐCSTQ mà nói, tình trạng thực tế của một người lính chỉ là bia đỡ đạn, dẫu phương tiện truyền thông chính thức có dùng cách gọi đẹp đẽ nào với họ đi chăng nữa.

Related posts