Đài Loan có Bộ trưởng quốc phòng mới.
Tướng Khưu Quốc Chính đã tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan vào thứ Ba (23/2) với lời hứa sẽ tiếp tục cải cách quân đội. Việc bổ nhiệm ông Khưu là một phần của kế hoạch cải tổ nội các chính phủ Đài Loan công bố vào ngày 19/2, trong đó bao gồm việc thay thế các quan chức hàng đầu trong lực lượng an ninh, quốc phòng và các quan chức liên quan tới chính sách với chính quyền Trung Quốc [Taiwan News].
Thống tướng Myanmar kêu gọi phục hồi kinh tế.
Giữa lúc phương Tây gia tăng biện pháp trừng phạt sau cuộc đảo chính, Thống tướng Min Aung Hlaing hôm thứ Hai (22/2) kêu gọi phục hồi nền kinh tế “ốm yếu” bằng việc cắt giảm chi tiêu nhà nước và nhập khẩu, đồng thời tăng xuất khẩu trong cuộc họp với Hội đồng Hành chính Nhà nước, cơ quan đang nắm quyền lực ở Myanmar [Reuters].
Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc diệt chủng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận chính quyền Trung Quốc có hành vi diệt chủng hoặc áp bức người dân ở Tân Cương và cho biết nước ông hoan nghênh Trưởng ban nhân quyền Liên Hợp Quốc đến thăm khu vực này. “Chưa bao giờ có bất cứ điều gì như diệt chủng, lao động cưỡng bức và áp bức tôn giáo. Những tuyên bố giật gân này bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thành kiến và cường điệu chính trị, hoàn toàn [là] vu khống”, ông Vương khẳng định mạnh mẽ trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hôm thứ Hai (22/2) [SCMP].
Malaysia trục xuất hơn 1.000 người Myanmar.
Bất chấp việc tòa án yêu cầu ngưng thực hiện, giới chức Malaysia hôm thứ Ba (23/2) vẫn quyết định trục xuất 1.086 người Myanmar trong bối cảnh quốc gia cùng khu vực đang chìm trong tình trạng bất ổn sau đảo chính. Các nhà hoạt động cho biết nhóm người Myanmar bị trục xuất bao gồm cả những người tị nạn dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan nhập cư Malaysia bảo đảm không có ai thuộc cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya, hay người xin tị nạn [Barrons].
EU đề nghị 6 quốc gia thành viên dỡ bỏ hạn chế Covid.
Brussels cho rằng các lệnh xuất nhấp cảnh quá mức cần được thu hồi vì nó đang tạo ra những khó khăn cho đi lại của người dân và hàng hóa của khối. Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hungary và Thụy Điển có 10 ngày để phản hồi đề nghị này của ủy ban châu Âu [The Guardian].
Philippines đề nghị ‘đổi y tá’ lấy vắc xin Covid.
Cục trưởng Cục Các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Lao động Philippines, bà Alice Visperas, hôm thứ Ba (23/2), đề nghị Anh và Đức tài trợ vắc xin, đổi lại Manila sẽ để hàng nghìn nhân viên y tế Philippines sang hai quốc gia này làm việc. Trong khi cả Anh và Đức đã bắt đầu tiêm chủng cho 23 triệu dân, Philippines vẫn chưa thực hiện được việc này. Manila dự kiến sẽ nhận lô vắc xin đầu tiên trong tuần này do Trung Quốc tài trợ [Reuters].
TT Biden sắp tới bang Texas.
Ông Joe Biden sẽ thực chuyến công cán này trong bối cảnh Texas bắt đầu phục hồi sau khi thời tiết giá lạnh gây nhiều thiệt hại về cả tính mạng lẫn kinh tế. Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba (23/2) thông báo TT Biden cùng phu nhân sẽ đến Houston vào thứ Sáu (26/2). Ông dự kiến sẽ gặp gỡ các lãnh đạo địa phương để thảo luận về tiến trình khắc phục hậu quả sau cơn bão tuyết khiến nhiều hộ gia đình không có đủ điện và nước để sử dụng. Ông Biden cũng sẽ đến thăm một trung tâm y tế – nơi đang được phân phối vắc xin viêm phổi Vũ Hán [Apnews].
Nhân viên Big Tech đã quyên góp rất nhiều cho Biden.
Các nhân viên tại Microsoft, Amazon, Apple, Facebook và Alphabet (công ty mẹ của Google), đã quyên góp ít nhất 15,1 triệu đô la Mỹ cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Joe Biden. Năm công ty công nghệ hàng đầu này cũng là nguồn gây quỹ lớn nhất cho chiến dịch tranh cử của tổng thống thứ 46. Thống kê trên được đưa ra trong bối cảnh các đảng viên Cộng hòa ngày càng gia tăng cáo buộc Big Tech có thành kiến chống lại họ và kiểm duyệt các nội dung bảo vệ văn hóa truyền thống [Dailycaller].