Sợ thanh trừng, cháu trai Giang Trạch Dân chuyển tài sản sang Singapore

Vũ Dương

Ảnh: Youtube/明镜新闻台.

Quỹ tiền tệ Bác Dụ (Boyu Capital) được thành lập vào năm 2010 bởi ông Giang Chí Thành – cháu trai cựu lãnh đạo đảng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân. Gần đây, do mối quan hệ với Jack Ma bị phanh phui nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Truyền thông Hoa Kỳ dẫn tin tức mới nhất từ ​​các nhân sĩ nắm rõ sự tình rằng thuận theo sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ của ông Tập Cận Bình đối với Hồng Kông, gia tộc quyền quý vốn đã mất dần sức ảnh hưởng này thầm lo lắng rằng ông Giang Trạch Dân hiện đã 94 tuổi một khi qua đời, người nhà và thân tín ông ta cũng sẽ bị thanh trừng. Kể từ năm 2019, Quỹ tiền tệ Bác Dụ đã chuyển một phần nghiệp vụ từ Hồng Kông sang Singapore, và hai người đồng sáng lập của tập đoàn này cũng đã di cư đến Singapore, Sound of Hope cho hay.

Tờ “Wall Street Journal” hôm 22/2 đã dẫn lời nhân sĩ nắm rõ sự tình rằng, Quỹ tiền tệ Bác Dụ đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh từ trụ sở chính ở Hồng Kông sang Singapore. Ông Đồng Tiểu Mông (Tong Xiaomeng), người đồng sáng lập của công ty này gần đây đã có hộ khẩu thường trú tại Singapore và sẽ đảm nhiệm giám đốc điều hành của một công ty quản lý quỹ cùng tên ở địa phương. Có thông tin rằng ông Trương Tử Hân (Zhang Zixin) – một đồng sáng lập khác của tập đoàn này cũng đã di cư đến Singapore.

Theo báo cáo, những thay đổi này bắt đầu từ năm 2019, khi Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đang cố gắng làm suy yếu sức ảnh hưởng của các lãnh đạo đảng đã về hưu và tăng cường kiểm soát Hồng Kông.

Một người nắm rõ nội tình cho biết, việc “Quỹ tiền tệ Bác Dụ” chuyển dời sang Đông Nam Á lần này chủ yếu lo ngại sức ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân giảm sút. Thành công của Tập đoàn Bác Dụ vốn có mối tương quan mật thiết với sự ủng hộ của Giang Trạch Dân.

“Quỹ tiền tệ Bác Dụ” được thành lập tại Hồng Kông vào năm 2010. Những người đồng sáng lập ngoài Giang Chí Thành, Đồng Tiểu Mông và Trương Tử Hân ra, còn có bà Mã Tuyết Chinh (Mary Ma) đã quá cố. “Quỹ tiền tệ Bác Dụ” cũng nhận được đầu tư từ ông Lý Gia Thành – nhà tài phiệt giàu nhất Hồng Kông và tập đoàn Temasek Holdings của Singapore.

Theo báo cáo, “Quỹ tiền tệ Bác Dụ” còn được gọi là “Quỹ tiền tệ Thái tử đảng”, nhờ việc mua lại cổ phần tại các cửa hàng miễn thuế ở sân bay Bắc Kinh và Thượng Hải mà thu hút nhiều sự chú ý. Trong 10 năm qua, Tập đoàn Bác Dụ đã biến các mối quan hệ chính trị của gia tộc họ Giang thành khối tài sản thương mại khổng lồ. Bất kể số lượng dự án mà nó tham gia tài trợ hay quy mô vốn, không ai có thể sánh kịp. Trước đó, truyền thông nước ngoài tiết lộ tài sản của gia đình họ Giang lên tới 500 tỷ đô-la Mỹ, đứng đầu danh sách xếp hạng tỷ phú giàu nhất thế giới.

Tờ “Houthoff” tiết lộ rằng ông Giang Trạch Dân có 350 triệu đô-la Mỹ trong một tài khoản bí mật ở Ngân hàng Thụy Sĩ; ngoài ra ông còn có một biệt thự ở đảo Bali, Indonesia. Được biết căn biệt thự này được cựu Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Đường Gia Toàn (Tang Jiaxuan) mua cho ông Giang Trạch Dân với giá 10 triệu đô-la Mỹ vào những năm 90 của thế kỷ trước

Tờ “The Wall Street Journal” ngày trước đã đưa tin rằng “Quỹ tiền tệ Bác Dụ” cũng là một trong những nhà đầu tư đứng sau Tập đoàn Ant Group của Alibaba. Báo cáo chỉ ra, cơ cấu cổ phần của Ant Group rất phức tạp, là do một nhóm nhỏ các chức sắc Trung Quốc có mối quan hệ rộng khắp. Một vài trong số đó liên quan đến các gia tộc chính trị có thể cấu thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với ông Tập Cận Bình.

Báo cáo dẫn lời người nắm rõ nội tình cho hay, so với Hồng Kông, Singapore càng có thể cho phép Tập đoàn Bác Dụ tránh được sự giám sát hoặc các hành động bất lợi của Bắc Kinh. Chi nhánh Singapore cũng có thể trở thành cảng an toàn giúp họ tránh các cuộc tranh trừng chính trị nội bộ ĐCSTQ.

Báo cáo còn đề cập, tập đoàn Bác Dụ cũng đã chuyển một phần hoạt động kinh doanh của mình sang Thượng Hải. Thượng Hải là sào huyệt của ông Giang Trạch Dân. Trong thời gian nắm quyền tại Thượng Hải, ông ta đã đề bạt lượng lớn quan chức và thân tín kết  thành “băng đảng Thượng Hải” rối rắm khó gỡ. Sau Đại hội lần thứ 18 của ĐCSTQ, khi ông Tập Cận Bình thanh trừng các quan chức phe cánh ông Giang, “Thượng Hải bang” cũng đã trở thành trọng điểm. Những người chưa được thanh lọc cũng đã mờ nhạt khỏi tầm mắt của công chúng trong mấy năm gần đây.

Báo cáo dẫn lời của một nhân sĩ trong đảng cho biết: “Tập Cận Bình trong quá trình thâu tóm quyền lực đã làm suy yếu sức ảnh hưởng của các nguyên lão đã về hưu. Các nguyên lão này trước nay đã luôn cố gắng dẫn dắt các quyết định có lợi cho họ”, “Khi ông Tập Cận Bình dần chiếm ưu thế, ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân già cả đã suy yếu, sau khi ông Giang Trạch Dân chết đi, có thể sẽ cải biến thêm bước nữa cấu trúc quyền lực trong đảng, khiến gia đình và tay chân của ông Giang càng dễ bị thanh trừng hơn”.

Ngăn chặn “băng đảng Thượng Hải” bành trướng, Tập Cận Bình trấn áp Jack Ma đến cùng

Tờ Wall Street Journal đã đề cập trong một bài viết hôm 16/2 rằng, việc ông Tập Cận Bình đình chỉ niêm yết Tập đoàn Ant Group có liên quan đến các cuộc thanh trừng chính trị nội bộ ĐCSTQ. Ngoại giới phổ biến nhìn nhận rằng, việc Jack Ma công khai chỉ trích hệ thống tài chính của ĐCSTQ tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Bến Thượng Hải vào ngày 24/10 năm ngoái đã mở đường cho cái kết của ông ngày hôm nay.

Tuy nhiên, hơn 12 quan chức cấp cao và các chuyên gia tư vấn chính phủ của ĐCSTQ được phỏng vấn trong bài viết đã nói rằng, trên thực tế, trước đó ông Tập Cận Bình đã bắt đầu điều tra các ông chủ đứng sau tập đoàn Ant Group và phát hiện nhiều “thế hệ đỏ thứ hai” như ông Giang Chí Thành, Lý Bá Đàm – con rể của cựu Thường vụ Bộ Chính trị Giả Khánh Lâm,… đều đã bí mật đầu tư vào Ant Group. Ông Tập Cận Bình lo lắng sau khi Ant Group được niêm yết rồi sẽ khiến “băng đảng Thượng Hải” lớn mạnh hơn nên đã trực tiếp đình chỉ việc niêm yết.

Ngoại giới vẫn luôn nhìn nhận rằng Jack Ma là “găng tay trắng” của thế lực nhà họ Giang, do vậy cảnh ngộ trước mắt của Jack Ma và tập đoàn Alibaba chính là ông Tập Cận Bình công khai quyết chiến với phe cánh nhà họ Giang thông qua Jack Ma. Từ hình thế trước mắt có thể thấy được rằng dường như Giang Chí Thành đã có sự chuẩn bị từ trước, thế nên Jack Ma đã trở thành vật hy sinh trong cuộc thanh trừng phe phái chính trị nội bộ ĐCSTQ.

Reuters từng báo cáo trong một bài viết rằng, sự kiểm soát toàn diện của ĐCSTQ đối với tất cả các khía cạnh của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc đã mang lại cho các thái tử đảng cơ hội sử dụng các mối quan hệ chính trị của họ để tích cóp tài sản. Trong mắt nhiều nhà đầu tư nặng ký, việc đầu tư không cần phải cân nhắc quá nhiều, chỉ cần chọn đúng người. Họ sẽ đánh giá các tập đoàn dựa trên mối quan hệ chính trị của nó với thái tử đảng và khả năng biến các mối quan hệ đó thành các giao dịch thương mại. Đây là lý do tại sao các nhà đầu tư luôn có hứng thú việc đầu tư vào quỹ tiền tệ của thái tử đảng.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhà đầu tư vấp phải rủi ro lớn nhất. Bài viết cho hay, các đặc quyền của thái tử đảng ở Trung Quốc không nhất định là được lâu bền, ngay cả ông Giang Chí Thành cũng vậy. Thuận theo việc ông Tập Cận Bình không ngừng tăng cường tập trung quyền lực, nỗi lo này cũng đang tăng lên từng ngày.

Related posts