Khiêm Từ
Nam Phương hoàng hậu (1914 – 1963) là vị hoàng hậu cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Đúng như cái tên do hoàng đế Bảo Đại ban tặng, trong buổi biến thiên dữ dội của lịch sử, hoàng hậu Nam Phương – hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) – đã sống một cuộc đời lặng lẽ tỏa hương và giờ đây, mộ phần đơn sơ của bà vẫn lặng lẽ nhìn xuống thung lũng mái ngói dập dờn của một ngôi làng bình yên miền Tây Nam nước Pháp.
Từ tiểu thư thế gia đến chính cung hoàng hậu
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ra tại Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Ông ngoại của bà là Lê Phát Đạt, tục gọi là Huyện Sỹ ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX.
Lúc sinh thời, hoàng hậu Nam Phương là người phụ nữ nức tiếng xứ An Nam về lòng nhân từ và nhan sắc. Trước khi lấy vua Bảo Đại, bà từng ba năm liền đoạt giải hoa hậu Đông Dương.
Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp trung học), Nguyễn Hữu Thị Lan về nước và gặp gỡ vua Bảo Đại lần đầu tiên trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace – Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý thành phố sắp đặt.
Trong cuốn Con rồng Việt Nam, vua Bảo Đại chia sẻ rằng:
“Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa hoàng triều Huế với người dân miền Nam”.
Mặc dù vấp phải những sự phản đối từ triều đình Huế, vua Bảo Đại vẫn quyết định cầu hôn cô gái với “vẻ đẹp thùy mị của người con gái miền Nam, hiền lành và quyến rũ” làm ông say mê.
Hôn lễ được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong hoàng hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Thái Hòa. Hoàng đế phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương hoàng hậu. Vua Bảo Đại có giải thích thêm về hai chữ Nam Phương như sau: “Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho hoàng đế”.
Nhẫn nhịn, vị tha, cao quý
Sau lễ cưới, hoàng đế Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Nam Phương hoàng hậu cùng vua Bảo Đại có tất cả năm người con, trong đó có Nguyễn Phúc Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, tước phong Hoàng thái tử.
Khi đó, công việc hàng ngày của hoàng hậu là dạy dỗ các hoàng tử, công chúa. Thỉnh thoảng, bà cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ tiệc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên Đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên Cung và Từ Cung Hoàng thái hậu.
Hoàng hậu còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Hàng năm bà đều tham dự các buổi phát giải thưởng cho các học sinh giỏi tổ chức tại trung tâm Accueil gần nhà Dòng Chúa Cứu Thế. Theo lời nữ sĩ Đạm Phương thì có lần hoàng hậu bảo bà làm đơn xin phép Bộ Giáo dục đem môn Nữ công gia chánh vào học đường. Là người Công giáo, hoàng hậu đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Công giáo ở Việt Nam với hoàng tộc nhà Nguyễn, vốn trước đó có những quan hệ căng thẳng kéo dài.
Vì yêu say đắm Nam Phương hoàng hậu, vua Bảo Đại đã vì bà mà dẹp bỏ tam cung lục viện, chấp nhận cuộc sống hôn nhân một vợ một chồng chung thuỷ. Thế nhưng, sau này ông lại bộc lộ thói trăng hoa, không ít lần lừa dối bà để đi theo những bóng hồng khác.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, vua Bảo Đại thoái vị. Tháng 9 năm 1945, ông ra Hà Nội nhận chức “Cố vấn tối cao” trong chính phủ. Thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại đã qua lại với vũ nữ Lý Lệ Hà.
Khi biết chuyện, hoàng hậu giận đến đỏ mặt, bà mím chặt môi, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Bà im lặng, hỏi thêm vài câu, rồi bà nói với cận thần đưa thư rằng bà cũng muốn ra Hà Nội sum họp với chồng, nhưng sợ lại làm cho cựu hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”. Rồi bà gửi cho người cận thần này số tiền mà vua Bảo Đại đòi hỏi.
Sau đó ít lâu, cựu hoàng Bảo Đại cùng nhân tình Lý Lệ Hà sang Hong Kong. Trong khoảng thời gian này, Nam Phương hoàng hậu gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư. Trong thư viết:
“Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương”.
Mãi đến 50 năm sau đó, bà Lệ Hà vẫn còn giữ bức thư bên mình như một kỷ vật rất quan trọng.
Những tháng ngày tha hương
Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế. Ngày 1 tháng 1 năm 1947, Nam Phương hoàng hậu cùng các con sang Pháp. Tuy vậy, Nam Phương hoàng hậu được đánh giá là người thiết tha với đất nước. Theo tài liệu của sử gia Pháp Jean Renaud do nhà xuất bản Guy Boussac ấn hành năm 1949:
“Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
“…Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi”.
Năm 1949, Bảo Đại trở về Việt Nam ngồi ghế “Quốc trưởng”, nhưng hoàng hậu Nam Phương vẫn ở bên Pháp. Hàng ngày, sinh hoạt của bà là chăm lo cho các con, đọc sách báo hoặc ra vườn trồng hoa, tỉa lá. Buổi tối bà thích chơi dương cầm cho các con nghe.
Bảo Đại là một người đàn ông trăng hoa, nhưng Nam Phương hoàng hậu lại tuyệt đối giữ gìn tiết hạnh. Sau năm 1955, Bảo Đại để bà Nam Phương ở nhà một mình với mấy người con khi đó đã lớn, mỗi người đi làm một nơi. Dù không sống cùng Bảo Đại, lại ở trời Âu, nhưng hoàng hậu Nam Phương không bao giờ có nhân tình, dù chỉ là đi khiêu vũ hay đi tắm biển với một người đàn ông nào khác.
Về sau, hoàng hậu Nam Phương rời lâu đài Thorenc ở Cannes để về sống tại lâu đài Domaine de la Perche ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Nouvelle-Aquitaine cách Paris chừng bốn năm trăm cây số.
Bà hoàng nước Nam một thời sống những ngày bình lặng nơi đây và vào một ngày mùa thu năm 1963, bà cũng lặng lẽ ra đi khi không có một người ruột thịt nào bên cạnh. Khi đó, các con bà đang đi học hoặc làm ở Paris, còn Bảo Đại sống ở miền Nam nước Pháp. Đám tang của hoàng hậu Nam Phương được cử hành theo nghi thức đạo Công giáo rất đơn giản, chỉ có các hoàng tử, công chúa, một số bạn bè thân thiết của gia đình và đại diện chính quyền Pháp.
Hương thơm phương Nam còn vấn vương miền Nam nước Pháp
Tác giả Thẩm Tuyên từng chia sẻ về những ngậm ngùi khi viếng thăm mộ phần của hoàng hậu Nam Phương tại nghĩa trang Chabrignac, tỉnh Corrèze như sau:
“Tỉnh lộ miền Nam nước Pháp đẹp tuyệt vời, vùng này không có núi cao như ở Alpes-Provence nhưng thế đất đồi dốc uốn lượn xuyên những cánh đồng cỏ xanh um mút chân trời. Tôi chợt nhớ đến bài học trong cuốn Cours de langue et de civilisation française học trong suốt những năm trung học ở Trường Petrus Ký, 1966-1973: Phong cảnh phương Nam biến đổi liên tục, vừa đi qua một khu rừng trên đồi cao chợt sáng bừng trước mắt đồng cỏ bát ngát rồi tới sông rạch…
Đến Corrèze giữa trưa, thành phố không một bóng người, lặng lẽ đến nỗi tiếng ong vo ve cũng nghe thấy. Một nhà thờ cổ được xếp hạng, một nghĩa trang nhỏ quạnh hiu. Chúng tôi thử vào và tìm, không thấy. Gõ cửa hỏi người dân bên đường, hai phụ nữ trẻ đang ngồi phơi nắng chuyện trò, lịch sự vào nhà lấy bản đồ xem và hướng dẫn đi tiếp 40km nữa mới đến làng Chabrignac.
Lại tiếp tục đi, đến lúc này vẫn chưa ăn trưa vì không có một hàng quán nào. Đường tỉnh băng qua những thành phố nhỏ mỗi nơi chỉ vài ngàn dân, mở nhà hàng bán cho ai.
Rồi bảng chỉ đường cũng cho thấy vào địa phận Chabrignac. Nhưng đây là làng quê, GPS trên xe cũng như Gmap đều không chỉ được nghĩa trang nằm ở đâu. Lại cũng vắng vẻ, tất cả, dù nắng trên đồi vẫn rực rỡ nhưng người đâu không thấy.
Dừng đại xe bên đường nơi một bãi đất mở rộng có vẻ như parking (bãi đỗ xe), cạnh dãy nhà chừng 5-6 căn có vẻ như trung tâm thương mại của làng. Đến gần, một tiệm uốn tóc cửa đóng then cài, một phòng mạch bác sĩ lạnh lẽo, một tiệm tạp hóa đèn tắt tối thui… Đã có lúc muốn về luôn, nghĩ không có duyên.
May đâu, một chiếc xe đậu xịch. Chủ xe bước xuống. Tôi bước đến hỏi. Ông biết ngay về bà hoàng Việt Nam và chỉ con đường dốc nhỏ xíu chỉ vừa một xe lên, cách chỗ chúng tôi đứng tròn trăm mét: Nghĩa trang Chabrignac đó.
Đó là một nghĩa trang nhỏ nằm, căn cứ tấm ảnh trên Internet, có vẻ như ngôi mộ nằm dựa một bờ tường đá. Chúng tôi cứ men theo tường đá mà tìm. Té ra mộ bà nằm cuối dốc đồi nhìn ra một thung lũng đẹp.
Ngôi mộ được đào xuống sau lưng một bức vách nhỏ lát đá, có bó hoa chứng tỏ có người lui tới.
Nắng chiều xiên ngang, chợt tiếng chuông nhà thờ u hoài muôn kiếp trước từ đâu đó vẳng lại. Không gian xanh nhuốm vàng nắng. Nhà phố tường im lìm không quá lạnh nhưng mang âm hưởng của đá. Nấm mộ đơn sơ mà trang trọng, nằm tách biệt.
Hoàng hậu Nam Phương đang nhìn xuống lũng sâu mái ngói dập dờn.
Ngậm ngùi. Cái ngậm ngùi tôi từng thấy khi thăm mộ vua Bảo Đại ở Trocadero năm rồi. Nhưng khác ở cảm giác. Với vua Bảo Đại đó là… âu cũng một kiếp người. Với hoàng hậu Nam Phương, là cảm xúc về nỗi cô đơn cao cả. Cô đơn và chấp nhận bằng thái độ của một bề trên cao quý. “Đại Nam Nam Phương hoàng hậu chi mộ” và “Ici repose l’impératrice d’Annam née Marie Thérèse Nguyen Huu Thi Lan” (“Nơi đây an nghỉ hoàng hậu An Nam Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan”).
Bia mộ, những dòng chữ tưởng vô hồn nhưng chất chứa hào quang vang bóng, tôi thấy lại cảm xúc như khi đứng trước mộ của Frédéric-Joliot và Irène Curie (1) ở nghĩa trang Sceaux. Sự im lặng của vô cùng”.
—
Lịch sử như bánh xe xoay chuyển, mang những hào quang lịch sử trở thành dĩ vãng. Những ông hoàng bà chúa, những anh hùng mỹ nhân… theo bóng thời gian đều đã trở thành người thiên cổ. Lầu son điện ngọc cũng trở nên đồi phế, tiền bạc và danh vọng há có thể mang xuống cõi thiên thu? Nam Phương hoàng hậu sở dĩ sống mãi trong lòng hậu nhân có lẽ bởi vì hương thơm dịu dàng tao khiết toả ra từ tâm hồn và mỹ đức của vị hoàng hậu bao dung, nhân từ đã mang linh hồn Việt Nam gửi vào cái mênh mang của đồng quê nước Pháp.
Khiêm Từ
(Tổng hợp và biên soạn)
(1) Irène Curie là con gái của hai nhà bác học nổi tiếng Marie Curie and Pierre Curie. Cùng với chồng là Frédéric-Joliot, bà đã đoạt giải Nobel hoá học năm 1935 cho công trình về sự phát xạ nhân tạo.