Epoch Times đưa tin, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 2020, bệnh nhân ung thư của Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới, với 4,57 triệu ca và và hơn 10.000 người bị ung thư mỗi ngày. Đồng thời, tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn 3,5 lần so với quốc gia đứng thứ hai thế giới.
Theo thống kê mới nhất của WHO, có 19,29 triệu ca ung thư mới được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2020. Năm quốc gia có số ca ung thư đứng đầu thế giới là Trung Quốc (4,57 triệu ca), Hoa Kỳ (2,28 triệu ca), Ấn Độ (1,32 triệu ca), Nhật Bản (1,03 triệu ca), Đức (630.000 ca). Trong số đó, Trung Quốc có số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cao gấp đôi Hoa Kỳ với trung bình 12.500 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi ngày.
Đồng thời, tổng số ca tử vong do ung thư trên toàn thế giới trong năm ngoái là 9,96 triệu ca, trong đó Trung Quốc chiếm 3 triệu ca, đứng đầu thế giới, gấp hơn 3,5 lần so với quốc gia đứng thứ hai là Ấn Độ với 850.000 ca.
Ngoài ra, ở Trung Quốc, ung thư phổi có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất, tiếp đó là ung thư ruột kết, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư gan, ung thư thực quản, ung thư tuyến giáp, ung thư tụy, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư cổ tử cung.
Hơn nữa, độ tuổi của bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa, thậm chí tỷ lệ chẩn đoán ung thư của trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng 2% từ năm 1990 đến năm 2017, là mức tăng cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi.
Ngô Lập Hồng, một chuyên gia bảo vệ môi trường phi chính phủ ở Vô Tích, người được mệnh danh là “Người bảo vệ Thái Hồ”, nói với Epoch Times rằng tất cả những điều này là kết quả của việc ô nhiễm do công nghiệp hóa theo mô hình mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động – làm giàu bằng bất cứ giá nào. Tình trạng ở Trung Quốc hiện tại tồi tệ đến mức, cho dù các doanh nghiệp ngừng hoạt động, họ cũng không thể loại bỏ tất cả vấn đề ô nhiễm đã gây ra.