Duy Ngô Nhĩ : Phương Tây dồn dập lên án, Trung Quốc tìm cách phản công

Thu Hằng

image.png
Ngoại trưởng Dominic Raab trình bày trước Nghị Viện Anh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc, ngày 12/01/2021, Luân Đôn, Anh Quốc. © AFP


Trung Quốc phạm tội « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đây là cụm từ mạnh nhất lần lượt được Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan sử dụng để tố cáo những hành động của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Còn Anh và Pháp lên án hệ thống đàn áp của Trung Quốc ở Tân Cương theo « quy mô công nghiệp » và « được thể chế hóa ».

Kể từ khi có những tiết lộ đầu tiên vào năm 2016 về chính sách đàn áp, đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, chưa bao giờ các nước phương Tây lại cùng lúc dồn dập phản ứng mạnh mẽ như vậy, theo nhận định của trang The Diplomat ngày 25/02/2021.

« Liên minh dân chủ » chống Trung Quốc
Lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề « diệt chủng » người Duy Ngô Nhĩ không thay đổi dưới thời tổng thống Biden. Sau một cuộc họp trực tuyến, tổng thống Mỹ và thủ tướng Canada Justin Trudeau nhất trí « phối hợp cách tiếp cận để ngăn chặn những mối đe dọa đối với các giá trị và lợi ích chung ». Với đa số tuyệt đối ngày 22/02, Quốc Hội Canada lên án chính sách của Trung Quốc đối với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ là « diệt chủng ». Ba ngày sau, vào ngày 25/02, Quốc Hội Hà Lan trở thành cơ quan lập pháp đầu tiên ở châu Âu cũng cáo buộc Trung Quốc « diệt chủng ».

Theo các viện nghiên cứu của Mỹ và Úc, ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung, màTrung Quốc gọi là « trung tâm dạy nghề » ở Tân Cương và một số bị « cưỡng bức lao động » hoặc « cưỡng bức triệt sản ». Những thông tin và nhân chứng về tình trạng này ngày càng nhiều, rõ ràng hơn và thuyết phục hơn, mà gần đây là bộ phim tài liệu của đài truyền hình Anh BBC và cuốn hồi ký, xuất bản tại Pháp, của Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, được giải thoát khỏi trại tập trung nhờ Paris gây áp lực và nhờ cô con gái, công dân Pháp, đấu tranh từ nhiều năm nay.

Để trừng phạt, Hoa Kỳ và Anh cấm toàn bộ sản phẩm sợi bông có nguồn gốc Tân Cương. Vấn đề lao động cưỡng bức mới chỉ dừng ở bước đề xuất dự thảo luật tại Quốc Hội Mỹ, Anh và Liên Hiệp Châu Âu. Các nghị sĩ Anh muốn mạnh tay hơn khi đề xuất « một tu chính án về diệt chủng » trong dự thảo luật thương mại. Khả năng tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 ở Bắc Kinh cũng được nêu lên. Tokyo bị chỉ trích vì không lên tiếng về những vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, nhưng 12 doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đã tạm ngừng hoặc dự định ngừng thỏa thuận thương mại với các đối tác Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Trung Quốc tính kết hợp với Nga làm đối trọng

image.png

« Một liên minh dân chủ » được hình thành tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC), mà theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 26/02, « chủ mưu » là Hoa Kỳ, trở lại với tư cách quan sát viên sau hai năm gián đoạn. Vẫn theo cơ quan truyền thông của Bắc Kinh, Washington quyết định trở lại Hội Đồng Nhân Quyền vì sợ sức ảnh hưởng được Trung Quốc mở rộng trong thời gian Mỹ vắng mặt. Thế nhưng, điều này cũng có nghĩa là Washington, phối hợp với các đồng minh, sẽ có những biện pháp cứng rắn hơn đối với những nước thường bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela.

Hoàn Cầu Thời Báo biện minh rằng Trung Quốc có khái niệm và cách làm riêng để bảo vệ quyền của con người và những quyền này phải thích hợp với tình hình phát triển của đất nước. Quyền tự do cá nhân, được các nền dân chủ tôn trọng, bị trang thông tin chính thức của Bắc Kinh chỉ trích là điểm yếu trong việc giải quyết một số thách thức lớn, như cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19.

Để tạo được đối trọng với Mỹ và các đồng minh trên mặt trận nhân quyền, nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần tăng cường hợp tác với một số nước khác, đặc biệt là với Nga, và phải có thêm nhiều « chiến lang » để phanh phui những vụ vi phạm nhân quyền tại các nước phương Tây.

Với thái độ không khoan nhượng này của Bắc Kinh, có thể dự đoán là cuộc chiến nhân quyền giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ còn gay gắt hơn và chưa có hồi kết. Các sắc tộc thiểu số ở những vùng tự trị Tân Cương, Tây Tạng, hay những nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông sẽ tiếp tục là nạn nhân của chính sách « bảo vệ nhân quyền » theo « mô hình Trung Quốc ».

Related posts