Clubhouse – ứng dụng mạng xã hội trò chuyện bằng giọng nói của Mỹ đang được phổ biến trên khắp thế giới, nhưng người dân Trung Quốc không thể sử dụng nó một cách bình thường vì nó đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chặn do khả năng tự do ngôn luận và bất tuân kiểm duyệt của ứng dụng này. Đồng thời, nhiều phần mềm trò chuyện bằng giọng nói tương tự bắt chiếc Clubhouse do nhiều công ty Trung Quốc đưa ra cũng có thời gian sống rất ngắn, theo Epoch Times.
Clubhouse là một phần mềm xã hội trò chuyện thoại trực tuyến dành cho nhiều người, được ra mắt bởi công ty Alpha Exploration Co. vào tháng 4/2020. Nó trở nên hot trong một thời gian ngắn ở Trung Quốc trong năm nay, sau đó đã bị ĐCSTQ chặn. Tuy nhiên, Clubhouse hiện đang phổ biến trên khắp thế giới bên ngoài Trung Quốc. Tính đến tháng 2/2021, lượng người dùng đã vượt quá 2 triệu người.
Có thông tin cho rằng lý do Clubhouse bị cấm ở Trung Quốc là vì có nhiều chủ đề trò chuyện đã đụng chạm đến “lằn ranh đỏ nhạy cảm” của ĐCSTQ, chẳng hạn như sự kiện thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6, các vấn đề nhân quyền, các vấn đề ở Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông, v.v.
Thành công của Clubhouse đang thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực phần mềm trò chuyện thoại trực tuyến tương tự.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành tư vấn của Tập đoàn iiMedia Trương Nghị (Zhang Yi) cho biết hiện ở Trung Quốc có hơn 100 nhóm đang lên kế hoạch ra mắt phiên bản Clubhouse của Trung Quốc và các công ty đã tham gia lĩnh vực kinh doanh này đang thực hiện cải tiến hoặc nâng cấp sản phẩm.
Trung Quốc cũng lần lượt đưa ra nhiều phần mềm trò chuyện thoại tương tự Clubhouse, chẳng hạn như “clubhorse”, “Clubchat +”, “Duihua” của Inke, “Capital Coffee” của 36Kr,… Nhưng hiện tại, các phần mềm này đã bị gỡ bỏ.
Lấy “Duihua” làm ví dụ. Sau khi chính thức ra mắt vào ngày 11/2, giá cổ phiếu của Inke đã tăng mạnh. Tính đến ngày 20/2, đã có hơn 4.000 người dùng đăng ký và 1.000 người dùng hoạt động. Thời gian sử dụng trung bình của người dùng là gần ba giờ đồng hồ. Được biết, Inke đã chuẩn bị 4 tỷ Nhân dân tệ kinh phí cho “Duihua”.
Tuy nhiên, vào ngày 22/2, “Duihua” lần lượt bị xóa khỏi Apple Store, Android Store và Xiaomi Store, giá cổ phiếu của nó đã sụt giảm mạnh. Câu trả lời của Inke là “sản phẩm đang được tối ưu hóa”; ngoại giới nghi ngờ rằng nếu sản phẩm chỉ được tối ưu hóa thì không cần phải gỡ bỏ khỏi cửa hàng ứng dụng.
Trước đó, chỉ trong thời gian mấy ngày ngắn ngủi khi Clubhouse của Mỹ được sử dụng ở Trung Quốc, người dùng Trung Quốc có thể tự do trao đổi với nhau mà không phải chịu sự hạn chế về khu vực, nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 19h15 ngày 8/2 ứng dụng này đã bị ĐCSTQ phong tỏa.
Sau khi ĐCSTQ cấm Clubhouse, nhiều cư dân mạng Trung Quốc tiếp tục “vượt tường lửa” để sử dụng ứng dụng này. Có cư dân mạng Trung Quốc nói rằng nếu sử dụng VPN để vào phòng trò chuyện và sau đó tắt VPN đi thì vẫn có thể tiếp tục nghe các cuộc trò chuyện trong room.
Hiện, Clubhouse đã phổ biến khắp thế giới từ Châu Âu đến Mỹ. Theo dữ liệu từ Sensor Tower, một công ty phân tích ứng dụng di động, vào ngày 7/2 năm nay, Clubhouse có số lượt tải xuống cao nhất ở Đức, Ý, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan.