An Liên
Quân đội Myanmar tiến hành cuộc đảo chính vào ngày 1/2, gây ra các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Quân đội và cảnh sát gần đây ngày càng trở nên bạo lực hơn trong việc trấn áp những người biểu tình ôn hòa. Cho đến nay, hơn 100 cảnh sát đã bước sang phía đối diện với quân đội để phản đối việc đàn áp bạo lực, Epoch Times đưa tin.
Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã phát động một cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn, và quân đội đã đáp trả bằng vũ lực sát thương. Liên Hợp Quốc cho biết, tính đến ngày 3/3, đã có ít nhất 38 người thiệt mạng tại Myanmar.
Thông tấn xã Trung ương đưa tin, các quan chức và một số báo cáo truyền thông chỉ ra rằng nhiều người đã bắt đầu chạy sang Ấn Độ trong tình hình hỗn loạn ở Myanmar. Một số người trong số họ là cảnh sát không sẵn sàng tham gia vào cuộc đàn áp bạo lực những người biểu tình. Cho đến nay, hơn 100 sĩ quan cảnh sát đã tham gia “Phong trào bất tuân dân sự” (Civil Disobedience Movement) để phản đối sự đàn áp bạo lực của quân đội.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, ngày 3/3, 9 người đã vượt biên vào tỉnh Mizoram của Ấn Độ, 3 người trong số họ là cảnh sát và họ từ chối đàn áp các cuộc biểu tình. Ấn Độ và Myanmar có đường biên giới dài hơn 1.600 km.
Tạp chí Irrawaddy đưa tin, 7 nữ cảnh sát từ tỉnh Tanintharyi ở miền nam Myanmar cũng tham gia phong trào này, họ nói rằng sẽ không trở lại làm việc cho đến khi chính phủ dân cử trở lại. Tại các tỉnh cực bắc của Bang Kachin và Tanintharyi, 17 cảnh sát cũng tham gia chiến dịch.
Theo The Hindu, kể từ ngày 3/3, ít nhất 20 người đã vượt biên. Tờ báo Ấn Độ dẫn lời người dân địa phương cho biết cho đến nay đã có ít nhất 50 người đến các huyện Champhai và Serchhip của tỉnh Mizoram.
Thời báo Hindustan dẫn lời các quan chức tỉnh Mizoram cho biết người dân địa phương đã được yêu cầu báo cáo ngay lập tức nếu họ thấy người Myanmar băng qua biên giới.