Người dân Trung Quốc yêu cầu minh bạch về nhóm điều tra của WHO

An Liên

Trương Hải đã gửi đơn đến Ủy ban Y tế Quốc gia Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao
(Ảnh màn hình Epoch Times).

Người thân của nạn nhân nhiễm Covid ở Vũ Hán đã gửi đơn đến Ủy ban Y tế Quốc gia và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 8/3, yêu cầu tiết lộ hành trình cụ thể của nhóm điều tra nguồn gốc Covid của WHO tại Trung Quốc, lý do và cơ sở cho việc ĐCSTQ từ chối cung cấp dữ liệu cho nhóm điều tra này, Sound of Hope đưa tin.

Người thân của các nạn nhân Covid ở Trung Quốc đã phát hiện ra rằng sau khi nhóm chuyên gia của WHO đến Vũ Hán, họ đã được bảo vệ nghiêm ngặt ở mọi nơi họ đến, và người dân bình thường không thể tiếp cận. Người thân của các nạn nhân nói rằng không rõ các chuyên gia WHO đã đi đâu, cơ sở nào và bệnh nhân họ đã tiếp xúc là những ai, và tại sao chính phủ Trung Quốc từ chối cung cấp dữ liệu của các bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán thời kỳ đầu.

Do đó, người thân của các nạn nhân Covid yêu cầu nhà chức trách tiết lộ hành trình cụ thể của nhóm chuyên gia WHO tại Trung Quốc theo ‘Quy định về tiết lộ thông tin của Chính phủ’, “Nếu liên quan đến bí mật nhà nước và các lý do pháp lý khác không được tiết lộ, vui lòng thông báo”, và giải thích tại sao nhóm chuyên gia bị từ chối yêu cầu tiếp cận dữ liệu của 174 trường hợp nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch ở Vũ Hán.

Trong đơn nêu rõ: “Suy cho cùng thì giấy cũng không gói được lửa. Sự thật sớm muộn gì cũng sẽ được phơi bày. Virus Vũ Hán đã bùng phát ở Vũ Hán. Nếu chính phủ không có bí mật trong lòng, chính phủ nên tiết lộ nhiều thông tin khác nhau về những thỏa thuận trước đây trong nhóm chuyên gia WHO, để thế giới xem liệu nó có hợp lý hay không, có phải nó đang đặt ra những trở ngại hay cố gắng dàn xếp”.

Nhóm chuyên gia của WHO đã bắt đầu thực hiện cái gọi là chuyến thăm thực địa ở Trung Quốc vào đầu tháng 2 để điều tra nguồn gốc của virus Vũ Hán. Nhưng cho đến nay nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể đưa ra một báo cáo điều tra. Và sau chuyến đi, có thành viên trong nhóm nói với New York Times rằng nhóm điều tra không thể phỏng vấn bệnh nhân hoặc lấy hồ sơ bệnh án, điều này đã dẫn đến các cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai bên.

Một trong những thành viên của nhóm điều tra, Giáo sư Dominic Dwyer, một nhà vi sinh vật học, đã tiết lộ trong một số cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ rằng các nhà nghiên cứu đã yêu cầu dữ liệu của 174 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Vũ Hán vào tháng 12/2019.

Ông Dweyer lưu ý rằng, chỉ một nửa trong số những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên này từng tới Chợ Thủy sản, nơi phát hiện ra nCoV như khẳng định của giới chức Trung Quốc.

“Đây là lý do tại sao chúng tôi nhất quyết yêu cầu cung cấp dữ liệu nhưng vì lý do nào đó mà chúng tôi không thể lấy được, tôi không thể bình luận. Cho dù đó là lý do chính trị, thời gian hay khó khăn khác… Ngoài ra, tôi không biết có lý do nào khác khiến dữ liệu không thể tiết lộ. Mọi người sẽ chỉ suy đoán về nó vì điều này…”, ông Dweyer nói.

Ngoài ra, trong quá trình nhóm điều tra của WHO làm việc tại Trung Quốc, nhiều người nhà của các nạn nhân nhiễm bệnh ở Vũ Hán tuyên bố rằng họ đã bị chính quyền ĐCSTQ giám sát và buộc giữ im lặng.

Một người dân tên Trương Hải từng nói với báo chí nước ngoài rằng anh rất hy vọng được gặp gỡ các chuyên gia của WHO, những người đang tiến hành công việc truy xuất nguồn gốc ở virus Vũ Hán. Nhưng vào ngày 16/1, nhóm WeChat do Trương Hải thành lập và có sự tham gia của hơn 100 công dân Vũ Hán mất người thân bất ngờ bị chặn.

Ba gia đình khác ở Vũ Hán nói với Đài Australia rằng họ đã nhận được cảnh báo từ chính quyền ĐCSTQ buộc họ giữ im lặng và các hoạt động hàng ngày của họ đã bị chính quyền Vũ Hán giám sát chặt chẽ. “Tôi chỉ muốn mọi người biết rằng chính phủ đang che giấu dịch bệnh và chính là kẻ giết người”, người của những gia đình này nói.

Trương Hải trước đó đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với trang tin Stance rằng trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi trong năm qua, anh đã nhiều lần bị cảnh sát và các cơ quan chính quyền địa phương gây sức ép, tài khoản xã hội của anh bị khóa và anh bị cấm nhận các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông nước ngoài. Anh chỉ trích nhà chức trách không xin lỗi người nhà nạn nhân Covid và không thừa nhận việc che dấu, đó là sự xúc phạm người đã khuất.

Trương Hải, quê ở Vũ Hán, cho biết anh và bố anh vốn sống ở Thâm Quyến, anh không biết có dịch ở Vũ Hán, năm ngoái bố anh đã đến Vũ Hán để khám bệnh và tử vong vì virus ở bệnh viện.

Trương Hải đã kiện chính quyền thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vào năm ngoái, nhưng cả hai vụ kiện đều bị Tòa án cấp cao tỉnh Hồ Bắc của ĐCSTQ bác bỏ. Trương Hải nói rằng anh đã được tòa án cho biết rằng anh không đủ tư cách để kiện chính quyền, anh đã yêu cầu tòa cung cấp “Thông báo về việc không nộp hồ sơ” chính thức nhưng bị từ chối.

Related posts