Phụng Minh
Cuộc khủng hoảng biên giới Hoa Kỳ trở nên tồi tệ hơn sau khi một loạt các thông tin được công bố.
Trẻ vị thành niên không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày, chỉ được tắm một lần trong một tuần và phải thay phiên nhau ngủ trên sàn nhà vì quá đông. Trong vòng chưa đầy sáu tháng, số người nhập cư bất hợp pháp trốn thoát chót lọt qua biên giới đã tăng gần gấp đôi so với cả năm 2020.
Điều kiện tồi tệ ‘không tưởng’ ở các cơ sở tạm giữ
Neha Desai, một luật sư của Trung tâm Quốc gia về Luật Thanh niên Hoa Kỳ, đã phỏng vấn những trẻ em đang bị giam giữ tại cơ sở giữ Hải quan và Bảo vệ Biên giới ở Donna, tiểu bang Texas. Tính đến ngày 2/3, đã có hơn 1.800 em bị giam giữ tại cơ sở này, tức là bằng 729% công suất của nó, trong khi đang diễn ra đại dịch. Cơ sở Donna đã mở cửa vào tháng trước và đã hoạt động quá công suất trong trận đại dịch trong nhiều tuần.
Desai nói với CBS News: “Một số cậu bé nói rằng ở đây quá đông đúc đến mức các em phải thay phiên nhau ngủ trên sàn nhà”. “Tất cả các em đều nói rằng họ muốn tắm nhiều hơn và được thông báo rằng chúng không thể”, Desai nói thêm rằng một số trẻ vị thành niên chỉ được phép tắm một lần trong bảy ngày.
“Một trong số họ chia sẻ rằng cậu ấy chỉ có thể nhìn thấy mặt trời khi tắm, vì chỉ có thể nhìn thấy mặt trời qua cửa sổ”, Desai nói. Cô cho biết nhiều trẻ em không được tiếp cận với các hoạt động bên ngoài và dễ bị kích động.
Trẻ em cũng bị từ chối gọi điện để liên lạc với các thành viên trong gia đình. Cô nói: “Chúng khóc lóc điên cuồng, muốn nói chuyện với gia đình của mình”.
Tờ Washington Post đưa tin trong tuần này, “Tầm quan trọng trở nên rõ ràng hơn vào thứ Tư khi chính quyền mới đang giữ số lượng kỷ lục thanh thiếu niên nhập cư không có người đi kèm, trẻ em bị giam giữ trong các phòng giam lâu hơn mức cho phép và các quan chức y tế liên bang đã tụt lại xa hơn trong cuộc đua tìm kiếm không gian cho họ trong những nơi tạm trú”.
Tuần trước, New York Times đưa tin rằng các cơ sở di cư “giống như nhà tù”.
CNN đưa tin rằng “số trẻ em di cư không có người đi kèm bị giam giữ trong Đội Tuần tra Biên giới tiếp tục tăng cao, lên tới hơn 3.700 vào hôm thứ Tư, nhiều em ở trong các cơ sở giống như nhà tù dọc biên giới Mỹ-Mexico”.
Một báo cáo của Axios cho biết có gần 9.500 trẻ em không có người đi kèm đã bị tạm giữ vào tháng Hai, mức cao nhất trong 21 tháng.
Các quan chức biên giới dự kiến số lượng trẻ vị thành niên không có người đi kèm sẽ tăng lên 13.000 trẻ em vào tháng 5, đây sẽ là mức cao nhất của cuộc khủng hoảng biên giới. Dòng người nhập cư bất hợp pháp ồ ạt được cho là xuất phát từ chính sách nhập cư và biên giới lỏng lẻo của Tổng thống Joe Biden.
Lượng người trốn thoát thành công tăng mạnh
Theo Breitbart, một nguồn tin của Cơ quan Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ báo cáo rằng số lượng người di cư đã trốn thoát thành công qua biên giới được cơ quan này thống kê đã vượt qua 118.000 người nửa năm tài khóa này. Trong vòng chưa đầy sáu tháng, con số này đã bằng gần gấp đôi so với cả năm tài khóa 2020. Năm ngoái, 69.000 người nhập cư bất hợp pháp đã tránh được sự truy bắt của Lực lượng Tuần tra Biên giới. Các nguồn tin cho biết mức tăng mạnh nhất bắt đầu vào tháng Giêng khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Số liệu cụ thể này thường không được công bố chính thức bởi các quan chức Bộ An ninh Nội địa mà có được do đếm những người nhập cư bất hợp pháp cuối cùng thoát khỏi sự giám sát của Lực lượng Tuần tra Biên giới sau khi được quan sát bởi máy bay và hệ thống camera. Ngoài ra, các nhân viên Tuần tra Biên giới sử dụng các kỹ thuật truyền thống để xác định dấu chân qua biên giới.
Nguồn báo cáo cho rằng vì một vài lý do con số nhận được thường thấp hơn thực tế.
Mặc dù chính quyền hiện tại từ chối gọi tình hình nhập cư ở biên giới là một cuộc khủng hoảng, nhưng sự gia tăng gần đây là đáng lo ngại. Nhiều người tin rằng động lực thúc đẩy gia tăng nhập cư bất hợp pháp đang được thúc đẩy bởi lời hứa về luật ân xá. Các chính sách mới của chính quyền liên quan đến điều kiện nhập cư lỏng lẻo và giảm thiểu việc trục xuất cũng được cho là góp phần vào sự gia tăng hoạt động dọc biên giới.