Triệu Hằng
Theguardian đưa tin, ứng dụng nhắn tin bảo mật Signal dường như đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục. Kể từ thứ Ba (16/3), người dùng ứng dụng Signal ở Trung Quốc đã phải dùng mạng riêng ảo (VPN) để “vượt tường lửa” thì mới có thể tiếp cận được Signal.
Tại Trung Quốc, các dịch vụ như Facebook, Google và Twitter đã bị chặn trong nhiều năm. Vào tháng 2, ứng dụng hội thoại Clubhouse cũng bị đóng cửa, ngay sau khi người dùng Trung Quốc bắt đầu tham gia vào các cuộc thảo luận về các chủ đề mà chính quyền cho là nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như chuyện chính quyền Trung Quốc bắt giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba rằng ông “không biết về tình hình” xung quanh việc Signal bị cấm ở Trung Quốc.
Ông Triệu nói: “Về nguyên tắc, Internet của Trung Quốc là mở, và chính phủ Trung Quốc quản lý các vấn đề liên quan đến Internet theo luật và các quy định”.
Signal sử dụng mã hóa end-to-end cho các dịch vụ nhắn tin và gọi điện của mình, giúp ngăn chặn bất kỳ bên thứ ba nào xem nội dung cuộc trò chuyện hoặc nghe cuộc gọi.
Ứng dụng này gần đây đã trở nên phổ biến trong số những người dùng ở Trung Quốc lo ngại về các vấn đề quyền riêng tư, mặc dù số lượng người dùng Signal ở nước này vẫn còn nhỏ so với ứng dụng nhắn tin WeChat phổ biến.
WeChat có hơn một tỷ người dùng và là trụ cột chính trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc nhờ các dịch vụ thanh toán và các tính năng truyền thông xã hội của nó. Tuy nhiên, các thông điệp và nội dung nhạy cảm về chính trị trên WeChat thường bị kiểm duyệt và các nhà chức trách đã tạm giữ những người dùng với lý do “tung tin đồn trên mạng”.
Tin nhắn của WeChat chỉ được mã hóa giữa máy chủ và thiết bị của người dùng, và về lý thuyết Tencent, công ty mẹ của WeChat có thể truy cập được những dữ liệu này.