Như Quỳnh
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại đông con, người phụ nữ tên Đặng Thị Hải (53 tuổi, ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hơn 30 năm nay chưa có ngày nào hết khổ…, theo Tin360.
Theo báo Dân Việt, gia đình cô Hải thuộc hộ khó khăn “nổi tiếng” nhiều năm nay bởi sinh sống ở Thủ đô, không nghề nghiệp nhưng lại sinh đến 14 người con.
Cô Hải nổi tiếng khắp vùng bởi cứ 2 năm lại sinh đẻ một lần. 8 người con trai, 6 cô con gái, cô đều không sinh tại cơ sở y tế mà chỉ sinh tại nhà.
Sinh con thuận theo tự nhiên
Cô Hải kể, năm 21 tuổi, thương cảnh người con trai lang bạt kiếm sống một mình, cô đồng ý nên duyên vợ chồng một người đàn ông cùng làng. Cuộc sống đã khó khăn, các con lại lần lượt chào đời nên gia đình cô chẳng có ngày nào sung sướng.
14 lần sinh thì có 3 lần chồng đỡ đẻ và 7 lần cô… đẻ rơi ngoài lều. Những lần ấy, cô tự gượng dậy cắt rốn cho con rồi ôm bé về nhà.
Khi được hỏi có hối hận vì đẻ nhiều, cô Hải khẳng định mình không hối hận vì đã giữ được cái nhân, cái đức. Cô chia sẻ: “Trong số 14 đứa con, em bé út sau sinh được 13 tháng 21 ngày thì mất do căn bệnh não úng thủy. 5 người con đã lập gia đình, giờ tôi chỉ nuôi 3 người con ăn học. Tôi thương các con nhưng cũng không hối hận. Hồi đó nghèo khổ, làm lụng vất vả, có bầu khi nào cũng không biết nhưng mình không nhẫn tâm bỏ được, đứa con trong bụng cũng là một tính mạng.
Trời cho mình con cái thì mình không thể từ bỏ. Lúc ấy, chúng tôi nghĩ dù có khổ đến đâu cũng phải cố nuôi được các con. Kể cả hiện giờ, mà tôi thấy ai đó bỏ con ngoài đường tôi cũng sẵn sàng đưa về nhà nuôi, cưu mang, coi như con đẻ của mình”.
Gia đình khó khăn, các con chỉ học hết lớp 6, lớp 7
Gia đình có căn nhà cấp 4 ở xóm Cổ Bản. Nhưng hiện nay bà và các con không ở đó nữa mà chuyển ra một căn nhà (dựng bằng thùng container) ở gần cánh đồng để ở thuận tiện cho việc nuôi lợn, trông nom cá dưới hồ. Căn nhà gia đình cô Hải ở khá tuềnh toàng, không có gì đáng giá ngoài chiếc bếp gas dùng để nấu ăn. Nhà chỉ rộng khoảng 15m2 nhưng cả chục người sinh sống.
Người phụ nữ có nhiều con nhất Thủ đô kể thêm rằng, cô luôn mong muốn cho các con được học hành đầy đủ, cho bằng bạn bằng bè. Nhưng vì điều kiện hoàn cảnh gia đình và vì một phần các con mải chơi nên một số người con của bà nghỉ học từ khi hết lớp 6 và lớp 7.
“Năm 2016, chồng tôi qua đời sau nhiều năm bệnh tật không đủ tiền chữa trị. Các con tôi khi nhỏ đã khổ, lớn lên cũng khổ, phải ra ngoài lao động chân tay rất vất vả, tôi sợ nhất đi làm chúng sa vào tệ nạn vì bố mất không có người khuyên bảo.
Cuộc đời này tôi chưa thấy ai khổ như mình. Mọi người một năm đi làm 365 ngày còn tôi đi làm đến 500 ngày cũng có. Tối mọi người nghỉ ngơi tôi lại cặm cụi làm đủ việc, 4h sáng dậy kéo lưới kiếm con cua, con cá đi chợ bán kiếm tiền lo cho các con”, cô Hải tâm sự.
Hơn 30 năm, không có được cái Tết trọn vẹn
Cô Hải cho biết, hơn 30 năm nay chưa bao giờ có cái Tết nào vui, trọn vẹn, bởi mỗi khi Tết đến, gia đình bà thường không có tiền sắm Tết hoặc trong nhà có người ốm nhập viện.
“Nhưng có lẽ khó khăn nhất là thời điểm Tết năm 2014, thời điểm chồng tôi bị ốm phải nhập viện và đứa con 13 tháng tuổi cũng bị ốm nhập viện. Lúc này, kinh tế rất khó khăn, tôi đi vay 1 triệu đồng để cho chồng nhập viện nhưng không ai có cho vay. Tết đến, nhà nhà họ sum vầy, còn nhà tôi thì chìm trong nỗi lo âu, coi như không có Tết”, cô Hải buồn bã nhớ lại.
Ánh mắt đỏ hoe, nhìn về phía các con, cô Hải cho biết thêm, trước năm 2014, Tết cũng rất khó khăn, có năm, 30 Tết trong nhà không còn gì cả, phải đi vay hàng xóm 200 nghìn đồng về mua gạo, vài lạng miến, mớ rau cho các con ăn Tết.
Thậm chí, có thời điểm đêm 30 Tết, bà còn đi lang thang trên các tuyến phố, ngõ ngách nhặt lon bia gom vào để qua Tết mang bán lấy tiền đong gạo cho các con.
Từ năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ của các đoàn thể của địa phương, quận Hà Đông, gia đình cô Hải đã bớt khó khăn hơn. Ngoài việc hàng ngày cắt cỏ chăm con cá dưới ao, cô Hải cũng hùn vốn với người dân trong xóm cùng nhau chăn nuôi lợn.
Tết đến, các con của cô Hải có cơm, có thịt. Nhưng việc gần Tết háo hức đi sắm cành đào, cây quất đối với cô Hải gần như là một thứ gì đó rất xa xỉ.
“Năm 2019, tôi vay mượn người thân hùn vốn với người trong làng nuôi lợn nhưng cuối cùng vì dịch bệnh lợn chết để lại khoản nợ gần 200 triệu. Còn năm nay, tôi cũng tiếp tục hùn vốn nuôi lợn nhưng cũng lỗ mất gần 100 triệu đồng. Giờ tôi chỉ mong có sức khỏe lo cái ăn, cái mặc cho những đứa trẻ đang đi học thôi”, cô Hải cho biết.
Khổ đau của người mẹ khi 3 con trai vướng vào vòng lao lý
Bên cạch đó, chia sẻ trên báo Doanh nghiệp & Tiếp thị, cô Hải cho biết thêm, vào Tết năm 2021, gia đình cô Hải gặp biến cố không đáng mong muốn 3 con trai lớn vướng lao lý về tội cướp giật tài sản.
Người mẹ 14 con cho biết, khi nhận tin 3 người con vướng vào vòng lao lý, cô ngất xỉu tại chỗ, phải vào viện cấp cứu. Sau khi ra viện, cô Hải cũng không có thời gian lên thăm các con vì phải lao vào kiếm tiền.
“Bao nhiêu năm khó khăn trong cuộc sống, tôi chưa từng lấy của ai thứ gì. Đói, khổ, tôi không sợ, chỉ sợ nhất là ánh mắt những người ngoài nhìn vào. Con tôi phạm tội bị bắt giữ, có người sẽ hiểu là do tôi bận bịu làm việc kiếm tiền nên không may để các con như thế. Nhưng chắc chắn có người cũng nghĩ khác, nghĩ xấu về tôi”, cô Hải buồn bã.
“Chuyện cũng đã xảy ra rồi, mong rằng ba thằng lớn ở trong tù cải tạo, nhận ra sai lầm của mình để sau này khi về nhà lo tu chí làm ăn, không vướng vào các tệ nạn xã hội”, cô Hải mong mỏi.
“Nuôi các con từ khi lọt lòng đến nay nhưng tôi chưa bao giờ nhận được câu nói của con ‘mẹ ơi con đi làm có đồng lương, mẹ cầm mua cái bánh’. Tôi chưa bao giờ được con mình nói được câu như thế. Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tủi thân lắm, đêm không ngủ được. Hay những khi nhà có công to việc lớn, cũng chẳng đứa con nào đứng ra đỡ đần, một mình tôi cũng phải gánh hết”, cô Hải buồn bã nói.
Mỗi ngày trôi qua, người phụ nữ 53 tuổi, giàu con cái nhất này chỉ mong có sức khoẻ, cố gắng tích góp đồng tiền để khi “nhắm mắt xuôi tay” có cái cỗ quan tài, không phiền đến đứa con nào.
Như Quỳnh (tổng hợp)