Khủng hoảng ngoại giao Nga – Mỹ đầu tiên hay đòn hù dọa dưới chính quyền Biden ?

Thanh Hà

image.png
Ảnh minh họa : Phó tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và thủ tướng Nga Vladimir Putin (P) trong một cuộc họp tại Matxcơva, Nga, ngày 10/03/2011. ASSOCIATED PRESS – Alexander Zemlianichenko

Viễn cảnh Nga – Mỹ sưởi ấm quan hệ thêm xa vời sau cáo buộc của tổng thống Biden xem đồng nhiệm Putin là « kẻ sát nhân » và đe dọa Matxcơva sẽ « phải trả giá » do đã can thiệp vào chính trường Mỹ. Tuyên bố của ông Biden được đưa ra một ngày trước cuộc họp tại Matxcơva nhằm tìm kiếm giải pháp vãn hồi hòa bình tại Afghanistan, cho phép khép lại hơn hai thập niên Washington sa lầy tại quốc gia Nam Á này.

Nga lập tức đáp trả với quyết định triệu hồi đại sứ tại Washington và chỉ trích Mỹ phải « hoàn toàn chịu trách nhiệm » về mối bang giao « xấu đi thêm » giữa hai nước. Đâu là thông điệp Nhà Trắng nhắm gửi đến điện Kremlin ?

Ngay từ những ngày đầu lên cầm quyền, tổng thống Mỹ thứ 46 đã liên tục có những lời lẽ cứng rắn đối với Nga. Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại đầu tháng 2/2021, Joe Biden khẳng định « đã qua rồi thời kỳ mà nước Mỹ chịu đựng những hành vi hung hăng của Nga (…) Washington sẽ đáp trả quyết tâm của nước Nga muốn làm suy yếu các nền dân chủ ».

Tại Matxcơva, các nhà ngoại giao thừa biết là với ông Biden ở Nhà Trắng, Nga sẽ không rộng đường hành động như dưới thời tổng thống Trump.

Ukraina, Syria, vụ nhà đối lập Alexei Navalny bị đầu độc, những cáo buộc Matxcơva đứng đằng sau các vụ tấn công trên mạng hay những nghi ngờ Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 giúp ông Trump đắc cử và cả trong đợt bầu cử hồi tháng 11/2020…  liên tục thách thức quan hệ Mỹ-Nga.

Tình hình không có dấu hiệu được cải thiện sau báo cáo của bộ Tư Pháp và An Ninh Nội Địa Hoa Kỳ cách nay hai ngày nêu đích danh Nga và Trung Quốc hay Iran đe dọa các « mạng lưới của nhiều tổ chức chính trị, của các ứng viên và đảng phái chính trị » Hoa Kỳ. Cơ quan tình báo Mỹ đang điều tra về một loạt các vụ tấn công nhắm vào quyền lợi của Mỹ được cho là đã có lệnh của Matxcơva. Trong số này có cả những cáo buộc Nga đã tài trợ cho một số quân Taliban để sát hại lính Mỹ can thiệp tại Afghanistan.

Ngay cả trong lĩnh vực y tế, vào lúc thế giới vẫn đảo điên vì đại dịch Covid-19, Nga bị Hoa Kỳ tố cáo đã « giật dây » một chiến dịch loan tin « thất thiệt » về hai loại vac-xin được sử dụng rộng rãi để tiêm chủng cho hàng chục triệu người dân Mỹ.

Nhìn từ phía Matxcơva, từ nhiều tuần qua, chính quyền Nga liên tục chỉ trích các mạng xã hội Twitter, Facebook hay mạng Youtube của Mỹ đã vô trách nhiệm, để cho những thông tin sai lệch được phổ biến rộng rãi làm phương hại đến « xã hội và đời sống chính trị của nước Nga ». Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cho rằng các nhà cung cấp mạng nước ngoài hoạt động tại Nga cần « tuân thủ luật pháp » của quốc gia sở tại. Theo giới quan sát, cuộc đọ sức trên mạng này thực ra nhằm kiểm duyệt thông tin ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny, đang thi hành án tù giam, người được cho là đối thủ chính trị của tổng thống Vladimir Putin.

Trong bối cảnh vốn đã căng thẳng nói trên, Dmitri Peskov sáng 18/03 cho rằng việc tổng thống Biden chụp mũ ông Putin là « kẻ giết người » là bằng chứng « rõ rệt cho thấy Nhà Trắng không muốn cải thiện quan hệ với Matxcơva ».

Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy dường như còn quá sớm để kết luận là đã hết mọi cơ hội tan băng trong quan hệ Mỹ – Nga. Thứ nhất, về phản ứng của Nga : Tuy Matxcơva triệu hồi đại sứ Antonov tại Washington về nước để « tham khảo », nhưng một nhà ngoại giao Nga được hãng tin AFP trích dẫn giải thích, đôi bên cần tránh kịch bản « không thể đảo ngược được tình thế » và hy vọng là « phía Mỹ ý thức được về mức độ rủi ro » nếu nguy cơ này xảy ra. Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định « các kênh đối thoại vẫn mở » vì « lợi ích của Mỹ và nhằm giảm thiểu nguy cơ hiểu nhầm ».

Dấu hiệu thứ nhì có thể được tìm thấy trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của tân tổng thống Biden hôm đầu tháng 2/2021. Bên cạnh những lời lẽ cứng rắn gửi đến Matxcơva, nguyên thủ Mỹ đã không quên nhắc nhở rằng Washington sẵn sàng « làm việc » với phía Nga vì lợi ích chung của hai nước. Tiêu biểu nhất là quyết định của chính quyền Biden hôm 03/02/2021 gia hạn thêm 5 năm hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới New Start. Đó là chưa kể ảnh hưởng của Matxcơva trong tiến trình vãn hồi hòa bình tại Afghanistan, mà Washington muốn nhanh chóng đúc kết.

Do vậy, giới phân tích đưa ra hai khả năng, có thể lời lẽ cứng rắn của Mỹ nhằm nhắc nhở Nga chớ « già néo đứt dây » hay cũng có thể là tổng thống Biden sử dụng lại đòn của người tiền nhiệm là ông Trump trên những hồ sơ khác đó là màn gây sức ép tối đa với đối phương trước khi thông báo một sự thay đổi ngoạn mục. Bởi vì theo một nhà quan sát được tờ Huffington Post trích lời : Joe Biden và Vladimir Putin cùng không có ý định « quay lưng lại với nhau » và họ ý thức được là Nga – Mỹ « cần đối thoại một cách tối thiểu ».

Related posts