Pritzker 2021, giải “Nobel kiến trúc” về tay hai người Pháp

Tuấn Thảo

image.png
Hai kiến trúc sư người Pháp Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal được trao giải Pritzker 2021 vào ngày 16/03/2021. AP – Laurent Chalet

Do nhà tỷ phú Mỹ Jay Pritzker thành lập vào năm 1979, giải thưởng Pritzker được xem như giải Nobel của ngành kiến trúc. Người đoạt giải cao quý này chẳng những được tặng phần thưởng bằng hiện kim mà còn được giới chuyên ngành quốc tế công nhận. Hôm 16/03, giải Pritzker 2021 đã được trao cho hai kiến trúc sư người Pháp Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal.

Cặp bài trùng Anne Lacaton (sinh năm 1955) và Jean-Philippe Vassal (1954) đã quen nhau từ thời họ còn là sinh viên trường cao đẳng kiến trúc tại thành phố Bordeaux, miền Nam nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1980, họ sống chung và thành lập công ty vào năm 1987. Trong hơn 30 năm hoạt động, bộ đôi này đã từng giành được khá nhiều giải thưởng quan trọng, trong đó có Giải nhất về Kiến trúc của Pháp vào năm 2008, giải Thước đo góc “êke bạc” vào cuối năm 2011 cũng như giải thưởng toàn cầu dành cho các dự án kiến trúc bền vững “Global Award for Sustainable Architecture” vào năm 2018.

Tái tạo nhà cũ thay vì xây dựng nhà mới
Có thể nói lần này, giải Pritzker 2021 đã vinh danh toàn bộ các thành tựu trong sự nghiệp của hai vợ chồng kiến trúc sư người Pháp. Sinh trưởng ở Casablanca (Maroc), ông Jean-Philippe Vassal khi mới tốt nghiệp ra trường, đã chọn làm việc trong vòng 5 năm tại văn phòng quy hoạch đô thị tại Niamey, thủ đô Niger để trao dồi tay nghề. Gợi hứng từ truyền thống xây nhà chòi lợp mái bằng rơm của người dân bản địa Tây Phi, ông đưa nhiều ý tưởng mới vào cách xây nhà ở Âu – Mỹ. Thay vì xây tường ngăn vách, ông chủ trương xây không gian mở rộng thông thoáng, dùng các vật liệu dễ tìm thấy tại chỗ (càng tự nhiên càng tốt) thay vì nhập khẩu để giảm chi phí xây cất.

Khi ông Vassal mở công ty kiến trúc với người bạn đời là bà Anne Lacaton, cả hai đã phát huy hướng nghiên cứu tìm tòi này, trước khi khái niệm phát triển bền vững và bảo vệ sinh thái trở nên thịnh hành trong những năm gần đây. Cặp bài trùng này đã khởi xướng trào lưu kiến tạo các công trình có cấu trúc dành cho số đông, kết hợp cùng lúc nhiều tiêu chuẩn, trong đó quan trọng nhất vẫn là chuyển đổi và nâng cấp các tòa chung cư hiện có ở các vùng đô thị, thay vì đơn thuần san bằng để xây lại các dãy nhà mới.

Trong những năm gần đây, giới nhà thầu xây dựng chỉ mong “xóa bỏ” những quần thể kiến trúc có từ vài thập niên trước. Họ muốn san bằng những tòa nhà cũ kỹ rồi xây mới lại toàn bộ, đúng theo các quy định về nhà cửa hiện thời. Với tư duy đó, “phá hủy” vẫn là giải pháp đơn giản nhất, nhưng theo hai kiến trúc sư Pháp, biện pháp này cũng dẫn đến tình trạng phung phí năng lượng, gạt qua một bên việc tái xử lý các vật liệu xây cất nát vụn.

Dùng mô hình “nhà kính” để tiết kiệm năng lượng
Hai kiến trúc sư Pháp đã đề nghị một giải pháp thay thế có thể dung hòa cả hai vế : sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, đồng thời đối phó với vấn đề xã hội cấp bách qua việc xây nhà ở tiện nghi với giá mềm. Một trong những dự án nổi tiếng nhất của bộ đôi này là “Maison Latapie”, một ngôi nhà nhỏ có vườn sau được xây cất vào năm 1993 cho một gia đình có 4 thành viên, ở thị trấn Floirac, gần thành phố Bordeaux. Ngôi nhà này đã trở thành biểu tượng của phong cách Lacaton & Vassal, chỗ ở khá rộng thoáng, vừa tiết kiệm điện vừa không tốn nhiều nước.

Khác hẳn với các ngôi nhà (toàn xây theo một kiểu) thường được thấy ở các vùng ngoại ô mới, ngôi nhà Latapie có một không gian giống như nhà kính, lợp với các tấm bảng trong suốt làm bằng polycarbonate dễ tái xử lý, chất liệu này tự điều chỉnh để cho ánh sáng tự nhiên lọt qua, một cách để điều hòa không khí (không quá nóng hay quá lạnh) bên trong ngôi nhà là một không gian rộng mở. Với dự án này, hai kiến trúc sư Lacaton & Vassal lần đầu tiên áp dụng công nghệ nhà kính qua việc tái tạo một khu vườn mùa đông không cần phải chăm sóc hay vun bón nhiều, trong một căn nhà có diện tích mặt bằng khoảng 60 mét vuông.

Với sự hợp tác của hai đồng nghiệp Frédéric Druot và Christophe Hutin, công ty kiến trúc Lacaton & Vassal đã tiến hành kế hoạch trùng tu toà nhà “Tour Bois Le Prêtre” ở thủ đô Paris vào năm 2011 cũng như “Cité du Grand Parc”, một quần thể gồm 530 tầng nhà xây từ những năm 1960 tại thành phố Bordeaux.

Một lần nữa, thay vì xóa bỏ, họ đã chủ trương tái tạo và phục hồi bằng cách tháo gỡ các lớp bê tông dày và thay thế bằng các chất liệu giữ nhiệt, mở rộng thêm diện tích nhà ở qua việc xây thêm ban công “sinh thái”, dùng thêm gỗ mộc và cây cối dễ trồng để tạo thêm ánh sáng tự nhiên và giảm bớt việc dùng điện để sưởi ấm.  Nhờ vào sáng kiến này, họ đã đoạt giải nhất kiến trúc đương đại “Mies-van-der Rohe” của Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2019.

Xu hướng nữ hóa trong giải Nobel kiến trúc
Ý tưởng mở rộng không gian để rồi tái tạo sự thông thoáng “tươi mát” sẽ được hai kiến trúc sư Pháp triệt để áp dụng cho các cơ sở xây dựng khác, trong đó có Trường cao đẳng Quốc gia về Kiến trúc tại thành phố Nantes (2009), Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn tại New Delhi (2007), Quỹ Nghệ thuật Đương đại vùng Hauts de France (2013) và nhất là kế hoạch trùng tu Viện bảo tàng Palais de Tokyo (2014).

Đây là một trong những thành tựu hàng đầu của hai nhà kiến trúc Lacaton & Vassal, giữ nguyên cấu trúc bên ngoài của một tòa nhà đồ sộ xây nhân cuộc Triển lãm Toàn cầu tại Paris vào năm 1937. Một lần nữa, họ đã mở rộng diện tích để tiếp đón khách tham quan, nhưng đồng thời để cho ban quản lý cũng các nghệ sĩ quyền tự do tổ chức triển lãm : Thay vì dựng lên những bức tường trắng để treo các tác phẩm nghệ thuật, họ cố tình để mở không gian như một sân khấu, rồi tùy theo ý tưởng sáng tạo mà dựng lên các hoạt cảnh hoành tráng xứng đáng với một Trung tâm Nghệ thuật Đương đại khổng lồ.

Qua việc trao giải năm 2021 cho hai kiến trúc sư Pháp Lacaton & Vassal, ủy ban điều hành Pritzker cũng đã công nhận xu hướng nữ hóa trong một lãnh vực mà từ trước tới nay vẫn “coi trọng” phái nam. Bà Anne Lacaton trở thành phụ nữ thứ 6 trên bảng vàng, nối bước bà Zaha Hadid kiến trúc sư người Anh gốc Irak đoạt giải đầu tiên vào năm 2004, sau đó là cô Kazuyo Sejima người Nhật vào năm 2010, Carme Pigem người Tây Ban Nha vào năm 2017, hai kiến trúc sư Ailen Yvonne Farrell và Shelley McNamara đồng đoạt giải vào năm 2020.

Về phía các kiến trúc sư người Pháp từng nhận giải Nobel kiến trúc trước đây, có ông Christian de Portzamparc vào năm 1994 và nhất là ông Jean Nouvel, vào năm 2008, nhờ khai sinh viện bảo tàng Louvre tại Abu Dhabi, như một ốc đảo tươi mát ánh sáng giữa lòng sa mạc mênh mông. Theo chân các bậc đàn anh, hai kiến trúc sư Pháp Anne Lacaton và Jean-Philippe Vassal đã thành công nhờ tư duy sáng tạo kết hợp cùng lúc ba tiêu chí : không gian rộng rãi, ngân sách vừa phải và bảo tồn sinh thái.

Related posts