An Liên
Theo Vision Times, trong năm qua, chính phủ các nước và các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đã cố gắng đối phó với đại dịch COVID-19 thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Chúng bao gồm việc thực hiện các lệnh đóng cửa hạn chế gây tranh cãi và biện pháp cách ly tại nhà. Hiệu quả làm chậm sự lây lan của COVID-19 mà các biện pháp này mang lại vẫn còn đang có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng các chuyên gia đồng ý rằng sức khỏe tinh thần, thể chất và tài chính của các cá nhân đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa.
Tỷ lệ bạo lực gia đình, tự tử, sử dụng ma túy quá liều và lạm dụng chất gây nghiện đã gia tăng đáng báo động trong năm qua. Điều này có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng bế tắc, thất nghiệp và căng thẳng do dịch COVID-19.
Hậu quả của việc đóng cửa chống COVID-19: bạo lực gia đình
“Các vụ bạo lực gia đình ở Mỹ đã tăng 8,1% sau khi áp đặt lệnh cách ly tại nhà”, theo một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp của Ủy ban Quốc gia về COVID-19 và Tư pháp Hình sự (CCJ) – một tổ chức mang tính phi đảng phái. Trên toàn thế giới, số vụ bạo lực gia đình được báo cáo tăng trung bình 7,9%. Các nghiên cứu tổng hợp đã phân tích một loạt các nguồn dữ liệu, bao gồm nhật ký của cảnh sát, đăng ký đường dây nóng khẩn cấp, hồ sơ sức khỏe và các tài liệu hành chính khác.
Mặc dù các nhà nghiên cứu không thể xác định chính xác các nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng bạo lực gia đình năm 2020, nhưng họ tuyên bố rằng “việc đóng cửa và các tác động kinh tế liên quan đến đại dịch có thể làm trầm trọng thêm các yếu tố thường liên quan đến bạo lực gia đình, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, căng thẳng liên quan đến việc chăm sóc trẻ em và giáo dục tại nhà, và gia tăng tình trạng bất an về tài chính”. Việc phát hiện các dấu hiệu bị lạm dụng và đề nghị giúp đỡ nạn nhân cũng trở nên khó khăn hơn vì cha mẹ và con cái bị cô lập trong nhà, cách xa bạn bè, hàng xóm và giáo viên, những người có thể gióng lên một hồi chuông cảnh báo.
Để ứng phó với sự gia tăng bạo lực gia đình đối với trẻ em, 21 nhà lãnh đạo của các tổ chức trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đã đệ trình một tuyên bố chung vào tháng 4/2020 kêu gọi hành động. CCJ nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm các nguồn lực bổ sung để phòng chống lạm dụng và hỗ trợ nạn nhân, đặc biệt là cho các nhóm chịu thiệt thòi trong quá khứ như “người lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em đã từng bị bạo lực và lạm dụng, cũng như những người đang mắc bệnh tâm thần và tình trạng sức khỏe mãn tính”.
Rối loạn sức khỏe tâm thần và tự tử
Các thách thức về sức khỏe tâm thần đang gây tổn hại trong đại dịch COVID-19, theo kết quả từ một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vào tháng 6/2020. “Nhìn chung, 40,9% số người được hỏi báo cáo ít nhất một tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc hành vi thể chất, bao gồm các triệu chứng rối loạn lo âu hoặc rối loạn trầm cảm (30,9%), các triệu chứng của rối loạn liên quan đến chấn thương và căng thẳng (TSRD) liên quan đến đại dịch (26,3%), và đã bắt đầu hoặc tăng cường sử dụng chất kích thích để đối phó với tình trạng căng thẳng hoặc cảm xúc liên quan đến COVID-19 (13,3%)”.
Trong khi 10,7% tất cả những người được hỏi từ 18 tuổi trở lên đã “nghiêm túc cân nhắc việc tự tử” trong vòng 30 ngày, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với 25,5% những người được hỏi từ 18 đến 24 tuổi. Năm 2018, chỉ 4,3% người trưởng thành được khảo sát có ý định tự tử.
Những con số chưa từng có về số vụ tự tử trong đại dịch đã khiến các bác sĩ như Bác sĩ Mike deBoisblanc, trưởng khoa chấn thương của Trung tâm Y tế John Muir ở California bị sốc. Vào tháng 5/2020, ông nói, “Tôi nghĩ, ban đầu, điều này (lệnh trú ẩn tại chỗ) được đưa ra để làm dịu tình hình và bảo đảm các bệnh viện có đủ nguồn lực để chăm sóc bệnh nhân COVID”. Tuy nhiên, ông nói, “Chúng tôi chưa bao giờ thấy những con số như thế này, trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Ý tôi là chúng ta đã chứng kiến những [người] cố gắng tự sát trong bốn tuần qua nhiều bằng cả năm trước đó”.
Những người chỉ trích lệnh đóng cửa đã viện dẫn một nghiên cứu năm 2011, xem xét mối quan hệ giữa tình trạng có/không có việc làm và nguy cơ tự tử ở Hoa Kỳ từ năm 1996 đến năm 2005. Thời gian thất nghiệp được cho là “yếu tố chi phối mối quan hệ giữa tình trạng mất việc làm và ý định tự tử”, và các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng “việc sa thải hàng loạt có thể là những sự kiện cục bộ [có tác động] mạnh mẽ dẫn đến nguy cơ tự tử tăng lên ngay sau đó”. Hơn nữa, một nghiên cứu đoàn hệ năm 2003 ở New Zealand đã kết luận rằng thất nghiệp có liên quan đến việc “gia tăng nguy cơ tử vong do tự tử lên gấp hai đến ba lần so với khi đang đi làm”.
Một phân tích năm 2020 với tiêu đề “Dự báo về những cái chết do tuyệt vọng từ COVID-19” được thực hiện bởi Well Being Trust (WBT) và Trung tâm Robert Graham về Nghiên cứu Chính sách trong Y học Gia đình và Chăm sóc Cơ bản. Dựa trên dữ liệu cơ sở năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp dự kiến từ năm 2020 đến năm 2029 và 9 kịch bản khác nhau, số lượng “cái chết do tuyệt vọng” dự kiến hàng năm do suy thoái COVID-19 dao động từ 27,644 đến 154,037.
“Cái chết do tuyệt vọng” bao gồm tử vong do tự tử, lạm dụng ma túy và lạm dụng rượu. Các yếu tố chính cho sự gia tăng bao gồm “thất nghiệp, sự cô lập xã hội bắt buộc trong nhiều tháng và khả năng bị cô lập trong nhiều năm”. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng sự cô lập, “dù được gọi là cô lập xã hội hay xa cách thực thể đều dẫn đến tình trạng mất kết nối và gắn kết xã hội”.
Việc đóng cửa trường học cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hộ gia đình. Tiến sĩ Robert Redfield, cựu giám đốc CDC, cho biết trong một hội thảo trên web về y tế vào tháng 7/2020 rằng “có một cái giá khác mà chúng tôi đã thấy, đặc biệt là ở các trường trung học. Đáng buồn thay, chúng ta đang chứng kiến những vụ tự tử lớn hơn nhiều so với những cái chết gây ra do COVID”. Ông mô tả hậu quả của việc đóng cửa trường học kéo dài và nhấn mạnh rằng sức khỏe phải bao gồm “tổng thể sức khỏe tinh thần của các cá nhân”.
Sử dụng ma túy quá liều và lạm dụng chất kích thích
Lạm dụng chất gây nghiện, một cách điển hình để đối phó với căng thẳng, đã tăng lên đáng kể trong thời gian đóng cửa. Một nghiên cứu gần đây được công bố vào tháng 2/2021 trên Tạp chí Psychiatry Research cho thấy trong khoảng thời gian 6 tháng từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2020, “sự nguy hiểm khi sử dụng rượu và khả năng phụ thuộc tăng lên từng tháng đối với những người bị cách ly so với những người không bị hạn chế”. Tỷ lệ phần trăm cá nhân trong diện cán ngưỡng giới hạn về “sử dụng rượu bia đến mức gây hại” đã tăng từ 21,0% trong tháng 4 lên 40,7% vào tháng 9, nhưng tỷ lệ tương ứng cho các cá nhân không bị đóng cửa “về cơ bản không thay đổi”.
Các yếu tố liên quan đến việc tiêu thụ nhiều rượu bia hơn bao gồm “tuổi trẻ hơn, giới tính nam và mất việc làm chính do COVID-19”, trong đó tình trạng mất việc làm gây ra tác động lớn nhất. Việc cách ly và hạn chế ở nhà có liên quan đến sự gia tăng mạnh mẽ tình trạng uống rượu bia ở mức độ gây rủi ro cao, có thể liên quan đến một loạt các yếu tố gây căng thẳng, chẳng hạn như phải chăm con ở nhà, khó khăn về tài chính, cô lập xã hội và gián đoạn thói quen thông thường.
Hơn nữa, ở nhà hoặc làm việc tại nhà giúp bạn dễ dàng tiếp cận với rượu hơn, điều này có thể dẫn đến ít động lực hơn, khả năng phán đoán kém và gia tăng sai sót. Lạm dụng rượu có “tác động lâu dài đến sức khỏe”, bao gồm “tăng tỷ lệ thương tích, bệnh gan, ung thư, các vấn đề về bệnh soma, tình trạng tâm thần và khả năng tử vong do mọi nguyên nhân khác”.
Theo một báo cáo sơ bộ của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hoa Kỳ (AIER) mang tính phi đảng phái về cái giá của việc đóng cửa dựa trên dữ liệu từ các tạp chí nghiên cứu, CDC và các tổ chức khác, “Hoa Kỳ đã có hơn 81.000 ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều trong 12 tháng kết thúc vào tháng 5/2020, con số cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng thời gian 12 tháng”. Vào cuối tháng 6/2020, một nghiên cứu của CDC cho thấy 13,3% người trưởng thành ở Mỹ “bắt đầu hoặc tăng cường sử dụng chất kích thích để đối phó với căng thẳng hoặc cảm xúc liên quan đến COVID-19”.
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) đã báo cáo trong một bài báo được cập nhật vào ngày 3/3/2021, rằng hơn 40 tiểu bang đã báo cáo “sự gia tăng tỷ lệ tử vong liên quan đến opioid”. Mặc dù tất cả những tác động tiêu cực sâu sắc đến sức khỏe tâm thần và khả năng chống lại các hành vi gây nghiện và lạm dụng có thể được quy cho tình trạng cô lập và đóng cửa xã hội, lợi ích của các biện pháp đó vẫn còn là một dấu hỏi lớn.