Nga ra tối hậu thư yêu cầu Twitter xóa các nội dung ‘bị cấm’

Thiện Đức

Giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey có một tháng để quyết định liệu nền tảng này có xóa “nội dung bị cấm” như yêu cầu của Nga hay không (Ảnh: Unsplash)

Nga đã đưa ra tối hậu thư 30 ngày cho Twitter để xóa “nội dung bị cấm” khỏi nền tảng của mình. Nội dung bị cấm bao gồm nội dung khiêu dâm trẻ em có liên quan đến tự tử, ma túy và thông tin về chính trị gia đối lập Alexei Navalny, Vision Times đưa tin.

Ông Vadim Subbotin, phó giám đốc cơ quan giám sát truyền thông Roskomnadzor, tuyên bố rằng Twitter đã tỏ thái độ bất hợp tác với các yêu cầu của chính phủ Nga về việc xóa các nội dung vi phạm.

Những người chỉ trích Kremlin nói rằng áp lực lên Twitter là một nỗ lực nhằm ngăn chặn các đối thủ chính trị của Tổng thống Vladimir Putin tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ chính trị gia Navalny đang ngồi tù. Ông Navalny gần đây đã chia sẻ hình ảnh của mình với một cái đầu cạo trọc ở trong tù. 

Một tuần trước, Subbotin đã thông báo rằng chính phủ sẽ giới hạn tốc độ internet của Twitter cho đến khi nền tảng này gỡ bỏ nội dung bị cấm.

Twitter phủ nhận việc họ đang thúc đẩy hành vi bất hợp pháp và bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Nga kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận. Matxcơva cũng đang kiện Twitter vì không xóa tài liệu khuyến khích trẻ em phản đối ông Putin. Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc Hoa Kỳ tham gia vào việc cạnh tranh không lành mạnh trong việc kiểm duyệt tùy tiện các nền tảng CNTT và mạng xã hội.

Sarkis Darbinyan, một luật sư của nhóm bảo vệ quyền internet Roskomsvoboda của Nga, nói rằng cơ quan quản lý chính phủ đang tức giận với Twitter trong bối cảnh hàng nghìn người đã tham gia các cuộc biểu tình chống ông Putin.

“Sau các cuộc biểu tình, rõ ràng Twitter không có kế hoạch xóa các tin nhắn liên quan đến các hành động hòa bình của công dân và sẽ tiếp tục gắn cờ hoạt động tuyên truyền của chính quyền, để người dùng có thể nhận ra thông tin giả mạo”, ông Darbinyan nói với The Guardian.

Ông Darbinyan tin rằng các nhà chức trách Nga đang làm một bài thử nghiệm đối với Twitter, “chạy thử” các chính sách đàn áp của họ trước khi chúng có thể được mở rộng sang các nền tảng mạng xã hội khác. Twitter có không nhiều người dùng ở Nga, vì thế nền tảng này trở thành một thử nghiệm hoàn hảo. 

Các ước tính đưa ra số lượng người dùng Twitter của Nga là khoảng 9 triệu người, chỉ chiếm 8% dân số cả nước. Ông Darbinyan cảnh báo rằng Matxcơva đưa ra nhiều luật lệ hơn, cho phép chính quyền nhà nước sử dụng quyền lực lớn hơn để xác định nội dung nào nên bị chặn.

Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ những chỉ trích việc họ kiểm duyệt Twitter và các nền tảng mạng xã hội khác. Trong một bài đăng trên Facebook, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh sự kiểm duyệt của Twitter đối với cựu Tổng thống Donald Trump. 

“Có phải chính Twitter đã chặn tổng thống Mỹ vài tháng trước không? Họ nên ghi lại những thành tựu kỹ thuật số của họ. Nếu không, có vẻ như do lỗi hệ thốn”, bà Zakharova viết trên Facebook.

Nga đã thuyết phục Apple tuân thủ luật mới của họ khi yêu cầu các thiết bị được bán tại nước này phải được cài đặt sẵn các ứng dụng đã được chính phủ phê duyệt. Các ứng dụng được cài đặt sẵn sẽ bao gồm các chương trình chống virus, tin nhắn, trình duyệt web, ứng dụng email và hơn thế nữa. Luật mới có hiệu lực vào ngày 1/4. Người dùng không bị buộc phải giữ các ứng dụng này trên thiết bị của họ và sẽ có quyền tự do xóa chúng nếu họ muốn.

Apple trước đó đã đe dọa sẽ rút khỏi thị trường Nga nếu luật được thực thi. Nhưng sau khi Matxcơva từ chối thay đổi lập trường, công ty quyết định tuân thủ điều đó hơn là mất khả năng tiếp cận một thị trường tiềm năng. Các nhà phê bình cho rằng Apple không nên khuất phục trước một chính phủ độc tài; nó có thể kích hoạt các yêu cầu thậm chí khắc nghiệt hơn ở chính phủ tương lai.

Related posts