Đoàn Xuân Thu
Tây chiếm được ba tỉnh Miền Tây năm 1867. Sau khi dìm các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân trong biển máu, tình hình coi bộ êm êm, bọn cướp nước tìm cách khai thác tài nguyên của quê mình để làm giàu cho mẫu quốc.
Miền Tây sông, rạch do thiên nhiên tạo ra chằng chịt, bà con mình đi từ nơi nầy đến nơi khác hơi xa xa là bằng ghe xuồng dưới nước, xe ngựa, xe bò trên đất liền.
Bà con mình không cần phải ‘Hán (không có ‘g’) thâm’ mới biết từ Hán Việt, giống tiếng Anh, tính từ bao giờ cũng đứng trước danh từ. Nên ông bà mình gọi Tỉnh Lộ, nối các tỉnh với nhau; hương lộ từ quận về tới xã, là đúng quá xá rồi! Nhưng CS Bắc Việt khi chiếm được Miền Nam lại thày lay, sửa trật bấy, trật bá, sửa trật lất, trật bàn đạp: Tỉnh Lộ thành Đường Tỉnh, Hương Lộ thành Đường Huyện.
‘Chúng ông’ không biết gì ráo về căn bản văn phạm của từ Hán Việt. Chúng ông giành ngu hết ráo! Chúng ông nhứt định không cho ai ngu ké với! Hở một cái ra là chúng ông vỗ ngực ta đây, tự xưng là trí tuệ của thời đại, chữ nghĩa sình một bụng. He he!
***
Làm Quốc lộ, Thiết lộ, đường bộ; cùng lúc thực dân Pháp làm Thủy lộ, đường sông. Xáng ‘thổi’ đất lên hai bờ kinh, Pháp ra lệnh mỗi nhà dân phải đổ thêm hai khối đất để đắp lộ cho Thủy bô song hành. Thế nên bà con mình sau nầy nếu để ý đều thấy dọc bờ kinh Tây đào bao giờ cũng có con lộ chạy dọc theo.
Năm 1901, Tây đào kinh Xáng Xà No (Xà No, tiếng Khmer, nơi có nhiều cây điên điển). Công trình nầy lớn có thể so sánh với việc Tây làm đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho vào năm 1881.
Kinh Xà No rộng 60m, dài 34 cây số, từ Vàm Xáng, ngã ba sông Cần Thơ (một nhánh của Hậu Giang) đến ngọn Rạch Cái Tư (một nhánh của sông Cái Lớn) thuộc tỉnh Kiên Giang.
Kinh Xà No là Thủy lộ cho tàu bè qua lại. Nhưng cái chánh là làm thủy lợi, dẫn nước ngọt từ Hậu Giang mang phù sa bồi đắp và xả phèn cho đồng bưng bát ngát, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi, lưỡi thè ra vì mệt quá xá!
Kinh Xà No là xương sống. Còn xương sườn là những con kinh ngang, cách nhau chừng 1000 thước, do dân phu và tá điền đào. Từ đó có các địa danh như: Kinh số 0, sau này đổi là kinh Tân Hiệp, Một Ngàn, Hai, Ba…tới Mười Bốn Ngàn, thời mình thuộc tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), tỉnh Chương Thiện và tỉnh Kiên Giang.
***
Kinh Xáng Xà No, đào xong năm 1903, đã đẻ ra một giai cấp ăn trên ngồi trốc, làm không đọng tới cái móng tay là điền chủ tức chủ ruộng.
Chủ ruộng cũng có hai loại: đại điền chủ đa phần là Tây rặt, mắt xanh, mũi lõ. Đại là bự là có chừng vài chục ngàn mẫu đất ‘mức’ dọc bờ Kinh Xáng trở lên. Còn chừng vài ngàn mẫu trở xuống là điền chủ, là những người Việt dựa hơi vào thế lực của Tây để khẩn đất như Tổng đốc Phương chẳng hạn.
Còn ông bà mình vốn từ miền Trung khô cằn, chó ăn đá gà ăn muối, phải bỏ quê hương em nghèo lắm anh ơi vào Nam lập nghiệp đa phần làm tá điền. Điền là ruộng, tá là mướn. Tá điền là người mướn ruộng để làm. Tới cuối mùa, tá điền đong lúa cho ‘chủ bao’ người Việt làm trung gian giữa Đại điền chủ Tây và tá điền người Việt.
“Hồi đó vùng Bảy Ngàn có “Lầu Trắng”, vì nó có hai tầng và quét vôi màu trắng của vợ chồng Tây già. Lầu đỏ, vì nó quét vôi màu đỏ của thằng con tên ‘Albert’ bà con mình gọi nó là Tây Be.
Tây già và Tây Be là đại điền chủ có tới hơn 30 ngàn mẫu Tây (một mẫu Tây tới 10 ngàn mét vuông) và 3 ngàn tá điền. Đất ruộng của cha con nó chạy dài từ Kinh Tám Ngàn cho tới Kinh Mười Bốn Ngàn Rưỡi.
‘Tây già’ lại cho xẻ thêm những con kinh sườn ở giữa những kinh sườn đã có, chỉ cách nhau 500 thước. Những kinh dọc ngang nầy đan xen nhau vuông vức như bàn cờ. Nước đưa phù sa vô đồng cộng với công sức của tá điền làm hai Đại Điền chủ Tây trúng mùa, lúa chở về chất đống mịt trời, nhiều vô số kể.
***
Miền Tây mình mưa thuận gió hòa. Mùa nắng từ tháng Chạp tới tháng Tư. Mùa mưa cũng là mùa nước nổi từ tháng Năm tới tháng Mười Một. Đất đồng bằng minh mông hoang vu, dân rất ít; nên người Khmer, dân cố cựu xứ nầy, chỉ ở trên giồng đất dài và hẹp. Họ trồng lúa nước vừa đủ ăn, cộng thêm làm rẫy bằng cách cuốc khoai lang, cặm khoai mì…Còn những vùng trũng như bưng nơi nước đọng vũng lưu niên; biền, bãi lầy cặp ven sông, rạch nơi nước lớn thì ngập, nước ròng thì bùn, dành cho cá đồng, cá lóc, cá trê, cá sặc, lươn, ốc bưu, rắn, rùa…và VC.
Dân quê lúc hưỡn thì đi cắm câu, câu rê, câu nhấp, đặt lờ, đặt lợp kiếm mồi, gầy sòng nhậu chơi. Dưới đất là vậy còn trên Trời là đủ loại chim bìm bịp, bồ nông, cò trắng, cồng cộc, diệc, le le…
Thiên nhiên hào phóng cho con cá, con chim cũng không quên cho rau đồng bưng như: bông sen, bông súng, choại chột, lá nhàu, lác, năn, rau tập tàng, sậy, đế…
Người Miền Tây có câu: ‘Chim Trời cá nước ai bắt được nấy ăn’ vì hằng hà sa số ăn sao hết thì đâu có hưỡn mà giành. Đất nước đồng bưng sanh ra tấm lòng quảng đại của người miền Tây là như vậy đó đa! Trời cho thứ gì là con người xài thứ nấy hè. Từ đó mới có câu hát huê tình:
“Hởi anh có nhớ Bảy Ngàn.
Củ co ăn với củ bàng thế cơm!”
Xa quê hàng mấy chục năm mà nghe em hỏi về những ngày cùng khốn sau 75 thì kỷ niệm xưa ùa về, anh nhớ chớ sao không?
Bà con mình thấy dưới mặt đất, cái gì phình to gọi là củ. Củ co mọc hoang. Cọng nhỏ hơn đầu mút đũa. Lá bằng cỡ miệng chén, nhỏ hơn bông súng, tròn, màu xanh nhạt ửng hồng, nổi trên mặt nước đồng bưng. Khi hết mùa nước nổi, nước giựt gần cạn đồng, bà con mình thò tay móc sâu xuống dưới rễ của nó kéo lên những chùm củ lớn bằng ngón chưn cái, da đen, xù xì. Củ co nấu chín, lột vỏ, lộ ra lớp thịt màu vàng sậm, ăn bùi bùi.
Móc củ co cực thấu trời như vậy nhưng:
“Đói lòng đi móc củ co.
Thấy em hết gạo anh cho một nồi”.
Thanh niên quê mình xưa giờ cũng dại gái; giống tui quá xá há!
***
Cùng với Củ Co mọc ở đồng bưng là Cỏ bàng, bà con chú bác với cói, cỏ năn, lác nhưng mình lớn, cứng, tròn bằng đầu đũa, rỗng ruột, cao từ một tới hai thước, có rễ chùm.
Mùa khô, Cỏ bàng rụi, chỉ còn lại cái gốc nằm sâu dưới bùn đất. Mùa mưa đến, có nước là nó giựt mình tỉnh dậy hồi sinh. Khi mùa lụt, nước nổi dâng cao cũng là lúc Cỏ bàng cao vươn lên khỏi mặt nước, trổ bông.
“Trắng da vì bởi Má cưng
Đen da vì bởi lội bưng nhổ bàng”
Nhưng mà lỡ thương anh rồi mà anh không câu nệ da em trắng hay đen gì anh cũng thương hết ráo nên:
“Rủ nhau lên đất Bảy Ngàn.
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đươn.
Choại chột thì chấm nước tương.
Bàng thì đươn nóp người thương tôi nằm.”
Lo nóp cho chàng ngủ rồi em yêu, người con gái miền Tây, dễ thương hết sức, vì còn lo cho chàng ăn nhậu nữa chớ.
“Đốt than nướng cá cho vàng.
Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi.”
Mà muốn có tiền đâu phải dễ nè! Phải đổ mồ hôi sôi nước mắt!
“Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng
Tay bưng chén cơm để đó, giã chín neo bàng mới ăn!”
Bàng được anh nhổ về để em ‘tót bàng’. Tót bàng là dựng Cỏ bàng vào cọc cao tới đầu người lớn thành bó lớn, dài ngắn khác nhau. Xong dùng dây cột giữ lại thành từng bó gọi là ‘neo bàng’. Xong, em trải neo bàng ra, hình rẻ quạt trên sân đất rộng hoặc phơi trên giàn như phơi đồ chừng một nắng (khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ) để giữ màu tươi. Nếu để ‘neo bàng’ còn úng nước là nó ngả màu sậm xịt vừa xấu, vừa không giữ được lâu.
Cuối cùng cực nhứt là em giã bàng đến rã đôi tay. Giã bàng như giã gạo, phải cần cối và chày bằng cây sao vì nó cứng. Cối dùng để giã bàng gọi là ‘mục bàng’. ‘Mục bàng’ là một miếng cây dày trên 10 phân, rộng khoảng 40 phân, dài khoảng 2 thước, nặng 5, 7 kí. Còn chày giã giống như chày đâm tiêu nhưng bự hơn và cao ngang đầu người. Khi giã bàng, đặt ‘neo bàng’ lên ‘mục bàng’, em đứng lên trên, hai tay nắm chặt cái chày nện đều đều xuống nghe ‘cụp cùm cum’.
***
Ôi quê người lưu lạc đã bao năm, đêm nay đọc lại câu ca dao ngày cũ, vẫn nhớ lời em dặn:
“Bảy Ngàn trên cỏ, dưới bưng.
Nhổ bàng đươn đệm, anh đừng đi đâu!”
Lòng anh nào có muốn đi đâu! Nghèo mà có nhau, cục muối chia hai, anh đâu có sợ. Nhưng anh không muốn là gánh nặng của đời em. Anh xin lỗi em, người con gái xứ Bảy Ngàn! Cũng vì phần số mất Miền Nam vào tay Cộng Sản, cùng cực chẳng đã, anh mới bỏ đất quê mình mà đi vì tự do nhưng trong lòng anh vẫn còn vấn vương hoài cái hồn cố thổ.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.