Việt Luận
Trong ngày thứ Hai 15.3.2021, đã xảy ra 40 cuộc biểu tình tại Úc. Chừng 85 ngàn người có mặt. Phần lớn là phụ nữ. 40 cuộc biểu tình này có tên là ‘March 4 Justice, Xuống Đường Đòi Công Lý’.
Không có công lý cho phụ nữ ở Úc sao? Ở bàn nhậu, các ông vẫn không nhắc nhở nhau câu này: ‘Ở Úc: thứ nhứt là phụ nữ. Thứ nhì là chó mèo. Hạng bét là mày râu!’ sao?
Úc là nơi quý trọng phụ nữ. Rất quý trọng. Từ thủa hồng hoang mộng mơ, đã có những bộ lạc Úc theo mẫu hệ. Khi người da trắng đưa tù biệt xứ đến đây, bóng hồng thật khó kiếm vì phần lớn tội đồ là mày râu. Tình trạng nam thừa nữ thiếu tái diễn trong những năm đầu tiên khi người Việt Nam mình định cư ở đây. May mắn, tình trạng này không còn nữa trong cộng đồng người Việt nói riêng và dân số Úc nói chung. Hiện nay, âm coi bộ hơi thịnh ở Úc với tỷ lệ 52/48 nghiêng về phái đẹp.
Sau một thời gian dài chọn nhà bếp làm nơi lãng quên cuộc đời, phái đẹp Úc phải xông pha vào xã hội. Xin được dùng chữ ‘phải’ vì hoàn cảnh đưa đẩy liễu yếu đào tơ Úc vào xưởng thợ. Số là thế chiến thứ nhất, rồi thứ nhì đẩy vai u thịt bắp Úc ra mặt trận tuốt bên trời Tây. Thế là phụ nữ tạm thời… đứng máy. Khi hết chiến tranh, tưởng rằng phụ nữ được rảnh tay. Nhưng không! Xã hội hậu chiến thay đổi đến độ một đầu lương không đủ nuôi cả nhà. Từ đó phụ nữ cùng làm với nam giới trong sở. Hết việc ở sở, các ông kéo nhau đi nhậu, hay coi TV và đọc báo. Còn phụ nữ phải đối diện với giỏ quần áo bẩn, nồi cơm chưa chín và đàn con nheo nhóc. Ấy là chưa kể đến chuyện…’tòm tem’!
Thiệt là bất công trong một xã hội ‘quý trọng’ phụ nữ! Trong xã hội ấy, vào đầu tuần này một loạt Xuống Đường Đòi Công Lý diễn ra ở Úc như tiếng thét vang trời nói lên tệ nạn phụ nữ đang bị hiếp mà xã hội lại làm lơ cho tệ nạn ấy ngày càng bành trướng.
Bạn nghĩ phụ nữ ở Úc được quý trọng ư? Có thể quý trọng khi tặng hoa hay gởi nụ hôn nhưng lúc lãnh lương thì khác. Nam nữ làm chung một việc, nhưng khi nhận phong bì màu vàng do chủ trả thì lương của lớp người ‘được quý trọng’ mỏng hơn.
Bạn nghĩ phụ nữ ở Úc được cầm trịch cai trị không thua gì mày râu? Có thể đúng ở nhà nhưng trong quốc hội người ta đòi phân nửa ghế dân biểu phải là bóng hồng thì chưa chắc làm được, dù là đến năm 2030. Ở Úc, 52% dân số là phụ nữ; thế mà tỷ lệ trong quốc hội tại Canberra chỉ được 30.5% là phụ nữ. Phụ nữ vẫn chưa được đại diện đầy đủ trong quốc hội dù Úc là nơi đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ ứng cử; và năm nay Úc đánh dấu 100 năm bà Edith Cowan được bầu vào nghị viện Tây Úc. Nhình quanh chiếc bàn rộng kê trong phòng họp của ban quản trị các công ty lớn, bóng hồng tại Úc còn thưa thớt hơn.
Chưa nói đến đòi cho phụ nữ cũng làm ông nọ bà kia, người biểu tình đòi công lý cho phụ nữ đòi Úc tiến tới một xã hội – trong đó bóng hồng được an toàn. Thật vậy, giữa những tin tức dồn dập liên quan đến cướp bóc, hà hiếp, và ngay đến hiếp dâm và giết vất xác…. ai là cha mẹ mà không lo cho con gái của mình. Bạn có an tâm khi công chúa nhà mình đi từ nhà đến trường hay sở làm không? Dám có tên sàm sở dở trò chọc ghẹo, tán tỉnh, đòi hôn hay xin số điện thoại à nghe! Bạn có an tâm khi con gái rượu ngồi trong thư viện của trường đại học, hay làm việc trong sở làm không? Dám ai đó dụ dỗ, sờ mó, hay hãm hiếp.
Tất nhiên không ai muốn tai nạn xảy ra cho bóng hồng ở Úc. Rủi mà chuyện chẳng lành ấy xảy ra thì xã hội sẽ nhìn bóng hồng nạn nhân với con mắt nào? Những Grace Tame, Brittany Higgins và Saxon Mullins bị đối xử ra sao khi họ bị nạn? Đã hơn 18 tháng, bà uỷ viên điều tra về tệ nạn phân biệt giới tính (Sex Discrimination Commissioner) Kate Jenkins chuyển cho chính phủ 55 khuyến cáo để thay đổi các tệ nạn tại sở làm mà không thấy quan lớn nào đá động. Bà Janine Hendry – một những người tổ chức Biểu Tình Đòi Công Lý -phải vào tận hành lang quốc hội liên bang Úc tại Canberra. Bà chận đường phó thủ tướng Michael McCormack và nói ‘chúng tôi đòi thay đổi, và thay đổi ngay bây giờ’.
Người Biểu Tình Đòi Công Lý đòi chính phủ ‘phải xem xét và chấm dứt tệ nạn phân biệt phái tính, khinh thường phụ nữ, chế độ cha chú, tham nhũng, nguy hiểm tại sở làm và thiếu bình đẳng trong chính trường và trong xã hội nói chung’.
Thiển nghĩ xã hội Úc có thay đổi hay không, có lẽ nữ giới phải làm một cuộc cách mạng. Cách mạng thường diễn ra rất dữ dằn. Nếu phụ nữ không muốn dữ dằn thì chắc là khởi đầu những thay đổi kể trên qua nền giáo dục. Chừng nào người ta còn trọng nam khinh nữ thì chừng đó xã hội này chưa thay đổi.
Việt Luận