Thiện Phong
Vụ án dẫn độ giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei, Mạnh Vãn Chu, đã bước vào giai đoạn cuối. Các luật sư của bà Mạnh gần đây đã nộp những lời khai mới cho tòa án nhằm ngăn chặn việc bà bị dẫn độ sang Mỹ. Hôm qua (23/3), thẩm phán Canada tiếp tục bác bỏ những bằng chứng mới mà các luật sư của bà Mạnh cung cấp, theo Sound Of Hope.
Đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, dẫn lời AFP đưa tin: Nhóm luật sư của bà Mạnh hy vọng rằng, lời khai bằng văn bản của một kế toán Huawei sẽ là bằng chứng có lợi cho bà, và tuyên bố rằng điều này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về các hoạt động tài chính của Huawei và sẽ giúp chứng minh bà vô tội.
Thẩm phán Heather Holmes, Phó Chánh án Tòa án Tối cao British Columbia, Canada, hôm qua đã bác bỏ những bằng chứng đó, ông cho rằng bằng chứng này “không liên quan” đến phiên điều trần dẫn độ.
Trước đó, bà Mạnh đã hy vọng rằng tòa án sẽ chấp nhận lời khai bằng văn bản của các nhân viên Huawei, cho rằng lời khai này có thể chứng minh rằng HSBC biết về mối quan hệ giữa Huawei và Xingtong Technology, và rằng bà Mạnh không hề lừa dối ngân hàng.
Tuy nhiên thẩm phán Holmes đã từ chối yêu cầu vào 12/3, và nói rằng nó [bằng chứng] này “không có lợi cho việc tìm kiếm các kết quả đáng tin cậy”.
Vụ án dẫn độ bà Mạnh dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5, nhưng nếu cả hai bên tiếp tục kháng cáo, vụ án có thể tiếp tục kéo dài trong vài năm.
Bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, đã bị cảnh sát Canada bắt giữ theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, chiểu theo ràng buộc hỗ trợ pháp lý lẫn nhau, khi bà Mạnh đi qua Sân bay Quốc tế Vancouver vào tháng 12 năm 2018.
Mỹ tố cáo bà Mạnh lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei và một chi nhánh tại Iran tên là Skycom, đẩy ngân hàng HSBC vào nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Ngay sau đó, ĐCSTQ cũng đáp trả lại bằng cách bắt tạm giam cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân người Canada Michael Spavor, kể từ đó mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn.
Nhiều tổ chức báo chí, truyền thông quốc tế đưa tin, hai ông Kovrig và Spavor sau khi bị bắt đã bị buộc tội làm gián điệp, và đã bị đưa ra tòa xét xử.
Vào 19/3, vào đúng dịp Mỹ-Trung có cuộc gặp cấp cao tại Alaska, một tòa án của Trung Quốc đã mở phiên xét xử đầu tiên đối với doanh nhân Michael Spavor, người đã bị giam giữ hơn hai năm, và tái thẩm đối với ông Michael Kovrig vào ngày 22/3.
Mặc dù các quan chức từ 26 quốc gia đã đến nơi xử án để bày tỏ sự lo lắng, nhưng ĐCSTQ vẫn sử dụng “yếu tố an ninh quốc gia” làm cái cớ để cấm tất cả các nhà ngoại giao vào phòng xử án, dẫn đến sự phẫn nộ của các quốc gia. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken ngày 23 đã tweet rằng: Các đồng minh hãy cùng Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh trả tự do ngay lập tức cho Kovrig và Spavor bị giam giữ phi pháp. Ông còn nhấn mạnh: “Nhân loại không phải là một con bài để mang ra mặc cả”.