Trung Quốc phản bác ‘việc chính trị hóa bông Tân Cương’ trong vụ tẩy chay H&M

Triệu Hằng

Ảnh chụp màn hình Youtube/BBC

Reuters đưa tin, giới chức Trung Quốc vào hôm thứ Hai (293) tuyên bố H&M của Thụy Điển và các công ty nước ngoài khác không nên thực hiện các động thái hấp tấp hoặc tham gia chính trị hóa sau khi các công ty này nêu quan ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, gây ra phản ứng dữ dội và tẩy chay trên mạng của người tiêu dùng Trung Quốc nhưng do ĐCSTQ kích động đằng sau.

Nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài nổi tiếng như H&M, Adidas, Nike… đã vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội ở Trung Quốc. Theo phân tích, từ một bài viết trên trang Epoch Times, làn sóng tẩy chay hàng ngoại lần này, chính là do tổ chức chính quyền Trung Quốc kích động.

Nó xảy ra đúng thời điểm mà các cuộc đàm phán giữa Mỹ – Trung diễn ra ở Alaska tan vỡ. Sau khi Mỹ hợp lực với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Canada để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức ĐCSTQ và một thực thể liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chính phủ Hoa Kỳ đã công khai cáo buộc Bắc Kinh tội diệt chủng đối với các dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ trong khu vực.

“Tôi không nghĩ một công ty nên chính trị hóa hành vi kinh tế của mình”, Xu Guixiang, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương phản bác tại một cuộc họp báo vào sáng thứ Hai. “Liệu H&M còn có thể tiếp tục kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc nữa không? Kết thúc rồi”.

“Việc hấp tấp đưa ra quyết định này và dính líu vào các chế tài là không hợp lý. Nó như thể nâng một hòn đá lên để rồi thả rơi xuống đôi chân của chính mình”, ông Xu tuyên bố.

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuần trước đã bắt đầu lan truyền một tuyên bố năm 2020 của H&M thông báo rằng họ sẽ ngừng lấy bông từ nguồn cung Tân Cương.

Vào thời điểm đó, H&M cho biết đuyết định này là do những khó khăn trong việc tiến hành thẩm định đáng tin cậy trong khu vực sau khi các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương – một cáo buộc mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận.

Elijan Anayat, một phát ngôn viên khác của chính quyền Tân Cương, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng “người Trung Quốc” không muốn các sản phẩm của các công ty như là H&M và Nike, những công ty đã tẩy chay bông Tân Cương. Ông nói rằng ông hoan nghênh các công ty thực hiện các chuyến đi đến các cánh đồng bông của khu vực để tận mắt chứng kiến điều gì đang xảy ra ở đó.

Các quan chức ĐCSTQ và thậm chí một số nhóm doanh nghiệp nước ngoài, vẫn còn đang nhầm lẫn ĐCSTQ với người dân Trung Quốc, họ nghĩ rằng bất cứ ai muốn ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, tương đương với việc chống lại toàn bộ người dân Trung Quốc.

Hôm thứ Năm tuần trước (25/3), Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc đã trả lời Đài tiếng nói Hoa Kỳ bằng văn bản rằng: “Nói chung, khi chính trị hóa kinh doanh tiếp tục gia tăng, ngày càng nhiều công ty châu Âu đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt dư luận châu Âu yêu cầu các công ty phải thể hiện rõ ràng các nguyên tắc về trách nhiệm xã hội. Nhưng mặt khác, nếu [các công ty] thể hiện trách nhiệm và đảm bảo rằng chuỗi cung ứng không bị chỉ trích, họ sẽ bị coi là có thái độ chống Trung Quốc (chống ĐCSTQ) và họ sẽ nhận được phản ứng dữ dội từ Người Trung Quốc”.

Washington vào hôm thứ Sáu đã lên án cái mà họ gọi là một chiến dịch truyền thông xã hội “do nhà nước lãnh đạo” ở Trung Quốc chống lại các công ty Hoa Kỳ và các công ty quốc tế khác vì cam kết không sử dụng bông từ tân cương.

Xu liên tục bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và vi phạm nhân quyền trong khu vực và cáo buộc các cường quốc phương Tây tham gia thao túng chính trị để gây bất ổn cho Trung Quốc bằng các lệnh trừng phạt.

Xu phản bác: “Họ đã đánh mất lý trí và lương tâm của mình, họ hăng hái với việc thao túng chính trị và lạm dụng các biện pháp trừng phạt, đến mức quá khích”.

Còn Anayat thì tuyên bố: “Mục đích thực sự của họ khi bịa đặt vấn đề diệt chủng là để phá vỡ an ninh và ổn định ở Trung Quốc”.

Hoa Kỳ vào tháng Một đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với sản phẩm từ bông và cà chua từ khu vực này do cáo buộc lao động cưỡng bức từ những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ.

Các chính phủ và các nhóm nhân quyền phương Tây trước đây đã cáo buộc chính quyền ở khu vực xa xôi này và giam giữ và tra tấn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại, nơi một số cựu tù nhân cho biết họ phải chịu đựng sự truyền bá tư tưởng.

Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận tất cả các cáo buộc như vậy và nói rằng các trại này là để “đào tạo nghề” và “chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.

Related posts