Ai thực sự hưởng lợi phía sau phong trào ‘Chống thù ghét người Á’?

Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Vụ xả súng gần đây vào các nhân viên tiệm mát-xa ở Atlanta, tiểu bang Georgia, đã làm dấy lên một loạt các cuộc biểu tình chống kỳ thị người châu Á trên khắp nước Mỹ. Vậy ai là người thực sự hưởng lợi đứng sau phong trào này? Dưới đây là bài bình luận của phóng viên Alexander Liao của tờ The Epoch Times.

Tại Hoa Kỳ, vấn đề phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống rất phức tạp. Có một số điểm chính khiến tôi không đồng ý với quan điểm rằng, sự áp bức chủng tộc có hệ thống này là do người Mỹ da trắng đặc biệt nhắm vào những người da màu. Là một người lớn lên trên đất nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thống trị, tôi cảnh giác rằng, các thực thể chính trị rất vui mừng khi sử dụng những ngôn từ bình đẳng, cấp tiến để [đoạt được] tư bản chính trị.

Thứ nhất, những hành vi thù ghét với người Mỹ gốc Á không do phải một nhóm sắc tộc chủ yếu thực hiện. Nói một cách rõ ràng hơn, hành vi này không chỉ do người da trắng thực hiện.

Dữ liệu mới nhất về các hành vi thù ghét do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) tổng hợp năm 2019. Cơ quan này đã báo cáo rằng, động cơ lớn nhất dẫn đến các hành vi thù địch [chống lại các nhóm sắc tộc khác] là thành kiến ​​về chủng tộc và sắc tộc, chiếm 57,6% tổng số hành vi phạm tội do thù ghét.

Dữ liệu cũng tổng kết, trong số những kẻ có hành vi phạm tội do thù ghét [về chủng tộc], 52,5% là người da trắng, 23,9% là người da đen, và 14,6% không rõ thuộc chủng tộc, báo cáo cho biết.

Theo dữ liệu điều tra dân số Hoa Kỳ năm 2019, người da trắng chiếm 76,3% dân số Mỹ, người da đen chiếm 13,4%. So sánh hai thông số này với nhau, thì người Mỹ da đen phạm tội do thù ghét [chủng tộc] nhiều hơn so với người Mỹ da trắng. Ngoài ra, xu hướng này có thể liên quan đến [các khía cạnh khác như] tình trạng kinh tế, xã hội và nền tảng giáo dục của những kẻ phạm pháp.

Ở Mỹ, không có nhóm chủng tộc nào phạm tội vì thù ghét một nhóm chủng tộc cụ thể khác. Theo tôi, hầu hết các vụ phạm tội ở Hoa Kỳ không thực sự nhắm vào các nhóm dân tộc cụ thể. Ví dụ, đôi khi, các cửa hàng ở khu phố Tàu bị cướp và có thể kẻ cướp không nghĩ quá nhiều rằng chủ nhân cửa hàng là người châu Á hay châu Âu. Mục đích của hắn chỉ đơn thuần là lấy tiền, chứ không phải phạm tội vì thù ghét người đến từ dân tộc nào.

Thứ hai, Đảng Dân chủ là nguồn gốc chủ yếu của nạn phân biệt đối xử có hệ thống với người Mỹ gốc Á.

[Đảng Dân chủ] khẳng định sẽ đưa ra biện pháp cân bằng cơ hội giáo dục dựa trên giá trị về chủng tộc. [Thực tế là], học sinh gốc Hoa hoặc gốc Do Thái có xu hướng có thành tích học tập tốt hơn do nền văn hóa của họ chú trọng đến tầm quan trọng của giáo dục và gia đình. Tuy nhiên, nhóm học sinh có thành tích học tập vượt trội này bị buộc phải cạnh tranh để giành lấy những cơ hội học tập thấp hơn vì lý do “bình đẳng”. Đây là một quy trình pháp lý có hệ thống được áp dụng ở Mỹ ngày nay, và người được hưởng lợi chính không phải là người da trắng mà là sinh viên da đen và người Latinh.

Vào tháng Hai, nhóm dân quyền người Mỹ gốc Á lâu đời nhất của Hoa Kỳ đã lên án rằng cái gọi là Thuyết Phê phán Chủng tộc (CRT) là tội ác phân biệt chủng tộc.

Một người đàn ông cầm tấm biển “Ngừng thù ghét người châu Á” biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc (ảnh: Shutterstock).

Liên minh Công dân Mỹ gốc Hoa (CACA) của Greater New York cho biết trong một tuyên bố: “Thuyết Phê phán Chủng tộc CRT muốn đưa người châu Á ra khỏi các trường học tốt nhất. Họ tin rằng người châu Á chiếm quá nhiều số lượng sinh viên. [Tên gọi thật của] Thuyết Phê phán Chủng tộc là Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc. CRT là một tội ác thực sự về thù ghét [người châu Á]”.

“Thuyết CRT xuất hiện tại nơi làm việc của chúng tôi dưới vỏ bọc đào tạo về sự thiên vị ngầm hay nhạy cảm ngầm. Nó giả vờ là một phương pháp dạy dỗ về nhạy cảm văn hóa hay chủng tộc và thâm nhập vào các trường học của chúng tôi. Các khóa học của nó bao gồm Dự án 1619 của New York Times và chương trình giảng dạy toán học dân tộc được đề xuất ở Seattle. Các nhóm thù ghét [người châu Á], cùng các đồng minh về chính trị, báo chí và giáo dục, chấp nhận CRT là thuyết chống phân biệt chủng tộc và [coi trọng] sự đa dạng, bình đẳng và hòa nhập. Nhưng thuyết này lại hoàn toàn ngược lại. Từ bản chất, CRT chính là phân biệt chủng tộc, gây áp bức và chia rẽ [các nhóm dân tộc]”.

Thuyết CRT tin rằng các thực thể pháp lý không đóng vai trò tích cực với xã hội. Về cơ bản, các thể chế này phân biệt chủng tộc vì chúng được người da trắng xây dựng để nâng cao lợi ích kinh tế và chính trị của họ mà không quan tâm đến những người có màu da khác. Lý thuyết này đã được những người cấp tiến của Đảng Dân chủ khai thác như một vũ khí chính trị mạnh mẽ.

Trên thực tế, các phương tiện truyền thông thiên tả có xu hướng ngần ngại trong việc đưa tin về những tổn hại và thù hận gây ra đối với người châu Á. New York Times khẳng định rằng sự thù ghét với người Mỹ gốc Á là do cựu TT Trump đã sử dụng thuật ngữ “virus Trung Quốc” khi gọi COVID-19. Tuyên bố này thật nực cười bởi vì người châu Á ở Hoa Kỳ biết rất rõ rằng, hiện tượng phân biệt đối xử với người châu Á ở Mỹ đã tồn tại rất lâu trước cuộc bầu cử năm 2016. Tuy vậy, hiện tượng này đã không được nêu ra như một vấn đề thời sự trên các phương tiện truyền thông [vào thời ấy].

Trước đây, tôi đã nhận thấy rằng, các phương tiện truyền thông cánh tả đã nhắm mắt làm ngơ về vấn đề người Mỹ gốc Á bị phân biệt đối xử bởi vì, thường thì người châu Á không rơi vào phạm trù “người da màu bị [người da trắng] áp bức”, vốn được phong trào Phê phán Chủng tộc sử dụng như một thứ vũ khí.

Nhiều người cánh tả xác định người châu Á là đồng phạm của người da trắng và là nhóm người hưởng lợi từ xã hội áp bức ở Hoa Kỳ. Họ tin rằng nhóm chủng tộc người châu Á nên bị chỉ trích.

Sự phân biệt đối xử và sự thù ghét

Trước đây, người châu Á sẽ bày tỏ sự phản đối với nạn phân biệt đối xử chủng tộc, bởi vì ở Hoa Kỳ, thuật ngữ “phân biệt đối xử” là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi. Nhưng quan điểm của phong trào này là “chống thù ghét với người châu Á” chứ không phải chống “phân biệt đối xử”. “Thù ghét” và “phân biệt đối xử” có thể là những thuật ngữ tương tự, nhưng chúng vẫn khác nhau.

Ở Mỹ, phân biệt đối xử có hệ thống với người châu Á là một lập luận yếu ớt. Người Mỹ gốc Á có xu hướng có trình độ học vấn cao hơn và thu nhập theo hộ gia đình cao hơn. Vậy “thuyết phê phán chủng tộc” có ý nghĩa gì ở đây? Bởi vậy, thuật ngữ mơ hồ “thù ghét người châu Á” đã trở thành một từ thay thế.

Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, ngày càng có nhiều sự chia rẽ trong đảng Dân chủ. Giới cực tả trong Đảng Dân chủ khác rất nhiều so với những đảng viên Dân chủ ôn hòa. Những người cực tả cần một sự kiện mang tính bước ngoặt hoặc phong trào mang tính bước ngoặt để tập hợp những người ủng hộ đảng Dân chủ lại với nhau.

Nhưng chiến dịch chống “thù ghét” người châu Á này chắc chắn sẽ kết thúc chỉ với một chút tiến triển.

Đảng Dân chủ (ảnh: Shutterstock).

Chiến dịch này không có mục tiêu cụ thể. Dù thuộc đảng phái nào, chúng ta cũng đều phản đối hận thù. Chúng ta phản đối thù hận vì phân biệt đối xử và chúng ta phản đối thù hận đối với bất kỳ nhóm người nào, cho dù là dựa trên giới tính, chủng tộc hay thu nhập. [Đảng Dân chủ] tìm cách chấm dứt thù ghét chủng tộc bằng cách nào? Điều gì tạo nên sự thù ghét chủng tộc? Những chính sách nào có thể chấm dứt sự phân biệt đối xử?

Giữa những lời kêu gọi chấm dứt thù ghét người châu Á, tôi muốn chỉ ra rằng có những nhóm [lợi ích] ở Hoa Kỳ đang tích cực kêu gọi hủy diệt nước Mỹ vì cái mà họ gọi là “tội ác của chủ nghĩa đế quốc”. Họ tuyên bố rằng ĐCSTQ là quê hương thực sự và thúc đẩy mạnh mẽ lòng yêu nước đối với ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Người Mỹ phải cẩn thận.

Virus Đảng Cộng sản đã bắt đầu bùng phát tại Hoa Kỳ. Những người này ẩn nấp trong Đảng Dân chủ, được coi là những người cánh tả cấp tiến của Đảng Dân chủ. Những lời hứa của họ là những khẩu hiệu như “bình đẳng” và “xóa bỏ hận thù chủng tộc”, nhưng những khẩu hiệu của chủ nghĩa Mác này đã được lịch sử chứng minh là không đáng tin cậy và nguy hiểm.

Hãy cùng lật lại lịch sử:

Tại Trung Quốc đại lục vào cuối những năm 1940, ĐCSTQ đã tiến hành một cuộc nội chiến để giành chính quyền từ tay Quốc dân Đảng của Trung Quốc. Tất cả các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đều quảng bá “dân chủ”, “tự do” và “bình đẳng”. ĐCSTQ hùng biện lớn tiếng đòi quyền phổ thông đầu phiếu, chê bai “chế độ độc tài một đảng” và phản đối một đảng chính trị kiểm soát quân đội. Họ ca ngợi mạnh mẽ nền dân chủ phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Một số lượng lớn nhân dân và trí thức Trung Quốc, những người bất mãn với chế độ cai trị của chính quyền thời ấy đã ủng hộ ĐCSTQ.

Nhưng một khi ĐCSTQ lên nắm quyền, tất cả các cuộc thảo luận về dân chủ đều phải dừng lại, quyền phổ thông đầu phiếu biến mất khỏi từ điển, và các yêu cầu quốc hữu hóa quân đội đã bị bịt miệng. Hai triệu người thuộc tầng lớp trí thức Trung Quốc đã bị bắt vào tù.

Cũng giống như các khẩu hiệu được ĐCSTQ tuyên truyền trong thế kỷ trước, người Mỹ cần phải đặc biệt cảnh giác về những phong trào phô trương biểu ngữ “bình đẳng” ngày nay.

Related posts