Vũ Dương
Để níu kéo quyền lực, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang ra sức siết chặt kỷ luật đảng viên bằng cách buộc họ phải đọc và học các tài liệu của đảng. Tuy nhiên, khi “con thuyền” đảng đã mục nát với vô số vết thủng thì dường như nỗ lực này trở nên vô vọng. Bài viết của Vision Times dưới đây đã chỉ ra thực tế này.
Năm nay đánh dấu 100 năm ngày thành lập ĐCSTQ, nhà chức trách đã phát động một loạt các hoạt động như giáo dục học tập lịch sử đảng. Gần đây, trong một cuộc họp bàn về việc học tập lịch sử đảng, ông Tập Cận Bình phàn nàn rằng các quan chức ĐCSTQ “say sưa với việc truyền bá những giai thoại tầm phào nhảm nhí và hứng thú với những ấn phẩm bất hợp pháp ở nước ngoài”.
Mấy năm trở lại đây, nhiều quan chức của ĐCSTQ sau khi ngã ngựa đã bị buộc tội mua sắm, lưu hành và thu thập các ấn phẩm nước ngoài. Chuyện hài về người lãnh đạo các đời của ĐCSTQ cũng được các quan chức và người dân bình thường tiêu khiển như những câu chuyện phiếm của giới nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng.
Ngày 31/3, trang tạp chí “Cầu Thị”, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Vận động Giáo dục Lịch sử Đảng ngày 20/2. Trong đó đề cập đến sự cần thiết phải thiết lập “cái nhìn đúng đắn về lịch sử đảng”, đặc biệt đề cập tình hình trong đảng tồn tại hiện tượng “không tin chính sử mà tin dã sử, khiến cho lịch sử đảng trở nên thô tục hóa, giải trí hóa, giới quan chức say sưa với việc truyền bá những giai thoại tầm phào nhảm nhí, hứng thú với các ấn phẩm bất hợp pháp của nước ngoài”.
Ông Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh rằng cần phải cảnh giác với “những khuynh hướng sai lầm”, “cố tình móc nối các sự kiện trong lịch sử đảng với các vấn đề thực tế, đồn đại ác ý”. Ông Tập yêu cầu các quan chức cần phải “nhìn nhận đúng đắn và đánh giá một cách khoa học các sự kiện quan trọng, các cuộc họp quan trọng, các nhân vật quan trọng trong lịch sử đảng”, “phản đối chủ nghĩa hư vô trong lịch sử”.
Về vấn đề này, trang RFI từng đăng một bài bình luận nói rằng kể từ khi ông Tập Cận Bình đề xuất phản đối chủ nghĩa hư vô trong lịch sử đến nay, rất nhiều cư dân mạng đã đặt câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên là liệu lịch sử ĐCSTQ có vượt qua được thử thách của lịch sử hay không?
Có rất nhiều nghi ngờ về lịch sử của ĐCSTQ cả trong và ngoài nước. Sau khi ĐCSTQ dựng lập chính quyền, một số sự kiện lịch sử lớn gây chấn động thế giới, chẳng hạn như Nạn Đói Lớn vào đầu những năm 1960, luôn được ĐCSTQ mô tả là “thời kỳ ba năm thiên tai”, sau này lại gọi là”thời kỳ ba năm khó khăn”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra rằng thảm họa này là thảm kịch kinh thiên động địa do chính con người gây ra.
Năm 1958, lãnh đạo ĐCSTQ Mao Trạch Đông phát động phong trào “Đại Nhảy Vọt” để “đuổi kịp nước Anh siêu việt nước Mỹ”, người người bị bắt phải luyện thép, ruộng đồng bỏ không, lương thực cạn kiệt, cuối cùng dẫn đến nạn đói lớn.
Trong “Sự cố nhà sách Vịnh Causeway” ở Hồng Kông năm 2015, 5 cổ đông và nhân viên bị mất tích. Hiệu sách ban đầu dự định xuất bản những cuốn sách về những câu chuyện đời tư của ông Tập Cận Bình. Có thể thấy, những “sách cấm” và tư liệu này không khỏi khiến lãnh đạo đương nhiệm cảm thấy khó chịu.
Không ít quan chức Trung Quốc sau khi ngã ngựa, giới truyền thông của ĐCSTQ đều bêu riếu họ bằng việc chỉ ra họ có vấn đề thu thập, mua sắm và đọc cái gọi là “sách phản động”. Điều này cũng có nghĩa là một số quan chức trong hệ thống ĐCSTQ có thói quen tìm kiếm thông tin từ bên ngoài và đọc các “sách cấm” ở Trung Quốc.
Quan chức ngã ngựa trong thông báo có liên quan đến vấn đề nêu trên trong những năm gần đây có: Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Trường Sa Trần Trạch Huy (Chen Zehui), ngày 29/10/2020, trong thông báo nói ông đã vi phạm kỷ luật chính trị, tự ý mua và đưa các sách và ấn phẩm định kỳ có vấn đề chính trị nghiêm trọng vào trong nước, hơn nữa đã đọc và sưu tầm các “sách cấm” trong một thời gian dài.
Quan chức bị buộc tội tương tự còn có cựu Phó Bí thư kiêm phó giám đốc Cục quản lý Giám sát thị trường thành phố Trùng Khánh Dương Hồng Vỹ (Yang Hongwei), bị điều tra vào năm 2019; nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch tập đoàn năng lượng Trùng Khánh Phùng Việt (Feng Yue), bị “song khai” đầu tháng 9/2018; nguyên Ủy viên Ban Thường vụ quận Du Bắc, thành phố Trùng Khánh Ngô Đức Hoa (Wu Dehua) bị “song khai” tháng 8/2018.
Theo báo cáo của kênh truyền thông ĐCSTQ, vào đầu năm 2017, ông Ngô Đức Hoa đã đặc biệt chia sẻ các bài báo ở nước ngoài liên quan đến tin xấu về sóng gió quan trường ĐCSTQ cho bà Lưu Phụng Châu (Liu Fengzhou) – tình nhân của nguyên Bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), để bà này nắm rõ xu hướng chính trị của người tình. Tháng 7 cùng năm, sau khi ông Tôn Chính Tài ngã ngựa, sợ chịu ảnh hưởng, ông Ngô đã nhờ người mang về 2 quyển tạp chí “phản động” từ nước ngoài với ý định do thám thông tin liên quan đến vụ việc của ông Tôn Chính Tài. Đầu năm 2018, ông Ngô đã mua 4 cuốn tạp chí “phản động” từ nước ngoài về đọc và lưu giữ cho đến khi ngã ngựa.
Các quan chức tham nhũng tồn tại các vấn đề tương tự còn có: cựu Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Tập đoàn Lương thực thành phố Trùng Khánh Vương Ngân Phong (Wang Yinfeng); cựu Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy kiêm cựu phó Tỉnh ủy tỉnh Quý Châu Vương Hiểu Quang (Wang Xiaoguang); quan chức ở hệ thống nhà tù tỉnh Hồ Bắc Vương Bảo Bình (Wang Baoping); cựu giám đốc Cục quản lý nhà đất huyện Phong Đô, thành phố Trùng Khánh Lý Cường Hoa (Li Qianghua), ….
Trang RFI phân tích rằng vì hầu hết các quan chức trong ĐCSTQ không tin tưởng các báo cáo truyền thông chính thức của ĐCSTQ. Họ cố gắng mua sách từ nước ngoài vì tò mò hoặc muốn biết một chút tình huống chân thật.
Ông Mã, một học giả thường xuyên đi lại giữa Hồng Kông và Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng các ấn phẩm chính trị của Hồng Kông rất có sức hấp dẫn: “Ở Hồng Kông, sẽ có sách chính trị bằng tiếng Trung, nhưng không có nhiều sách quảng bá các khái niệm dân chủ, tự do và nhân quyền trong hiệu sách tiếng Trung ở sân bay. Trong hiệu sách ở Vịnh Causeway, có một số sách đề cập đến một vài bí mật trong chốn quan trường và một số tin tức sâu kín của các nhà lãnh đạo, điều này cũng cho thấy rằng họ (các quan chức Trung Quốc) rất coi trọng đời sống riêng tư và hình ảnh cá nhân của nhà lãnh đạo”.
Bài viết của nhà bình luận Trương Kiệt (Zhang Jie) đã chỉ ra rằng ĐCSTQ đã trải qua 5 thế hệ lãnh đạo kể từ khi thành lập. Đến thời ông Giang Trạch Dân, thật sự có quá nhiều trò hề. Nào là các chính sách, cuộc sống, ngoại giao, v.v., tất cả đều trở thành chủ đề tán gẫu trên bàn ăn của người dân. Ông Giang Trạch Dân có lần khi đang trả lời câu hỏi của một phóng viên Hồng Kông liên quan đến Đặc khu trưởng Hồng Kông Đổng Kiến Hoa (Tung Chee-hwa) đã vô cớ nổi giận, lớn tiếng mắng chửi phóng viên; còn chuyện ông Mike Wallace, nhà báo kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng của Mỹ từng gọi ông Giang là “con vịt”, “kẻ độc tài”. Còn về những lời bông đùa và câu chuyện dâm loạn giữa ông Giang Trạch Dân với các nữ minh tinh lại càng được người dân bàn tán xôn xao.
Đến thời ông Tập Cận Bình, những câu chuyện phiếm về người lãnh đạo lại càng nổi như cồn. Ông Trương nêu ví dụ, năm 2017, ông Tập Cận Bình đã đưa ra thông điệp đầu năm mới, yêu cầu người dân cả nước xắn tay áo làm việc chăm chỉ. Sau đó, Cục trưởng Cục Giám sát Chất lượng Khu tự trị Nội Mông Trương Hải Thuận (Zhang Haishun) đã chế giễu trong lúc phát biểu tổ chức học tập: Tổng Bí thư kêu gọi chúng ta xắn tay áo và làm việc chăm chỉ, vậy văn phòng của chúng ta phải thực hiện nó một cách nghiêm túc và triệt để nhất! Mọi người không chỉ phải xắn tay áo mà còn phải “vén quần lên và làm hết sức mình!”.
Ông Trương Kiệt cho rằng giờ ông Tập Cận Bình nếu muốn quay lại thời đại Mao Trạch Đông hoặc đi theo con đường chủ nghĩa toàn trị mới của đế quốc đỏ đã là điều không thể, vì nó không được lòng dân. Hệ thống độc tài toàn trị của ĐCSTQ thực sự đã tan rã trong những lời chế nhạo của người dân. Sự sụp đổ của nó chỉ còn là vấn đề thời gian.