Chuyên gia: Hồng Kông đang ‘chết từ từ’ trong tay ĐCSTQ

Duy Nghĩa

Ông trùm truyền thông Jimmy Lai Chee-ying (Lê Chí Anh), phát biểu trong một cuộc phỏng vấn để phản ứng với luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông hôm 29/5/2020. (Ảnh: Tyrone Siu/Reuters)

Trong một bài bình luận gần đây trên The Epoch Times, nhà báo kỳ cựu Alexander Liao đã phân tích về ‘cái chết’ từ từ của Hồng Kông dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mở đầu bài bình luận, ông Alexander cho hay hôm 01/04, một tòa án Hồng Kông đã đưa ra một phán quyết bất công nhưng không ngạc nhiên.

Bảy nhà lãnh đạo dân chủ Hồng Kông đã bị kết tội tổ chức các cuộc hội họp trái phép. Điều này có liên quan đến các cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ của dân chúng diễn ra trong mùa hè năm 2019. Bản án chính thức buộc tội bấy nhà hoạt động sẽ được công bố vào ngày 16/4.

Là phóng viên tin tức, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á, ông Alexander nhận thấy có những nét tương đồng giữa Thượng Hải và Hồng Kông.

Cụ thể, theo ông Alexander, Thượng Hải đã từng là một trong những thành phố huy hoàng nhất trên thế giới. Ở đó đã sinh ra rất nhiều nhà văn và nhà làm phim quốc tế huyền thoại. Vào những năm 1930, trong thời kỳ hoàng kim này, thành phố này được gọi là Paris, New York của của phương Đông.

“Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thiết lập quyền lực của mình, sự tự do của Thượng Hải đã chết cùng với thời kỳ vàng son tươi đẹp của nó trong nghệ thuật và thương mại. Đáng buồn thay, Hồng Kông cũng chịu chung một cái chết như thế”, ông Alexander nhận xét.

Cáo buộc phi lý

Bảy nhà lãnh đạo dân chủ bao gồm: chính trị gia 82 tuổi Martin Lee, ông trùm truyền thông Jimmy Lai (Lê Chí Anh), và các nhà lập pháp Hồng Kông nổi tiếng Margaret Ng, Cyd Ho Sau-lan, Lý Trác Nhân (Lee Cheuk-yan), Albert Ho Chun-yan và Leung Kwok-hung với biệt danh “Tóc dài”, đã bị kết tội.

Trong vụ án này, các nhà dân chủ Hồng Kông đã tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành vào tháng 8/2019. Cảnh sát đã chấp thuận cuộc biểu tình nhưng không đồng ý cho cuộc diễu hành. Hôm 18/8, hơn 1,7 triệu người Hồng Kông đã tham gia cuộc mít tinh và sau đó xuống đường, diễu hành qua trung tâm các khu thương mại của Hồng Kông. Họ yêu cầu đáp ứng 5 yêu cầu quan trọng của mình.

“Các cuộc biểu tình lúc đó diễn ra rất ôn hòa. Mặc dù cảnh sát không đồng ý cho cuộc diễu hành, nhưng không có biện pháp cưỡng chế mạnh nào diễn ra trong cuộc diễu hành. Mọi người được phép diễu hành và bày tỏ những yêu cầu của mình với một sự can thiệp nhỏ [của cảnh sát]”, ông Alexander lưu ý.

Theo ông Alexander, giữa bối cảnh xung đột bạo lực lan rộng giữa cảnh sát và người dân trong các cuộc biểu tình trong năm [2019] của Hồng Kông, cuộc mít tinh và diễu hành lịch sử vào ngày 18/8 này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cuộc tụ tập với qui mô lớn đánh dấu thời khắc đoàn kết của người dân Hồng Kông, đóng vai trò như một bước ngoặt, có thể sớm dẫn đến cái mà sau này được mệnh danh là “cuộc cách mạng của thời đại” ở thành phố đảo này.

Ông Martin Lee và những người bị buộc tội khác tuyên bố rằng do có một số lượng lớn người tại cuộc tụ tập, vì vậy họ “dẫn đầu đám đông tụ tập để di tản,” nhưng bên công tố không chấp nhận. Các công tố viên cáo buộc rằng các bị cáo đã khuyến khích cuộc diễu hành bằng cách giương cao các biểu ngữ và hô khẩu hiệu, điều này đã dẫn đến việc tạo ra một “cuộc tụ tập bất hợp pháp”.

“Thành thật mà nói, toàn bộ thủ tục xét xử của tòa án này là một màn trình diễn. Tuyên bố của công tố viên chính quyền Hồng Kông và luật sư biện hộ cho bị cáo, hoàn toàn không quan trọng. Dưới sự kiểm soát của chế độ Trung Cộng, bị cáo là có tội trước khi xét xử. Các bị cáo bị kết án bất kể họ cố gắng bảo vệ sự vô tội của mình như thế nào. Dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), pháp quyền chỉ là hình thức”, ông Alexander nhận xét.

Theo ông Alexander, “điều quan trọng không phải là những gì đã xảy ra trong phiên tòa, bởi vì các phán quyết đã được định trước. Điều quan trọng về phiên tòa này là nó cho thấy sự chấm dứt hơn nữa quyền tự do ở Hồng Kông”.

Lịch sử đấu tranh của Hồng Kông

Ông Alexander cho rằng ông Martin Lee và ông Jimmy Lai đều là những nhân vật biểu tượng ở Hồng Kông.

Liên quan đến ông Martin Lee, ông Alexander nhớ lại, trong năm 1967, cơn bão của Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ lan đến Hồng Kông, và các tổ chức công đoàn cánh tả của Hồng Kông, do đảng ngầm của ĐCSTQ điều hành, đã bắt đầu chống lại chính quyền Hồng Kông của Anh Quốc một cách dữ dội. Một số lượng lớn các nhân vật công đoàn đã bị buộc tội bạo loạn. Vào thời điểm đó, mối quan hệ giữa cánh tả Hồng Kông và các luật sư Hồng Kông không được hòa thuận. Việc thuê bất kỳ chuyên gia pháp lý nào đại diện cho họ trước tòa, là một thách thức đối với các nhà hoạt động cánh tả.

“Ông Martin Lee là một trong những luật sư tốt nhất, đại diện công khai cho nhà hoạt động cánh tả. Thông qua công việc của mình, ông đã thành công trong việc giải thoát cho nhiều bị cáo về nhiều tội danh”, ông Alexander nhận định.

Ông Alexander cho rằng “chính vì công việc luật mang tính lịch sử của ông Martin Lee dành cho những người cánh tả mà đảng ngầm của ĐCSTQ ở Hồng Kông có ấn tượng tốt về ông. Vào những năm 1980, ông Martin Lee trở thành thành viên của Ủy ban Soạn thảo Luật Cơ bản của Đặc khu Hành chính Hồng Kông, để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao Hồng Kông từ Anh cho Trung Quốc”.

Tuy nhiên, sau Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Martin Lee đã ngừng hợp tác với ĐCSTQ. Ông thành lập Liên đoàn Dân chủ Hồng Kông, tiền thân của Đảng Dân chủ Hồng Kông, và tiếp tục trở thành lãnh đạo của Đảng Dân chủ Hồng Kông.

Ở tuổi ngoài 80 tuổi, ông Lee được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Hồng Kông. Kể từ đó, ông không còn tham gia chính trường, nhưng vẫn đầu tư rất nhiều vào tương lai của Hồng Kông. Là một nhân vật hàng đầu trong phe dân chủ, Phong trào Ô dù và ‘Phong trào chống phái cử’ Trung Quốc ở Hồng Kông, ông gắn bó với số phận của nền dân chủ ở hòn đảo này. Khi được BBC phỏng vấn về vụ bắt giữ vào năm 2020, ông Lee trả lời rằng ông thực sự cảm thấy nhẹ nhõm, ông nói, “trong rất nhiều năm, rất nhiều tháng, rất nhiều thanh niên tốt đã bị bắt và bị buộc tội, trong khi tôi không bị bắt. Tôi cảm thấy rất tiếc về điều đó”.

Liên quan đến ông Jimmy Lai, ông Alexander cho hay ông Lai “cũng có một câu chuyện tương tự”. Rời bỏ gia đình và Trung Quốc vào năm 12 tuổi, ông Lai trốn trên một con thuyền đến Hồng Kông. Hồi còn nhỏ, ông Lai đã phải làm việc trong một xưởng may với mức lương 8 USD một tháng. Di sản của ông cuối cùng tập trung vào thương hiệu thời trang cực kỳ thành công của mình, Giordano và nhượng quyền truyền thông, Next Media. Giống như ông Martin Lee, lịch sử ban đầu của ông Lai cũng gắn liền với ĐCSTQ.

Thương hiệu Giordano đã thành công khi hợp tác với China Resources, công ty lớn nhất của Trung Quốc có trụ sở tại Hồng Kông. Do Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Lai cũng trở thành một nhà phê bình thẳng thắn đối với ĐCSTQ. Sau đó, ông thành lập Next Magazine và Apple Daily, tập trung vào các tờ báo khổ nhỏ, chính trị và kinh doanh.

Là chính trị gia được biết đến với biệt danh “Tóc dài”, ông Leung Kwok-hung từng tự nhận mình là một người theo chủ nghĩa xã hội, thậm chí tự nhận là một người theo chủ nghĩa Mác xít Trotsky. Sau Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn, ông thường mặc một chiếc áo phông in hình nhà cách mạng Cuba Che Guevara. Tóc ông thường dài và bồng bềnh, là nguồn cảm hứng cho biệt danh của ông.

Theo ông Alexander, thế hệ các nhà hoạt động Hồng Kông lớn tuổi này có 3 đặc điểm cơ bản. Thứ nhất họ coi Trung Quốc cũng giống như Hồng Kông; thứ hai họ rất hòa ái, có lý trí và phi bạo lực; thứ ba họ phản đối việc biến Hồng Kông trở thành một quốc gia độc lập. Họ đại diện cho những công dân Hồng Kông yêu nước, những người muốn Hồng Kông có chủ quyền riêng trong khi vẫn duy trì kết nối với quê hương Trung Quốc.

“Việc ĐCSTQ đàn áp những nhà hoạt động dân chủ cho thấy khuynh hướng ‘hoạt động yêu nước’ hợp pháp của Hồng Kông chống lại Trung Quốc, đã chắc chắn thất bại. Có thể thấy trước được rằng các nhà hoạt động Hồng Kông thế hệ trẻ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn trong tương lai. Họ sẽ không còn dựa vào hệ thống luật pháp của Hồng Kông, và công nhận Hồng Kông là một quốc gia độc lập, có chủ quyền của riêng mình, thay vì là một khu vực tự trị của Trung Quốc”, ông Alexander nhận định.

Ông Alexander cho rằng “thành phố đảo nhỏ bé của Hồng Kông được coi là một mối đe dọa lớn đối với ĐCSTQ chính vì sức mạnh và lịch sử cách mạng của nó. ĐCSTQ biết rất rõ về vai trò của Hồng Kông như một nền tảng lật đổ chống lại sự thống trị của Trung Quốc”.

Sau năm 1840, Hồng Kông dần trở thành vùng đất tách ra từ Trung Quốc, có đặc quyền ngoại giao riêng. Những người chống lại chính quyền trung ương thường tụ tập ở Hồng Kông để lên kế hoạch cho các cuộc nổi dậy. Hồng Kông là căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của Tôn Trung Sơn chống lại triều đại nhà Thanh cuối cùng của Trung Quốc. Hầu hết các tổ chức Tam Hoàng chủ yếu của Hồng Kông đều có nguồn gốc từ “Hong Gang”, một tổ chức ngầm phi chính phủ, có lịch sử hơn 100 năm chống lại đế chế nhà Thanh. Tôn Trung Sơn thậm chí còn trở thành thủ lĩnh của “Hong Gang”.

Sau khi chính thức thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ĐCSTQ tiếp tục tiến hành các hoạt động ở Hồng Kông. Ví dụ như các cuộc đình công ở Hồng Kông, khi người công nhân ở Hồng Kông và Quảng Châu cùng nhau tổ chức các cuộc bãi công chống lại chính phủ cầm quyền của Anh. Trên thực tế, cuộc bãi công của công nhân không thành công, vì nó không giúp ích gì nhiều cho lợi ích của công nhân. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã sử dụng các cuộc đình công của công nhân như một công cụ chính trị để tuyển dụng người vào ĐCSTQ. Thông qua những nỗ lực này, số đảng viên ĐCSTQ đã tăng lên gấp trăm lần.

Ông Alexander lưu ý các hoạt động lật đổ khác nhau của ĐCSTQ ở phía Nam Trung Quốc, thường được tiến hành tại Hồng Kông. Sau thất bại của cuộc nổi dậy năm 1929 ở Quảng Tây, ông Đặng Tiểu Bình chạy đến Hồng Kông để lánh nạn. Ông Chu Ân Lai cũng đã đến Hồng Kông nhiều lần. Năm trong số 10 nguyên soái hàng đầu trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng đến lánh nạn ở Hồng Kông.

Trong những ngày đầu của cuộc Nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ, Đảng cộng sản Liên Xô đã vận chuyển nhiều tài liệu đến cho ĐCSTQ trên các con tàu Hồng Kông.

Ông Alexander cho rằng “ĐCSTQ nhạy cảm hơn bất cứ ai khác trước sức mạnh của Hồng Kông trong việc lật đổ quyền lực thống trị của Trung Quốc”.

“Giờ đây, Hồng Kông như đã từng là một thành phố vàng, tự do và có văn hóa, đã chính thức tàn lụi”, ông Alexander lên án.

Nền nghệ thuật phát triển phải gắn với tự do

Theo ông Alexander, thành phố Hồng Kông đã từng là nơi năng động và đổi mới nhất trong xã hội Trung Hoa. Vào những năm 1980 và 1990, những ca sĩ và ngôi sao điện ảnh nổi tiếng nhất trong xã hội Trung Quốc đều xuất thân từ hòn đảo nhỏ bé này. Ngoài ra, Hồng Kông cũng là trung tâm của thế giới về đồ trang sức, thời trang, thiết kế in ấn và làm phim.

Khi những năm 2000 nổi lên, những đổi mới của Hồng Kông đã giảm dần cùng với các quyền tự do của nó. Các ca sĩ và ngôi sao điện ảnh lớn một thời đã biến mất, cùng với ngành công nghiệp và thiết kế thời trang sáng tạo của nó.

Ông Alexander lưu ý “lễ trao giải Oscar năm nay sẽ diễn ra vào ngày 25/4 tới. Mặc dù đây là sự kiện lớn nhất trong làng giải trí, nhưng các đài truyền hình lớn của Hồng Kông sẽ không phát sóng do có một bộ phim tài liệu về phản đối của Hồng Kông, được đề cử giải Oscar”.

Bốn ngôi sao điện ảnh nam giới của Hồng Kông được mệnh danh là “bốn ông vua”. Hai trong số những ông vua này là Lương Triều Vỹ (Tony Leung) và Quách Phú Thành (Aaron Kwok), đã quay một bộ phim có tựa đề “Where the Wind Blows” [Nơi gió thổi]. Bộ phim kinh dị hình sự này nói về nạn tham nhũng khét tiếng của cảnh sát Hồng Kông trong những năm 1960. Ban đầu nó được lấy làm một trong những bộ phim khai mạc Liên hoan phim quốc tế sắp tới của Hồng Kông, nhưng đã bị hủy bỏ ba ngày trước khi phát hành.

Theo ông Alexander, công ty điện ảnh tuyên bố việc hủy bỏ là do “sự cố kỹ thuật”, nhưng vì bộ phim liên quan đến tham nhũng của cảnh sát và hoạt động ngầm, có tin đồn rằng Cục Điện ảnh Quốc gia Trung Quốc cần phải sửa đổi bộ phim trước khi có thể được công chiếu.

“Các bộ phim của Hồng Kông phải được Cục Điện ảnh Quốc gia, cơ quan kiểm duyệt chính của Ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc, xem xét và phê duyệt. Quá trình này giải thích cho sự suy giảm của ngành điện ảnh và truyền hình Hồng Kông trong những năm qua”, ông Alexander nhận xét.

Giống như Hồng Kông, Thượng Hải từng là nơi có nghề ca kịch rực rỡ nhất châu Á. Nhưng không có tự do sáng tạo thì không thể cho ra đời những câu chuyện hay tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.

Ông Alexander cho rằng “ngành công nghiệp điện ảnh Hồng Kông, nơi sản sinh ra nhiều tài tử điện ảnh và đạo diễn quốc tế, cũng gặp phải số phận tương tự. So với Thượng Hải, ‘cái chết’ của Hồng Kông có thể còn đau đớn hơn. Thượng Hải đột ngột tàn lụi trong khi sự sụp đổ của Hồng Kông đã từ từ kéo dài trong 2 thập kỷ qua. Không nghi ngờ gì rằng nó có liên quan đến việc chấm dứt quyền tự do ở Hồng Kông. Tự do ngôn luận và sáng tạo nghệ thuật và biểu đạt là chìa khóa để tạo ra những câu chuyện và nghệ thuật thú vị”.

Cuối cùng, kết thúc bài bình luận, ông Alezxander viết: “Thông qua việc buộc tội bảy nhà lãnh đạo dân chủ chính yếu này, ĐCSTQ đã giết chết quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông”.

Related posts