Duy Nghĩa
Hôm 5/4, tờ SCMP đăng bài viết của các tác giả Raissa Robles và Alan Robles, trong đó phân tích về lập trường cứng rắn của chính phủ Philippines trong tranh chấp tại Đá Ba Đầu, Biển Đông.
Các tác giả cho hay, trong một thông điệp gay gắt gửi đến Đại sứ quán Trung Quốc hôm thứ Hai (5/4), Manila cảnh báo họ sẽ phản đối ngoại giao hàng ngày vì các tàu dân quân hàng hải của Bắc Kinh tiếp tục hiện diện gần rạn san hô Đá Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ) ở Biển Đông.
Cảnh báo được đưa ra khi phụ tá của Tổng thống Duterte là ông Salvador Panelo tuyên bố vụ việc đang làm căng thẳng quan hệ và có thể “gây ra những hành động thù địch không mong muốn” giữa 2 quốc gia. Trong một tuyên bố, ông Salvador nêu rõ, “chúng ta có thể đàm phán về các vấn đề cùng quan tâm và cùng có lợi, nhưng đừng nhầm lẫn – chủ quyền của chúng ta là không thể thương lượng”.
Các tác giả cho rằng, “Các thông điệp này là thông điệp mới nhất trong một loạt các cuộc trao đổi gay gắt giữa các quan chức Philippines và Đại sứ quán Trung Quốc, có thể báo hiệu sự thay đổi quan điểm thân Bắc Kinh mà chính quyền Duterte đã vun đắp trong 5 năm qua”.
Hai tuần trước, Philippines tiết lộ có hơn 200 tàu Trung Quốc, bao gồm cả những tàu của lực lượng dân quân hàng hải, đã neo đậu gần rạn san hô Đá Ba Đầu từ đầu tháng 3/2021.
Theo cây bút của SCMP, “Các quan chức quốc phòng Philippines lo ngại Bắc Kinh sẽ lấy kết cấu bãi đá ngầm này và xây dựng một hòn đảo nhân tạo và sau đó là một căn cứ, như đã từng làm vào năm 2012 với bãi cạn Scarborough, một hòn đảo khác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines”.
Khẩu chiến xung quanh Đá Ba Đầu
Cuộc khẩu chiến bắt đầu vào thứ Bảy (3/4), khi Bộ trưởng quốc phòng Philippines Lorenzana kêu gọi các tàu dân quân hàng hải Trung Quốc hãy rời khỏi Đá Ba Đầu. Phớt lờ lời giải thích của Bắc Kinh rằng các con tàu đã trú ẩn khỏi thời tiết xấu, ông Lorenzana yêu cầu: “Hãy ra ngoài ngay”.
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tuyên bố các nhận xét là “khó hiểu”, và khẳng định rằng các tàu đang ở trong vùng biển của Trung Quốc.
“Vùng biển xung quanh ‘Ngưu Ách Tiêu’ đã là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc trong nhiều năm”, tuyên bố nêu rõ, sử dụng tên gọi của Bắc Kinh cho Rạn san hô Đá Ba Đầu.
Cuộc tranh cãi tiếp tục vào Chủ nhật (4/4), khi ông Lorenzana lên án “sự coi thường hoàn toàn luật pháp quốc tế của đại sứ quán Trung Quốc”.
Ngay hôm sau, vào ngày 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố rằng họ lên án mạnh mẽ mưu toan của Đại sứ quán Trung Quốc nhằm “công kích Bộ trưởng Quốc phòng” và mưu toan “thúc đẩy câu chuyện rõ ràng sai sự thật của những yêu cách phi pháp và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Tây Philippines”.
Tuyên bố của phía Philippines cáo buộc, việc Bắc Kinh tiếp tục triển khai tàu cho thấy “sự thiếu thiện chí trong các cuộc đàm phán đang diễn ra về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”, vì cả hai bên đã đồng ý duy trì hiện trạng trong khi đàm phán bộ quy tắc.
“Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc được nhắc nhở rằng họ là khách của chính phủ Philippines, và đã là khách thì phải luôn tuân thủ các nghi thức và tôn trọng các quan chức chính phủ Philippines”, Bộ ngoại giao Philippines nhấn mạnh.
Các tác giả cho rằng “những lời lẽ mạnh mẽ chứng tỏ chính phủ ông Duterte đã từ bỏ thái độ thân Trung Quốc. Tổng thống đã cố gắng vun đắp mối quan hệ thân thiết với đại sứ quán [Trung Quốc] ở Manila kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016”.
Vào năm 2018, Tổng thống Duterte nói ông “yêu mến” ông Tập Cận Bình vì “ông ấy hiểu vấn đề của tôi và ông ấy sẵn sàng giúp đỡ”. Năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) thậm chí đã sáng tác một bài hát để kỷ niệm mối quan hệ giữa 2 nước, mặc dù động thái đã bị người dân Philippines chỉ trích.
“Sự thay đổi giọng điệu trong tranh chấp Đá Ba Đầu đã giành được sự ủng hộ từ những người từng chỉ trích ông Duterte”, các tác giả lưu ý.
Lập trường cứng rắn được ủng hộ
Ông Lauro Baja, cựu đại diện thường trực của Philippines tại Liên Hợp Quốc nêu rõ, “đã đến lúc Bộ Ngoại giao phải đưa ra những tuyên bố như vậy”.
“Hiện Trung Quốc có một ý định thực sự trắng trợn đối với rạn san hô Julian Felipe, và đã đến lúc chúng ta cần vạch ra ranh giới”, ông Baja nói thêm, sử dụng tên của Manila cho rạn san hô Đá Ba Đầu.
“Nếu chúng ta không có bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào, thì [Bắc Kinh] sẽ chỉ nói rằng không có sự phản kháng nào từ chính phủ Philippines; Đó là hiện trạng của lễ hội tình yêu Duterte-Tập Cận Bình – và chẳng bao lâu nữa, họ sẽ đến Bãi Cỏ Rong”, ông Baja nhấn mạnh, đề cập đến một khu vực trong vùng EEZ của Philippines, nơi có nhiều dầu và khí đốt.
Liên minh đối lập mới “1Sambayan” (Một quốc gia), dẫn đầu bởi cựu ngoại trưởng Albert del Rosario, cựu thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio và cựu thanh tra viên Conchita Carpio-Morales – những người đều phản đối lập trường Biển Đông của ông Duterte – cũng ra mặt ủng hộ các quan chức Manila hôm thứ Hai (5/4).
“Chúng tôi trong 1Sambayan ủng hộ mạnh mẽ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana và Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jnr về lập trường cứng rắn và có nguyên tắc của họ trong việc bảo vệ lãnh thổ Philippines và các quyền chủ quyền ở Biển Tây Philippines trước sự xâm lấn của Trung Quốc”, nhóm này cho biết, sử dụng tên gọi của Manila cho vùng Nam Biển Đông.
Ông Baja nói, “những thông điệp như vậy từ các trợ lý của Manila là kết quả của ‘những tín hiệu từ Washington và Duterte’”.
Quan điểm của Mỹ
Theo các tác giả, nhận xét trên của ông Baja dựa trên những tuyên bố của phát ngôn viên Emily Horne của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ hôm 31/3, sau khi cố vấn an ninh quốc gia của ông Duterte là ông Hermogenes Esperon và người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan có cuộc điện đàm.
Bà Horne cho biết cả hai vị cố vấn đã “thảo luận về những mối quan ngại chung của mình về việc hàng loạt các tàu dân quân Hàng hải của Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc tại Đá Ba Đầu”.
Bà Horne cũng cho hay “ông Sullivan nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh Philippines của chúng tôi trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật pháp, và tái khẳng định khả năng áp dụng của Hiệp ước Phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines ở Biển Đông”.
“Cả hai quan chức sau đó đồng ý rằng hai đồng minh của hiệp ước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để ứng phó với các thách thức ở Biển Đông”, bà Horne thông báo.