Thiện Phong
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 5/4 đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị.
Đáp lại, ĐCSTQ có câu trả lời rằng [Nhật Bản],”đừng nên vươn tay quá xa”. Tuy nhiên, các nghị sĩ đa đảng của Nhật Bản đã ngay lập tức thành lập một tổ chức nhân quyền vào ngày 6/4, đồng thời cho biết họ sẽ quyết tâm thúc đẩy chính phủ Nhật Bản ban hành luật xử phạt các hành vi vi phạm nhân quyền, theo Sound Of Hope.
Nhật Bản không chỉ đưa ra các tuyên bố về vấn đề quốc phòng mà còn có quan điểm rõ ràng về vấn đề nhân quyền của ĐCSTQ, điều này đã thu hút sự chú ý từ các quốc gia trên thế giới. Mặc dù chưa cùng các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, nhưng Nhật Bản đang dần tỏ ra cứng rắn với vấn đề này.
Theo đó, ngày 6/4, tổ chức nhân quyền đa đảng của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp với hơn 50 thành viên của Thượng viện và Hạ viện. Mục tiêu của cuộc họp là ban hành luật cho phép trừng phạt những người và nhóm người có liên quan đến vi phạm nhân quyền.
Ông Gen Nakatani, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho biết, “Các vi phạm nhân quyền vẫn đang diễn ra nghiêm trọng ở Myanmar, Tân Cương và Hồng Kông và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Bây giờ là lúc quốc hội Nhật Bản phải hành động rồi”. Ngoài ra, liên minh các nghị sĩ cũng xác định sẽ nghiên cứu khả năng ban hành “Đạo luật trừng phạt vi phạm nhân quyền” tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Liên minh cũng tuyên bố sẽ nỗ lực thông qua một nghị quyết tại Quốc hội để kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi chính phủ Nhật Bản hợp tác với các nước khác để tích cực phát triển “ngoại giao nhân quyền”.
Đáp lại, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết vào ngày 6/4 rằng cần xem xét lại hướng phát triển chính sách ngoại giao nhân quyền của Nhật Bản để phù hợp với xu hướng của cộng đồng quốc tế.
Tháng trước, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh và Canada đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Kinh để chống lại cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang thiếu khung pháp lý để áp đặt các biện pháp trừng phạt. Điều này đã khiến các nhà lập pháp Nhật Bản kêu gọi chính phủ Nhật Bản lập tức hành động.
Đài Á Châu Tự Do,(RFA) dẫn lời Giáo sư Ngải Đại Vĩ thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, ở một mức độ nhất định, thái độ của Nhật Bản về vấn đề này là đáp lại tiếng nói của người dân trong nước. Bởi vì người dân Nhật Bản ngày càng trở nên tiêu cực đối với ĐCSTQ. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Tân Cương, cũng như vấn đề về Đài Loan và Biển Đông hiện nay.