Tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh: Bất khả thi?

Trọng Nghĩa

image.png
Ảnh tư liệu: Những người Tây Tạng lưu vong phản đối Thế Vận Hội Bắc Kinh với khẩu hiệu tiếng Anh “2002 Thế Vận Hội diệt chủng”. Ảnh chụp ngày 03/02/2021 tại Dharmsala (Ấn Độ). AP – Ashwini Bhatia

Được gợi lên từ nhiều tháng nay, vấn đề tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông 2022 đã nóng lên trở lại vào hôm qua, 06/04/2021 khi phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cho rằng Washington không loại trừ khả năng tham vấn với các đồng minh về việc này. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trong tình hình hiện nay, việc tẩy chay toàn bộ sự kiện thể thao thế giới này là điều không tưởng, thế nhưng có những khả năng tẩy chay cục bộ khác có thể làm được.

Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, dự trù khai mạc ngày 04/02/2022 mang ý nghĩa rất quan trọng đối với Trung Quốc, vì đây là lần đầu tiên mà nước này được quyền tổ chức Thế Vận Hội mùa đông, sau khi đã là nước chủ nhà của Thế Vận Hội mùa hè cũng ở Bắc Kinh vào năm 2008.

Khó thực hiện tẩy chay
Thế nhưng, sau những tiết lộ về chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà chính quyền Bắc Kinh tiến hành tại vùng Tân Cương – vốn đã bị nhiều người cáo buộc là tội ác diệt chủng – ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên kêu gọi trừng phạt Trung Quốc bằng một hành động biểu tượng là tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh.

Lời kêu gọi này đã được giới đấu tranh bảo vệ nhân quyền hưởng ứng nồng nhiệt, kể cả trong giới chính khách tại một số nước Phương Tây như Mỹ, Canada, hay Tây Âu. Tuy nhiên, chính quyền các nước cho đến nay vẫn thận trọng tránh né vấn đề, trong lúc giới thể thao đa phần không đồng ý.

Tháng 3 vừa qua, chính chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Thomas Bach đã nhận định rằng tẩy chay vừa không hiệu quả, vừa phi lý vì “tại sao lại trừng phạt các vận động viên từ đất nước của bạn nếu bạn có tranh chấp với chính phủ từ một quốc gia khác?”.

Trung Quốc dĩ nhiên đã cực lực phản đối ý định này, và đã để cho báo chí lớn tiếng đe dọa đáp trả những nước nào dám tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022. Ví dụ điển hình là một thông điệp Twitter ngày 07/02 vừa qua của ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, cho rằng “Trung Quốc sẽ trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ quốc gia nào dám làm theo lời kêu gọi tẩy chay”.

Đối với giới phân tích, phản ứng thận trọng của chính phủ các nước và thái độ bất đồng tình của các vận động viên khiến cho khả năng Thế Vận Hội Bắc Kinh bị tẩy chay như đối với Thế Vận Hội Matxcơva năm 1980 chẳng hạn, là điều khó có thể xẩy ra, nhất là khi Bắc Kinh không ngần ngại đe dọa trả đũa. Tuy vậy, một vài hình thức tẩy chay nhẹ nhàng hơn cũng có thể được tiến hành.

Tẩy chay ngoại giao
Trong một bài phân tích ngày 06/04, kênh truyền hình Mỹ CNBC đã trích dẫn một nghiên cứu gần đây của nhóm tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nêu bật ba kịch bản tẩy chay có thể xẩy ra mà nhiều xác suất hơn cả là động thái tẩy chay ngoại giao đến từ các nước Phương Tây.

Theo Eurasia, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất, với xác suất 60%, là các quốc gia Phương Tây, đi đầu là Mỹ, sẽ phối hợp với nhau để tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh về mặt ngoại giao, nghĩa là sẽ không cử đại diện, hay là chỉ cử đại diện cấp thấp đến Thế Vận Hội, đồng thời có những động thái biểu tượng nào khác để phân tán sự chú ý đến Trung Quốc trong tư cách chủ nhà Thế Vận Hội.

Trong kịch bản như vậy, có khả năng Canada, Anh, Úc và một số đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ là các nước tham gia. Còn ở châu Á, như đã từng được chúng minh cho đến nay, các đồng minh của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Ấn Độ sẽ tránh làm phật ý Trung Quốc do mối quan hệ địa chính trị và kinh tế với Bắc Kinh.

Tẩy chay thể thao và… kinh tế
Kịch bản thứ hai được nhóm Eurasia nêu lên là tẩy chay về mặt thể thao, một kịch bản rất cứng rắn chỉ có xác suất 30%. Trong trường hợp này, các nước có thể cấm vận động viên tham gia Thế Vận Hội Bắc Kinh 2022. Bên cạnh đó, các chính phủ có thể cấm khán giả, đài truyền hình cũng như các nhà tài trợ Mỹ tham gia các hoạt động Thế Vận Hội, một động thái đồng nghĩa với việc tẩy chay kinh tế.

Đối với Eurasia, kiểu tẩy chay này rất khó thực hiện và có nhiều khả năng kéo theo phản ứng trả đũa gay gắt hơn, thậm chí gây căng thẳng ngoại giao hay tẩy chay các thương hiệu phương Tây. Các đại tập đoàn có làm ăn với Trung Quốc chắc chắn sẽ vận động để chống kịch bản này.

Tẩy chay ngầm
Kịch bản thứ ba là tẩy chay ngầm. Đối với các nhà phân tích của Eurasia, đây là một kịch bản ít có khả năng xẩy ra nhất, xác suất chỉ là 10%, vì điều đó có nghĩa là căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc giảm bớt. Trong kịch bản này, phương Tây sẽ có những tuyên bố chính trị về Thế Vận Hội nhưng không có sự tẩy chay chính thức nào. Trong kịch bản như vậy, các nguyên thủ quốc gia có thể từ chối tham dự Thế Vận Hội, viện dẫn lịch trình không cho phép, hoặc các lý do phi chính trị khác. Sẽ không có tuyên bố tẩy chay nào được đưa ra.

Dẫu sao thì khả năng Mỹ tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông tại Bắc Kinh rất khó có thể xẩy ra, đặc biệt trong bối cảnh bộ Ngoại Giao Mỹ vào tối hôm qua, 06/04 đã gần như là cải chính tuyên bố trong ngày của phát ngôn viên Ned Price khi phủ nhận thông tin theo đó Washington sẽ cùng với các đồng minh xem xét khả năng này.

Theo kênh truyền hình CNBC, trong một tuyên bố qua email, một  quan chức cấp cao của bộ Ngoại Giao Mỹ xác định trở lại rằng Mỹ “chưa thảo luận và cũng sẽ không thảo luận về bất cứ ý tưởng tẩy chay nào cùng các đồng minh và đối tác”,

“Nên là Jesse Owens hơn là Liên Xô”
Theo CNBC, dù đang có một sự ủng hộ lưỡng đảng rộng rãi tại Mỹ về việc cần phải cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, thế những vấn đề tẩy chay Thế Vận Hội được cho là sẽ không có hiệu quả.

Một cựu quan chức cấp cao bộ Tài Chính Mỹ xin giấu tên cho rằng một động thái như vậy có thể bị coi là một “tuyên bố Chiến Tranh Lạnh” của Mỹ. Quan chức này cho rằng: “Tốt nhất là nên tới đó (tức là Thế Vận Hội Bắc Kinh) và giành thế thống tri. Hãy là Jesse Owens chứ đừng là Liên Xô năm 1984”.

Jesse Owens, một vận động viên chạy nước rút người Mỹ da đen, đã giành 4 huy chương vàng tại Thế Vận Hội mùa hè 1936 tại Berlin, còn Liên Xô thì đã tẩy chay Thế Vận Hội 1984 tại Los Angeles sau khi Mỹ làm điều tương tự với Thế Vận Hội 1980 ở Matxcơva.

Related posts