Hạ nhiệt căng thẳng giữa Liên Âu và Thổ Nhĩ Kỳ : Đường còn dài

Thanh Hà

image.png
Chủ tịch Ủy Bản Châu Âu Ursula von der Leyen đứng trong cuộc hội kiến với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (P), Ankara ngày 06/04/2021. Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel ngồi ghế trái. via REUTERS – EUROPEAN UNION

Sau một năm đầy sóng gió Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở ra một chương mới trong quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles cũng chủ trương đấu dịu với Ankara khi đã tránh trực tiếp đề cập đến vế nhân quyền trong cuộc hội đàm với tổng thống Erdogan. Động lực nào thúc đẩy đôi bên dịu giọng ? Cho dù Mỹ gây áp lực, việc khởi động lại quan hệ giữa Liên Âu với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bị sứt mẻ, không phải là dễ dàng.

Thứ Ba 06/04/2021, hai lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Hiệp Châu Âu, là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, sang tận Ankara hội đàm với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, với trọng tâm là xoa dịu quan hệ song phương vốn rất căng thẳng trong năm 2020.

Gần một năm sau khi điều tàu thăm dò tài nguyên đến vùng đông Địa Trung Hải, gây căng thẳng với nhiều thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đứng đầu là Hy Lạp, Chypre và cả Pháp, chính quyền Ankara đã dừng những hành động khiêu khích nói trên. Một số nhà ngoại giao châu Âu giải thích là tổng thống Erdogan đã « nhận thấy rằng Ankara cần có bạn », và khó có thể bền bỉ chống chọi với nhiều nước láng giềng cùng lúc. Trên thực tế, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã sa sút đáng kể từ trước và càng lún sâu vào khủng hoảng dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong lúc Liên Âu là một trong những đối tác quan trọng nhất của Ankara, bảo đảm đến 2/3 tổng đầu tư ngoại quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ (trong giai đoạn từ 2002 đến 2018).

Nhìn từ phía Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles thật sự khó xử với một nước láng giềng sát cạnh khá « cồng kềnh », nhất là khi Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ ngăn chận làn sóng gần 4 triệu người Syria đang tìm đường vào Liên Âu. Cho đến tận tháng 3 vừa qua, Liên Âu vẫn do dự giữa giải pháp « cứng rắn » hay « đấu dịu » với tổng thống Erdogan, nhưng rồi Bruxelles đã chọn giải pháp thứ nhì, vì hai lý do : thứ nhất tại Đức, đầu tầu của Liên Âu, thủ tướng Angela Merkel sắp từ giã chính trường và bà không muốn xảy ra thêm sóng gió với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này, đặc biệt là khi phía Ankara đã tỏ ra mềm mỏng hơn và đã nhượng bộ trên vấn đề thăm dò dầu khí ở đông Địa Trung Hải. Thứ hai, trên rất nhiều các vấn đề trong chính sách đối ngoại, Liên Âu không có cùng một tiếng nói. Nếu như Hy Lạp, Chypre và Pháp khó chịu trước những hoạt động thăm dò tài nguyên ở đông Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ, và Paris chủ trương « cứng rắn » với Ankara, thì Đức không muốn căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và lập trường của Đức lại được Tây Ban Nha và Ý ủng hộ.

Ngoài tính toán được thua của hai phía là Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu, cần nói thêm đến yếu tố Hoa Kỳ. Nhà Trắng đã đổi chủ vào tháng Giêng vừa qua. Tân tổng thống Mỹ, Joe Biden, chủ trương thắt chặt trở lại quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, từng bị người tiền nhiệm là Donald Trump chỉ trích, thử thách. Trong chiến lược đó, Thổ Nhĩ Kỳ là một mắt xích quan trọng và đó là một lợi thế không thể chối cãi mà tổng thống Erdogan đang nắm giữ. Trong một cuộc họp báo gần đây, ngoại trưởng Antony Blinken đã khẳng định lại Ankara là một « đồng minh quý giá » trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông và Washington không loại trừ khả năng yểm trợ trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Iran.

Ngần ấy những yếu tố có thể giải thích vì sao trong cuộc thảo luận trực tiếp với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, hai lãnh đạo châu Âu đều tránh đề cập trực tiếp đến hồ sơ nhân quyền. Cả chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen lẫn chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, đều chỉ mạnh mẽ nói đến những « giá trị phổ quát không mặc cả » một khi đã trở lại Bruxelles. Điều này đã khiến Liên Hiệp Châu Âu bị phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích mạnh mẽ là đã « làm ngơ » về vế nhân quyền, từ việc bịt miệng đối lập thân Kurdistan (HDP) đến chuyện Thổ Nhĩ Kỳ rút ra khỏi Công Ước Istanbul bảo vệ nữ quyền.

Dù vậy trước mắt, giới quan sát cho rằng Liên Hiệp Châu Âu đã « rón rén » khi cần đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Kinh nghiệm cho thấy « vì những lý do chính trị nội bộ, ông Erdogan sẽ không ngần ngại làm dấy lên căng thẳng với châu Âu ». Điều đáng quan ngại thứ hai là thái độ khó lường trước của tổng thống Erdogan. Điểm thứ ba là quan hệ giữa Bruxelles và Ankara khó nhanh chóng được sưởi ấm, do tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ biết rõ ông đang có nhiều lá chủ bài trong tay, từ vị trí chiến lược trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đến chìa khóa của chính sách nhập cư vào châu Âu. Recep Tayyip Erdogan biết khai thác những lợi thế đó trước một khối Liên Âu bị chia rẽ.

Đó là chưa kể đến một sự cố đáng tiếc mà truyền thông quốc tế đang gọi là vụ « Sofagate » : không biết cố ý hay vô tình về mặt lễ tân, khi nước chủ nhà chỉ dành một chiếc ghế để tiếp hai lãnh đạo châu Âu. Còn quá sớm để hy vọng Bruxelles và Ankara san bằng được những bất đồng qua một vài tuyên bố và một cuộc họp thượng đỉnh. Chưa thể kết luận rằng Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ sắp bước vào giai đoạn tan băng. 

Related posts