Hệ thống định vị Bắc Đẩu của TQ: Cơn ác mộng của thế giới

Thiện Phong

Hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. (Ảnh: youtube).

Hiện nay, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu được Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ca ngợi là vũ khí có sức mạnh khủng khiếp của đất nước. Sở dĩ như vậy, là bởi nó là công cụ gián điệp toàn cầu với khả năng định vị, dẫn đường có thời gian và độ chính xác cao. Tuy nhiên những nguy cơ tiềm ẩn đằng sau nó thì không phải ai cũng biết.

Đối với vấn đề này, tác giả Cổ Phong sẽ cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn trong bài phân tích đăng trên The Epochtimes.

Định vị vệ tinh là vũ khí giết người của chiến tranh hiện đại

Vào đầu những năm 1990, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã phát động Chiến tranh vùng Vịnh chống lại Iraq. Trong cuộc chiến này, trái với các phương pháp tác chiến truyền thống, Hoa Kỳ đã sử dụng lượng lớn vũ khí dẫn đường chính xác. Kết quả là, cuộc chiến kết thúc chỉ trong hơn 40 ngày, quân đội Mỹ đã chiến thắng với “cái giá phải trả” là 146 người chết và 467 người bị thương. Ngược lại, con số thương vong của quân Iraq bại trận lên tới 100.000 người.

Sau đó, Hoa Kỳ đã cho tiết lộ rằng, chiến thắng này có được là nhờ công nghệ mới – hệ thống định vị vệ tinh GPS mà Mỹ đã phát triển và xây dựng vào năm 1973. Trong trận chiến đó, Quân đội Mỹ đã dựa vào khả năng định vị và dẫn đường của GPS để cho phép các vũ khí dẫn đường tiếp cận mục tiêu với tỷ lệ trúng đích rất cao, cải thiện đáng kể hiệu quả chiến đấu.

Bắc Đẩu – Hệ thống định vị phức tạp của Trung Quốc

Để thoát khỏi những hạn chế từ hệ thống GPS của Mỹ, ĐCSTQ đã cho ra đời một hệ thống định vị vệ tinh phát triển trong 26 năm, với khoản đầu tư hơn 12 tỷ đô-la Mỹ và 55 vệ tinh được phóng liên tiếp lên quỹ đạo. Theo báo cáo của Tân Hoa Xã, hệ thống Bắc Đẩu này đã được phát triển bởi Bộ Tổng tham mưu Quân Giải phóng, Tổng cục Vũ trang Quân Giải phóng Nhân dân và các cơ quan khác.

Hệ thống định vị Bắc Đẩu là dự án hệ thống hàng không vũ trụ khổng lồ và phức tạp. Hoạt động phối hợp của mạng lưới trên không và dưới mặt đất liên quan đến việc giám sát và quản lý hàng chục hệ thống và hàng chục nghìn bộ thiết bị.

Theo các nhân viên kỹ thuật của Công ty TNHH Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, trung tâm quản lý và điều khiển hệ thống Bắc Đẩu-3 tương đương với một “bộ não” siêu thông minh.

Để đảm bảo việc phóng vệ tinh lên quỹ đạo thành công giúp vệ tinh Bắc Đẩu hoạt động ổn định, công ty này đã triển khai các radar mặt đất, trạm đo lường và điều khiển mặt đất, tàu đo đạc hàng hải và vệ tinh chuyển tiếp trên tất cả các hướng trên bộ, trên biển và trên không. Điều này tạo phạm vi toàn cầu về đo lường và kiểm soát Internet, cung cấp các dịch vụ trực tuyến để giám sát và kiểm soát không gian bất kỳ lúc nào.

Hiện nay, trên thế giới có 4 hệ thống dẫn đường chính là Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ, Hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, Hệ thống Galileo của Liên minh châu Âu và Bắc Đẩu của ĐCSTQ.

Tính đến lúc 9 giờ 43 phút sáng ngày 23/6/2020, vệ tinh nối mạng cuối cùng của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu-3 đã được phóng lên bầu trời. Khi các vệ tinh này đi vào quỹ đạo thành công thì hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu sẽ có 55 trạm vệ tinh được phóng vào không gian, trong khi định vị GPS chỉ có 24 vệ tinh.

Trung Quốc sử dụng GPS để thâm nhập thế giới

Vào ngày 29/11/2017, Ran Chengqi, Giám đốc Văn phòng Quản lý Hệ thống Định vị Vệ tinh Trung Quốc và David Turner, Phó Giám đốc Văn phòng Không gian và Công nghệ Tiên tiến của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã ký “Tuyên bố chung về khả năng tương thích và tương tác của Bắc Đẩu và Định vị GPS”.

Theo báo cáo, Bắc Đẩu và GPS có thể tương thích các tín hiệu và liên kết được với nhau. Trước đó, Trung Quốc và Nga cũng đã ký một thỏa thuận về khả năng tương thích và tương tác giữa hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu và hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga.

Ngoài ra, theo báo cáo của Hãng thông tấn Nikkei ngày 6/1/2020, Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến ​​”một vành đai một con đường” để thúc đẩy hệ thống định vị Bắc Đẩu. Trong số 137 quốc gia hợp tác với ĐCSTQ, có hơn 100 quốc gia sử dụng vệ tinh Bắc Đẩu, hầu hết là ở Đông Nam Á và châu Phi. Hơn 30 quốc gia ở Trung Đông, còn lại là Châu Phi và các khu vực khác. Nếu hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp ở các nước này, ĐCSTQ sẽ có lợi thế hơn trong việc giới thiệu công nghệ mới và sản phẩm mới.

Bắc Đẩu trở thành cơn ác mộng đối với các tài xế xe tải Trung Quốc

Vào 5/4 vừa qua, Kim Đức Cường, tài xế xe tải ở Hà Bắc, khi đi qua trạm kiểm soát ở quận Phong Nhuận, thành phố Đường Sơn, đã bị tạm giữ xe và phạt 2.000 nhân dân tệ vì ngắt định vị Bắc Đẩu. Sau đó, do không có tiền nộp phạt, và quá uất ức vì bị phạt vô cớ, anh đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn.

Camera và thiết bị Bắc Đẩu là những thiết bị phải có của xe tải. Nếu không lắp đặt hai công cụ này, xe tải sẽ không thể qua kiểm định hàng năm và không xin được giấy chứng nhận hoạt động.

Các tài xế không chỉ phải trả hơn 100 NDT chi phí cho hệ thống Bắc Đẩu mỗi tháng, mà còn phải bỏ ra 2.700 NDT để lắp đặt hệ thống giám sát video cho mỗi chiếc xe. Điều này quả thật là quá sức đối với họ.

Ngoài ra, theo Khoản 1 Điều 38 Các biện pháp giám sát và quản lý phương tiện vận tải đường bộ quy định: Bất kỳ ai phá hủy thiết bị định vị vệ tinh, gây nhiễu hoặc che chắn tín hiệu của thiết bị định một cách cố ý sẽ bị cơ quan quản lý giao thông đường bộ cấp quận trở lên yêu cầu sửa chữa và sẽ bị phạt từ 2.000 đến 5.000 nhân dân tệ, và xem xét các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Báo cáo Khảo sát về Tài xế xe tải tại Trung Quốc, ở nước này có tới 30 triệu tài xế xe tải chuyên chở, với 76% khối lượng vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc. Trong số đó, có rất nhiều địa phương, ban ngành có mức xử phạt khác nhau đối với tài xế xe tải vi phạm khiến tài xế rất hoang mang.

Hệ thống Bắc Đẩu giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội

Theo tờ Sina Military Report, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu còn có chức năng liên lạc. Với chức năng này, tổ chỉ huy quân đội có thể phát lệnh chiến đấu cho các đơn vị trực thuộc; đồng thời các đơn vị tác chiến tuyến đầu cũng có thể cung cấp lại tình hình chiến trường cho chỉ huy.

Mạng lưới truyền tải chỉ huy và thông tin tình báo được xây dựng thông qua hệ thống Bắc Đẩu này sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng về tình hình chiến trường và cải thiện đáng kể hiệu quả chiến đấu của quân đội Trung Quốc.

Li Zhengxiu, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Hệ thống Bắc Đẩu ổn định tất nhiên sẽ giúp ĐCSTQ tăng thêm tự tin. Ngoài ra họ có thể sử dụng nó để theo dõi và phát hiện các chuyển động của Quân đội Mỹ. Bởi đây chính là vệ tinh do thám, nếu Trung – Mỹ có xung đột về quân sự. Hệ thống này sẽ trở thành công cụ phụ trợ để ĐCSTQ theo dõi các động thái của quân đội Mỹ”.

Bắc Đẩu sẽ trở thành cơn ác mộng của thế giới

Theo báo cáo của NetEase (công ty công nghệ Internet của Trung Quốc) ngày 4/4/2021, Trung Quốc và Iran đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, hai nước sẽ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và quân sự trong tương lai.

Đối với mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Iran, Iran có khả năng sẽ sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu trong tương lai. Nếu Iran sử dụng hệ thống Bắc Đẩu, điều này sẽ là cơn ác mộng đối với nước Mỹ. Độ chính xác mà hệ thống định vị này mang lại có thể giúp Iran sử dụng tên lửa đạn đạo để tấn công tàu sân bay Mỹ, từ đó tình hình ở Trung Đông có thể sẽ đảo ngược.

Hiện Iran đã phát triển và trang bị một số loại tên lửa đạn đạo, trong đó tiêu biểu nhất là tên lửa loạt Meteor và dòng tên lửa chiến thuật Mushak. Theo thông tin Iran đưa ra, tầm bắn của tên lửa Meteor-3 đã đạt tới 1.500 km. Tên lửa Mushak-2 có tầm bắn hơn 2.000 km. Hai tên lửa này có thể tấn công hầu hết các quốc gia ở Trung Đông, cũng như các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, Ả Rập Xê Út và những nơi khác.

Theo Nhật báo Đông Á ngày 4/8/2014, đã có 19 chuyên gia từ 8 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương được đào tạo về công nghệ và ứng dụng của hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Triều Tiên đã thừa kế công nghệ định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc, nhiều khả năng họ sẽ sử dụng nó trong quân sự.

Nếu công nghệ này được sử dụng “ác ý” cho tên lửa hoặc máy bay không người lái tầm xa, chắc chắn nó sẽ trở thành cơn ác mộng cho cả thế giới.

Related posts