Dốc toàn lực uy hiếp Đài Loan: Áp lực đấu đá nội bộ ĐCSTQ sắp chạm điểm giới hạn

Vũ Dương

Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình (ảnh chụp màn hình Youtube kênh DKN.TV).

Theo phân tích của các học giả, việc ĐCSTQ thường xuyên đưa ra tín hiệu leo thang vũ lực tấn công Đài Loan thực chất chỉ là một chiến lược, ĐCSTQ rất rõ ràng rằng nếu tấn công Đài Loan, đó sẽ là lúc ĐCSTQ bị tiêu diệt, tức là “trận chiến đầu tiên cũng là trận chiến cuối cùng” của ĐCSTQ. Mục tiêu của ĐCSTQ vốn không phải Đài Loan.

Mấy năm trở lại đây, máy bay quân sự của ĐCSTQ thường xuyên quấy nhiễu Đài Loan. Đô đốc Philip Scot Davidson – Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố tại phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Hạ viện Hoa Kỳ rằng ĐCSTQ có thể tấn công Đài Loan trong 6 năm tới.

Áp lực nội bộ của ĐCSTQ đã gần đến điểm giới hạn

Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Epoch Times, ông Khâu Sư Nghi – giáo sư khoa Khoa học Chính trị của trường đại học Đông Hải nói rằng “mục tiêu của ĐCSTQ thực sự là nhằm vào Biển Đông, chứ không phải thống nhất Đài Loan”. Rất nhiều động thái của ĐCSTQ đều là để cho người dân Trung Quốc xem, bao gồm cả việc ra mắt “Luật Hải Cảnh” gần đây.

Ngoài ra, ông Khâu cho biết có một điểm đáng để quan sát, đó là “mỗi khi ĐCSTQ tung ra vũ lực quấy nhiễu Đài Loan với thế giới bên ngoài, đó cũng là lúc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ đang trong thời điểm gây cấn nhất”. 

Hiện tại, áp lực nội bộ của ĐCSTQ đã gần đến điểm giới hạn, ông Khâu đưa ra ví dụ, bao gồm việc tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại, chuỗi cung ứng bị cắt đứt, các ngành công nghệ cao bị Hoa Kỳ phong tỏa, nền kinh tế bị kìm hãm, khiến việc duy trì ổn định nội bộ của ĐCSTQ cũng khó có thể tiếp tục thêm được nữa. Nhất là Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đang đứng trước thách thức to lớn rằng ông có thể trụ vững sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 diễn ra vào năm 2022 và nghênh đón nhiệm kỳ tiếp theo một cách suôn sẻ hay không?

Những vấn đề này đã khiến thế lực chống Tập bên trong ĐCSTQ đã rục rịch muốn động, vậy nên ông Tập cần phải xử lý các vấn đề này trước rồi mới tính đến chuyện thảo luận xem ĐCSTQ còn có năng lượng trong việc thôn tính Đài Loan hay không?

Ông Khâu phân tích: “Khi nền kinh tế Trung Quốc ổn định, ĐCSTQ thường sẽ khá là lý tính trong vấn đề ngoại giao, khi nền kinh tế đi xuống nó sẽ áp dụng chính sách ngoại giao kiểu sói chiến. Đây là tập tính của ĐCSTQ, Nó sẽ đấu đá nội bộ trước, đấu đá xong rồi mới tiếp tục đấu ra bên ngoài. Nhìn từ chính sách ngoại giao kiểu sói chiến của ĐCSTQ trong cuộc đàm phán Mỹ-Trung ở Alaska gần đây, có thể thấy hiện tại hẳn là thời điểm sức mạnh quốc gia của ĐCSTQ yếu nhất trong 20 năm qua”.

Ông nói thẳng rằng ĐCSTQ càng quấy nhiễu Đài Loan, điều đó có nghĩa là áp lực đấu đá nội bộ của ĐCSTQ đang gia tăng nhanh chóng, sức mạnh quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Vậy nên mới cần chuyển dời trọng tâm sang chủ đề thống nhất Đài Loan bằng bạo lực.

Ngoại giao sói chiến cho thấy sức mạnh quốc gia của ĐCSTQ đang đi xuống

Ông Khâu phân tích thêm rằng trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã chuyển mối quan hệ  từ xoa dịu sang đáp trả mạnh mẽ về mặt kinh tế và quân sự đối với ĐCSTQ. Kết quả đã khiến ĐCSTQ lộ ra nhiều điểm yếu và bị mắc kẹt bởi khó khăn cả trong lẫn ngoài nước.

Bất kể là quấy rối Đài Loan cũng vậy, ban hành “Luật Hải Cảnh” cũng vậy, “Đây đều là ĐCSTQ thổi còi lúc nửa đêm để lấy thêm can đảm, trước tiên tìm cách xây dựng hình tượng duy trì ổn định trong nội bộ Trung Quốc”. Theo ông Khâu, ĐCSTQ cho rằng nếu muốn thoát khỏi tình cảnh khó khăn trước mắt, thì cách giải quyết tận gốc tốt nhất chính là làm suy yếu sức mạnh của Hoa Kỳ trên trường quốc tế, và Biển Đông là bước đột phá.

Ông tin rằng, theo quan điểm này, ĐCSTQ sẽ tuyệt đối không thể làm ra chuyện thống nhất Đài Loan trong sáu năm tới, bởi trong tình huống ĐCSTQ đang bị cả thế giới bao vây như hiện nay thật sự rất khó để tấn công Đài Loan. Ông nói thẳng rằng ĐCSTQ không dám tấn công Đài Loan, và một khi ĐCSTQ tấn công Đài Loan chính là lúc ĐCSTQ đứng bên bờ diệt vong.

Ông cũng cho rằng dẫu có như vậy thì Đài Loan cũng không nên lơ là phòng bị, mà vẫn cần phải tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. “Chỉ cần Đài Loan không sợ chiến tranh thì Đài Loan sẽ luôn an toàn”.

Related posts