Hoàng Nguyễn
“Trung Quốc đánh giá cao sự ủng hộ vững vàng của Hungary và những lời lẽ chân chính của nước Hung về Tân Cương và các vấn đề khác thể hiện lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, đó là đánh giá của Ngụy Phượng Hòa, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc với Tân Hoa Xã sau chuyến thăm xã giao Budapest cuối tháng 3/2021.
Điểm đặc biệt là hầu như các kênh truyền thông Nhà nước hoặc thân chính phủ Hungary nhất loạt không rò rỉ bất cứ thông tin gì cụ thể và đáng kể về chuyến đi này của vị thượng tướng, Trung ương Ủy viên kiêm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc. Ngay Hãng Thông tấn Quốc gia Hungary MTI cũng chỉ đăng tải vài tấm ảnh về cuộc hội đàm giữa ông Ngụy Phượng Hòa và tổng thống Áder János của Hung.
Nhiều khi, sự im lặng lại nói lên nhiều điều. Truyền thông độc lập của Hungary, do không được cung cấp những nguồn “chính thống”, buộc phải tìm xem báo chí Trung Quốc bình luận gì về chuyến công du. Mối quan hệ Hung – Trung, nằm trong tổng thể đường lối ngoại giao “Hướng Đông” mà nội các cánh hữu của thủ tướng Orbán Viktor duy trì từ hơn 10 năm nay, có khá nhiều điểm đáng để tâm.
Chuyến công du âm thầm
Người quan tâm dù có bỏ công tìm kiếm đi nữa, cũng khó làm sao tìm được thông tin về chuyến thăm Budapest của bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa, diễn ra vào hôm 24/3 vừa qua. Cho dù, Trung Quốc có lẽ là quốc gia mà Hungary có sự gắn bó mật thiết nhất trong hồ sơ dịch bệnh Covid-19 từ hơn 1 năm nay: chính giới Hungary không giấu giếm niềm tự hào về mối quan hệ với Bắc Kinh.
Chính phủ Hungary nhắc đi nhắc lại nhiều lần về thành công của cái gọi là “cầu hàng không Hung – Trung”, khiến Hungary nhập được vô số khẩu trang và hàng núi máy trợ thở với giá “trên trời” (rồi bó chiếu nằm đó, không dùng đến, bán lại rẻ hơn giá mua cũng không ai cần). “vac-xin Phương Đông” từ Trung Quốc với 5 triệu liều, nhiều hơn bất cứ loại vac-xin nào khác, cũng được kể lể hàng ngày.
Với Hungary, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng thứ 10 trên thế giới, và đứng đầu trong số các quốc gia ngoài Liên Âu. Bên cạnh quan hệ làm ăn, Hungary nói rằng họ cũng coi trọng sự thắt chặt quan hệ về quân sự, khởi đầu với chuyến công du Bắc Kinh của bộ trưởng Quốc Phòng Hungary Benkő Tibor cuối tháng 11/2019, nhân 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong chuyến thăm xã giao hồi đáp vừa rồi, Tân Hoa Xã cho hay ông Ngụy Phượng Hòa nhấn mạnh rằng “Trung Quốc sẵn sàng mở rộng và tăng cường hợp tác quân sự với Hungary nhằm đưa quan hệ quân sự giữa hai nước lên một tầm cao mới”. Tuyên bố này được đưa ra trong khi Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Bruxelles, nơi Trung Quốc cũng xuất hiện trong chương trình nghị sự.
Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với Liên Âu để chống lại các hành động gây hấn của Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại là khẳng định của vị ngoại trưởng Mỹ gốc Hungary, Antony Blinken, tại Bruxelles sau cuộc họp với các ngoại trưởng NATO. Riêng Hoa Kỳ, riêng châu Âu không thể có hành động thực chất chống lại Trung Quốc trong bình diện thương mại, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.
Những sự kiện và phát biểu diễn ra gần như đồng thời ấy khiến người quan sát bắt buộc phải đặt câu hỏi về Hungary, có thể là một “con ngựa gỗ thành Troy” xét về nhiều mặt – kinh tế, chính trị và cả an ninh – trong cuộc chiến giữa phương Tây và Trung Quốc? Đã từ lâu, Budapest là một thành viên “bất trị” trong Liên Âu, với đường lối nhiều khi thù địch rõ rệt với Bruxelles, vậy với Bắc Kinh thì sao?
“Con ngựa gỗ thành Troy”?
Chuyến công du Budapest của bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh không thể tệ hơn: sau hơn 30 năm, Liên Âu đã nhất trí trừng phạt một số quan chức Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Nhiều quan chức Trung Quốc bị liệt vào “danh sách đen” – gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản – vì hành vi ngược đãi và vi phạm quyền con người nhắm vào sắc dân Duy Ngô Nhĩ.
Kể từ vụ cấm vận vũ khí năm 1989, đây là biện pháp trừng phạt đầu tiên được Liên Âu áp dụng với Bắc Kinh và cho dù chủ yếu mang tính biểu tượng, nó đánh dấu sự cứng rắn hơn trong đường lối của Liên Âu với Trung Quốc. Bắc Kinh lập tức “trả đũa”, tuyên bố nếu Bruxelles “dám” đối đầu, Trung Quốc “chỉ còn cách theo đến cùng” và một dân biểu Nghị Viện Châu Âu người Hungary, bà Cseh Katalin, đã bị “cấm cửa”.
Trong hoàn cảnh như vậy, ông Ngụy Phượng Hòa trên đường tới hội đàm với giới lãnh đạo Hungary, phải đi qua quận 1, Budapest, nơi chính quyền địa phương đã giăng cờ Tây Tạng và biểu ngữ bày tỏ tình đoàn kết và phản đối sự đàn áp người Ngô Duy Nhĩ của Trung Nam Hải, theo đúng tinh thần và những giá trị truyền thống của châu Âu. Tuy nhiên, đại diện ngoại giao Hungary thì lại có quan điểm khác.
“Hungary coi việc Liên Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với người Trung Quốc là đặc biệt vô nghĩa và có hại”, “các biện pháp trừng phạt gần đây của Liên Âu là cực kỳ nguy hiểm, vì chúng sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến hợp tác giữa Liên Âu và Trung Quốc, mặc dù nếu hợp tác có thể được đặt trên cơ sở hợp lý, Liên Âu có thể được hưởng lợi nhiều từ nó”, theo nhận định của bộ trưởng Ngoại Giao Szijjártó Péter.
Để có được tuyên bố này, liên minh cầm quyền cánh hữu – mà chủ chốt là Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ – đã có một sự quay ngoắt 180 độ vào năm 2010, khi lần thứ hai ông Orbán Viktor lên nắm quyền. Trước đó, FIDESZ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và Tây Tạng, và phê phán các nội các Xã Hội không đưa những hồ sơ đó lên bàn nghị sự các cuộc gặp cấp Nhà nước.
Sau khi FIDESZ đặt quan hệ chính thức với đảng Cộng Sản Trung Quốc, mọi phê phán nhằm vào Bắc Kinh chấm dứt hẳn, Trung Quốc trở thành quốc gia quan trọng trong đường lối ngoại giao “Hướng Đông” của chính quyền Hungary, những cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo đôi bên diễn ra thường xuyên. Hungary vô hình chung là đối tác chiến lược, là cửa ngõ của Trung Quốc ở vùng Đông – Trung Âu.
Những vụ việc mờ ám về hiệu quả
Thoạt nhìn, có thể cảm giác đường lối ngoại giao của nội các Orbán Viktor với Trung Quốc đi theo hướng thực tiễn, “cùng có lợi”, có cái gì giống của Đặng Tiểu Bình, bất luận mèo trắng hay đen, miễn có lợi. Hungary như thế không bị phụ thuộc vào ai, độc lập với cả Bruxelles, và điều này cũng được Budapest thể hiện trong hồ sơ Covid-19, khi nước này mua đủ loại vac-xin, không bó hẹp trong khuôn khổ Liên Âu.
Mối quan hệ chính trị và thương mại giữa Hungary và Trung Quốc trong 10 năm qua, ở bề nổi là vậy. Nhưng theo phe đối lập và báo chí độc lập của nước này, đó là một quan hệ có hại về chính trị vì nó xa rời những giá trị căn bản của châu Âu, và hại cả về mặt kinh tế vì nước Hung không có lợi lộc gì trong những vụ việc “khủng” với Trung Quốc, mà cùng lắm chỉ có lợi cho các tập đoàn lợi ích thân chính phủ.
Đây cũng là đặc thù của mối quan hệ giữa Budapest và Matxcơva, một thành viên trụ cột khác của chính sách “Hướng Đông”. Điểm chung của các hợp đồng giữa Hungary với Nga và Trung Quốc là thiếu vắng sự minh bạch, hoàn toàn có thể để ngỏ cho sự tham nhũng tầm Nhà nước, và rất bất lợi cho nước Hung. Một ví dụ thường được nêu là tuyến đường sắt Budapest – Belgrade với nguồn tín dụng Trung Quốc.
Không chạy qua những thành phố lớn đáng kể của Hungary, tuyến đường sắt này được xem như phù hợp với chính sách “Nhất đới – Nhất lộ” (Một vành đai – Một con đường) của Trung Quốc và do đó, khiến Bruxelles phải chau mày. Nhưng điểm chính là nó hoàn toàn bất lợi cho Hungary vì gần như không có chỗ cho các doanh nghiệp và nhân công Hung, và theo tính toán phải… 2.400 năm Hungary mới hòa vốn!
Dự định sẽ hoàn tất vào năm 2023, các số liệu về dự án “khủng” này đều bị mật hóa. Sau chuyến thăm Budapest tháng 11/2017 của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thủ tướng Hungary Orbán Viktor trong một cuộc trả lời phỏng vấn đã nói thẳng rằng việc bao giờ lấy lại được vốn đầu tư – vay của Eximbank (Trung Quốc) – chỉ là vấn đề thứ yếu, “bởi vì điều quan trọng đối với đất nước là tuyến đường sắt này đi qua Hung”.
Những dự án khổng lồ như thế này, đương nhiên có sự góp mặt của những cá nhân và doanh nghiệp “sân sau” của chính quyền, và do đó dù không có lợi gì cho nước Hung, cũng có thể hiểu được lý do tồn tại của chúng. Có điều, sự nguy hiểm tiềm ẩn là ở chỗ thông qua một số thương vụ như vậy, Trung Quốc có thể thực hiện được những lợi ích về kinh tế, chính trị và ảnh hưởng của họ một cách hợp pháp tại Liên Âu.
“Ánh sáng buổi sớm” của Trung Quốc tại châu Âu
Sự quan ngại nói trên cũng được công luận Hungary đặt vào một trong những dự án lớn nhất của nền giáo dục đại học Hung trong vòng mấy chục năm qua: nước này chuẩn bị cho xây chi nhánh của Đại học Phục Đán – Thượng Hải tại Budapest với tổng đầu tư hơn 1,5 tỷ euro, chủ yếu là tín dụng Trung Quốc, và sẽ được khởi công bởi một tập đoàn quốc doanh Trung Quốc khét tiếng tham nhũng và gián điệp.
Được xem như một dự án Trung Quốc, đây là cơ sở đầu tiên tại Liên Âu của một trong những đại học hàng đầu của Trung Quốc, năm 2021 được xếp hạng 34 trong số các đại học xuất sắc nhất thế giới. Hungary bỏ ra khoản đầu tư bằng kinh phí cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học năm 2019, và hàng vạn sinh viên Hung sẽ mất đi các khu học xá hiện đại trong khuôn khổ dự án Thành phố Sinh viên Budapest.
Sự hiện diện của một “siêu đại học” tầm quốc tế tại Hungary xét về mặt hợp tác giáo dục không nhất thiết là dở, theo các phân tích. Trên nguyên tắc, nó có thể giúp sinh viên Hung có điều kiện tiếp cận những công cụ giáo dục hiện đại, làm tăng tính cạnh tranh trong môi trường giáo dục Hung, v.v… Về căn bản, Đại học Phục Đán – Hungary có thể thế chân Đại học Trung Âu mà nước này đã vô hiệu hóa sự hoạt động.
Tuy nhiên, điều tra của báo chí độc lập Hungary cũng chỉ ra nhiều điểm đáng quan ngại, tập trung ở khía cạnh “Trung Quốc bành trướng bằng tiền của Hung”. Không chỉ là một đại học “tinh hoa”, Phục Đán còn là công cụ gây ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc như một thứ “quyền lực mềm”. Hiến chương Phục Đán, phần về tự do tư tưởng và nghiên cứu, năm 2019 đã bị thay bằng lời thề trung thành với đảng Cộng Sản.
Bên cạnh đó, tập đoàn quốc doanh độc quyền xây dựng chi nhánh ở Budapest cũng được giới thiệu như “một tác nhân quan trọng” của “Một vành đai – Một con đường”, và đây cũng sẽ là dịp để họ đưa công nhân Trung Quốc qua châu Âu thi công. Vốn bị coi là một ổ tham nhũng và từng có hoạt động gián điệp tại châu Phi, doanh nghiệp này dã bị bộ Quốc Phòng Mỹ cho vào “sổ đen”, như yếu tố ảnh hưởng đến an ninh.
“Ánh sáng buổi sớm trở lại” là ý nghĩa của cái tên Phục Đán, nhưng ngoài giáo dục, đại học này còn hợp tác với tình báo Trung Quốc, vận hành cơ sở đào tạo gián điệp riêng và trên tư cách một trung tâm đào tạo giới tinh hoa của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tối thiểu 1/4 số giảng viên và sinh viên của trường là đảng viên Cộng Sản. Không chắc Bruxelles muốn có một chỗ trú chân như thế của Trung Quốc ngay giữa lòng Liên Âu.