Vị đắng trong dấu chấm hết sau 20 năm chiến tranh Afghanistan

Thanh Hà

image.png
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan, Washington, ngày 14/04/2021. AP – Andrew Harnik

« Đã đến lúc chấm dứt một cuộc chiến không có hồi kết », Joe Biden nhấn mạnh điều này trong bài diễn văn hôm 14/04/2021 và hứa không để thêm một đời tổng thống thứ năm phải bị chia trí về Afghanistan. Các phí tổn chiến tranh cùng với các khoản viện trợ nhân đạo tính tới nay lên tới gần 1.000 tỷ đô la.

Về thiệt hại nhân mạng, trong 20 năm qua, hơn 4.200 công dân Mỹ, trong đó bao gồm các quân nhân và thường dân cộng tác với quân đội Hoa Kỳ chết tại Afghanistan. Nhìn rộng ra hơn, 20 năm chiến tranh tại quốc gia Nam Á này là một thảm họa nhân đạo : 165.000 người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời chỗ ở và hàng chục ngàn người bỏ xứ ra đi.

Năm 2001, vài ngày sau loạt khủng bố 11 tháng 9 nhắm vào cùng lúc Tháp Đôi ở New York, vào Lầu Năm Góc – trụ sở Bộ Quốc Phòng Mỹ, và một chiếc máy bay thứ tư rơi tại bang Pennsylvania trước khi nhắm trúng mục tiêu, chính quyền Bush quyết định đưa quân sang Afghanistan, sào huyệt của trùm khủng bố Al Qaeda. Và cũng chính từ quốc gia Nam Á này, Ben Laden đã lên kế hoạch tấn công nước Mỹ. Đó cũng là nơi quân Taliban, điểm tựa của Ben Laden, đang hoành hành. Chiến tranh Afghanistan khai mào.

Hai thập niên sau, Taliban vẫn tồn tại, Afghanistan vẫn triền miên trong « thế yếu » cả về chính trị lẫn quân sự. Trong khi đó, các phí tổn cả về tài chính lẫn nhân mạng về phía Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên thêm. Đó là động lực thúc đẩy chính quyền Trump từ năm ngoái đàm phán trực tiếp với quân Taliban để vãn hồi hòa bình cho Afghanistan : Washington khi đó đã cam kết rút hết lính Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 01/05/2021, đổi lại Taliban chia sẻ quyền lực với chính quyền ở Kabul do Hoa Kỳ dựng lên.

Nhưng Nhà Trắng đã đổi chủ, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020. Tiến trình chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cộng sự của Trump và Biden đã « bế tắc » cho đến tận ngày tổng thống Mỹ thứ 46 nhậm chức. Tân chính phủ Mỹ giải thích đó là lý do vì sao Washington cần thêm thời gian để « đưa các quân nhân trở về nhà ».

Chưa đầy một trăm ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tổng thống Joe Biden đưa ra một quyết định quan trọng : sang trang chiến tranh Afghanistan.

Trong lịch sử quân sự quốc tế, Afghanistan là biểu tượng của một sự thất bại. Bởi có lúc Hoa Kỳ đã điều đến 100.000 quân tới vùng đất xa xôi này, và cùng với hàng chục ngàn binh lính trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương – NATO – mà vẫn không tiêu diệt được quân Taliban. Về mục tiêu xóa sổ sào huyệt khủng bố đe dọa an ninh Hoa Kỳ tại Afghanistan, giới phân tích ghi nhận « Pakistan đã thay thế Afghansitan » để trở thành địa bàn hoạt động của các tổ chức khủng bố. Nói cách khác, Mỹ nói riêng, thế giới nói chung ngày nay « không an toàn hơn so với hồi 2001 ». Chỉ biết rằng, 19 năm sau đợt tấn công đầu tiên nhắm vào Afghanistan, Washington đã chấp nhận đàm phán trực tiếp với đại diện của quân Hồi Giáo cực đoan, từng tàn sát chính người dân Afghanistan.

Về mặt chính trị, Afghanistan là một thất bại kép của Hoa Kỳ. Một là thất bại với công luận trong nước, bất bình trước việc số quân nhân thiệt mạng tăng dần. Nhưng thất bại thứ nhì còn đau đớn hơn, khi mà Taliban sau ngót hai thập niên trong cuộc nội chiến đã trở thành một lực lượng trên bàn cờ chính trị Afghanistan. Giờ đây « nhân danh Hồi Giáo », Taliban đòi chia sẻ quyền lực với chính quyền dân sự trong tay tổng thống Ashraf Ghani. Bản thân chính trị gia này không mấy hào hứng khi bị Washington ép buộc để cho quân Taliban tham gia đời sống chính trị ở Kabul.

Vai trò của Taliban trong đời sống chính trị tại Afghanistan, một khi Mỹ đã rút lui, chính là liều thuốc đắng mà gần 40 triệu dân Afghanistan, đặc biệt là nữ giới, sẽ phải nhận lấy sau hai thập niên gian khổ vì chiến tranh. Phụ nữ Afghanistan vẫn chưa quên rằng họ đã bị quân Taliban đọa đầy đến nhường nào, những quyền cơ bản của con người như quyền được cắp sách đến trường từng bị chối bỏ.

Khi thông báo rút quân vào đầu tháng 9 này, liệu rằng tổng thống Biden có bảo đảm cho người dân Afghanistan tránh khỏi cơn ác mộng đầu những năm 2000 hay không ?

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi, sau hai thất bại về quân sự và chính trị trong cuộc chiến Afghanistan (2001-2021), nước Mỹ của Joe Biden có tránh được một thất bại thứ ba, một khi Hoa Kỳ rũ áo ra đi để phó mặc số phận người dân xứ này cho quân Taliban ? Nhìn tấm gương của Irak, khó có thể lạc quan về tương lai Afghanistan trong những năm tháng sắp tới.

Related posts