Du Uyên
Một người bạn tôi nói: Người Pháp đến đâu, nơi đó sẽ có nhà thờ, bưu điện và bánh croissant… Người Anh đi đến đâu, nơi đó sẽ có bộ Hiến Pháp và các trường Đại học… Người Mỹ đi đến đâu, nơi đó sẽ có những con đường và sân bay… Người Trung Quốc đi đến đâu, nơi đó sẽ có phố tàu, có rác, có ô nhiễm, có dự án khai thác tài nguyên, có những công trình không bao giờ xong… và những đứa trẻ vứt đi.
- Duyên
Hồi xưa, mỗi lần nghe ai đó nói “vạn sự tùy Duyên”, tôi vui lắm. Nhưng sau này, tôi nhận ra nếu “vạn sự tùy Duyên” thì xã hội này rất mau “banh chành”, nên tôi đỡ vui lắm rồi. Một phần vì Duyên là tên của tôi.
Một phần vì duyên cũng có duyên này duyên kia, như cư dân mạng VN chia ra hai loại “duyên lành” và “nghiệp duyên” vậy. Một ví dụ thực tế cho hai chữ “duyên lành” chắc chắn là… tôi rồi. Còn duyên lành… ít dữ nhiều, phải kể đến “mối liên hệ” giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong 50 năm trở lại, hai bên đã có những cột mốc thời gian khó quên sau:
– Hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam Cộng Hòa với Trung Quốc: 19-1-1974
– Chiến tranh biên giới phía Bắc: 17-2-1979
– Thảm sát Gạc Ma ở Trường Sa: 14-3-1988
– Hạ giàn khoan Hải Dương-981: 1-5-2014
– Cúm Tàu: 1-2020
– Cuộc chiến về “đường lưỡi bò” được Trung Quốc vẽ lên bản đồ Biển Ðông kéo dài nhiều thập kỷ nay, vẫn đang tiếp tục…
Những tưởng nhiêu đó đã đủ chứng minh mối “duyên” giữa hai nước “láng giềng tốt, anh em tốt” trên là lành hay nghiệp, nhưng không. Ngoài hai chế độ qua, không biết bao xương máu ông cha Việt Nam đã đổ vì “xích mích” với Tàu cả ngàn năm, vì Tàu đã không ngừng dồn ép, kiếm cớ thôn tính nước Việt. Sau từng đợt máu đổ, sự ghét bỏ, đề phòng mà dân hai nước “trao” nhau càng nhiều. Ðó không còn là những suy tính chủ quan của cá nhân nữa, mà còn là “phản xạ” vô điều kiện của ý thức hệ. Dân Trung Quốc từ nhỏ đã được dạy dỗ rằng Việt Nam từng là một chư hầu “khó dạy” của Trung Quốc. Còn dân Việt Nam thì biết sự “độc hại” của Trung Quốc không chỉ từ các cuộc chiến của lịch sử, mà còn là những điều/thứ giả dối, xấu xa, độc hại mà Trung Quốc “phát tán” ra khắp thế giới không ngừng nghỉ bao lâu nay và sắp tới nữa…
Những tưởng, khi tiếp cận được với môi trường internet rộng rãi, đa chiều. Giới trẻ Việt sẽ càng ghét “mộng bá quyền”, sự độc tài của Trung Quốc hơn, học tập giới trẻ các nước phát triển để càng phát triển hơn, không còn tiếp tục để bản thân bị tích Tàu “tẩy não”. Nhưng không, trong khi dân Trung Quốc vẫn ghét bỏ và khinh thường Việt Nam vì sự hèn yếu ngày càng “tăng đô” của chính quyền và nhân dân Việt, thua xa ông cha xưa. Thì một số đông giới trẻ Việt Nam đã tự xúc phạm bản thân, hủy hoại tôn nghiêm ít ỏi của dân tộc vì nhân nhượng, thậm chí là ủng hộ cho sự ghét bỏ và khinh thường của Trung Quốc đối với VN.
2. Nguyễn Trần Trung… Quốc
Hồi 2016, gần như toàn bộ các tài tử Trung Quốc đều đã share hình ảnh/bài viết ủng hộ “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Ðông. Không biết có bị ép buộc từ chính quyền Trung Quốc hay không, nhưng cho dù họ tự nguyện thì suy cho cùng những tài tử này chẳng sai (dù rất khó chấp nhận đối với các nước có biển, đảo ở Biển Ðông bị “đường lưỡi bò” của Trung Quốc “nuốt trọn”, trong đó có Việt Nam). Vì việc họ làm, họ tin rằng tốt cho đất nước họ (mở rộng chủ quyền đất nước). Họ có bản sắc và sự gắn kết dân tộc. Còn dân ta, tài tử nước ta thì sao?
Ðiều đáng nói là dù cộng đồng mạng Việt Nam lúc đó cũng đồng loạt tỏ vẻ đau đớn vì trong số những người share “đường lưỡi bò”, có nhiều tài tử mà họ hết lòng yêu mến. Những tưởng đau lòng xong dân mình hết mến yêu mấy nghệ sĩ đó, vì không coi một vài bộ phim Tàu thì cũng không có sao, mà mất đất nước, mất biển, đảo, chủ quyền vô tay Tàu thì có sao thiệt. Nhưng không, lâu lâu tôi đọc báo lại nhận được tin “fan” Việt quyên góp hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho nghệ sĩ nào đó của Trung Quốc. Như mới đây, tài tử Lưu Vũ của Trung Quốc, một người từng share bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” phi pháp, với khẳng định “Trung Quốc – một phân cũng không thể thiếu”. Vừa được các “fan tại Việt Nam” quyên góp 36,600 tệ (tương đương khoảng 130 triệu đồng Việt Nam). Hoặc không ít “fan” Việt Nam quyên góp hơn 600 triệu VNđồng để hỗ trợ, bình chọn cho tài tử Triệu Tiểu Ðường của Trung Quốc, một người chưa có tiếng tăm gì. Hay năm rồi, dù không ít bài viết kêu gọi tẩy chay phim Mulan vì sự góp mặt của Lưu Diệc Phi – một tài tử nổi tiếng của Trung Quốc, có share “đường lưỡi bò”, cô còn kèm theo lời hăm dọa: “Ðộng tới Trung Hoa, gần xa cũng giết”. Nhưng phim này vẫn đạt doanh số rất cao ở thị trường Việt, dù đa số bình luận đều cho rằng phim này không hay… Chẳng những vậy, trên một số đông diễn đàn Việt, nói xấu Mỹ thì rất được, nhưng nói thật về Trung Quốc thì bạn sẽ bị không ít “đồng hương” vào mắng chửi, khép tội “phản động”, “bợ mông Mỹ đế”.
Không những “fan”, mà vài nghệ sĩ Việt cũng không chịu thua kém về độ hèn, độ dốt. Như một tài tử trẻ được nhiều người đặt tên là Nguyễn Trần Trung… Quốc (tên thật anh ta là Nguyễn Trần Trung Quân). Ðây là một ca sĩ hay làm các MV ca nhạc theo kiểu cổ trang Trung Quốc
Năm 2019, Nguyễn Trần Trung Quân liên tục bị dư luận chỉ trích vì xóa bài đăng cũ về việc phản đối “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Cộng, ngoài ra, anh chàng này còn khuyên “fan” của mình không nói về “đường lưỡi bò”, gây bất lợi cho con đường lấy lòng “fan” từ Trung Quốc của anh ta. Ðây được cho là hành động đánh đổi lòng tự tôn dân tộc chỉ để bợ đỡ “fan” Trung Quốc, để bảo vệ hình ảnh của mình tại thị trường tỷ dân màu mỡ, dẫu hình ảnh đó méo mó tại nơi chàng ta sanh ra, lớn lên, đang phát triển sự nghiệp. Anh chàng này còn cho rằng có ai đó đã “lợi dụng nghệ thuật hoặc nâng cao quan điểm để phục vụ mưu đồ chính trị, chia rẽ giữa Quân với người hâm mộ trong nước”. Sau phát biểu này, anh ta cũng nhận khá nhiều “gạch đá” từ dư luận Việt Nam. Tôi cũng góp một… cục.
Thật lạ lùng, dù bị phản đối như vậy, nhưng đến tận bây giờ (tháng 4-2021) anh chàng này vẫn sống với nghề ca sĩ. MV mới ra của anh ta – với kiểu cách cổ trang Trung Quốc – vẫn có lượng người xem đông đảo… Vậy mới hay, Việt Nam đâu phải chỉ có một Nguyễn Trần Trung Quốc, mà có hàng ngàn, hàng triệu Nguyễn Trần Trung Quốc khác…
3. Hổ phụ sanh hổ… thẹn
Có một đoạn trả lời phỏng vấn của nhà văn Thụy Khê với tạp chí Văn Việt, tôi đọc rất thích, xin trích ra đây:
“Khi người Pháp chiếm được nước ta, họ tự hào là đã chiếm được một cường quốc vào bậc nhất ở Châu Á. Tôi không tin là Doumer hay Gosselin viết xạo điều này. Vậy ta thử tìm hiểu tại sao?
Tại vì vua Gia Long làm việc suốt ngày, đêm chỉ ngủ 6 tiếng, ăn cơm với cá mắm, xắn tay đào hố, đắp thành cùng với tướng sĩ.
Tại vì vua Minh Mạng mua cân đường, cân nhãn cũng ghi vào Hội điển. Tại vì vua Tự Ðức tôn trọng sự phân quyền giữa hành pháp và tư pháp: khi bộ hình đã xử án, vua cũng không dám can thiệp.
Tại vì những người trong hoàng gia không được phép giao du mật thiết với các quan, tránh sự đút lót, lạm quyền.
Tại vì anh, em, cha, con không được làm quan cùng một chỗ, tránh sự thông đồng.
Tại vì những đại thần như Nguyễn Tri Phương, khi thắng trận, được vua ban cho một bài thơ hay một chiếc áo gấm, khi thua trận bị xuống chức, bị luận tội nặng nề…
Khi ta thấy những người như Trịnh Hoài Ðức, Nguyễn Tri Phương, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu… một đời hy sinh cho đất nước mà không có được một ngôi nhà khang trang để ở, thì hẳn ta phải ngần ngại khi muốn làm đại gia vì cha chú ta là những Ðại Thần.
Khi ta tìm trong bộ sách đồ sộ nhiều nghìn trang của các sử gia triều Nguyễn, mà không nhặt ra được một hàng tâng bốc nhà vua, thì ta phải nghĩ lại, khi viết những điều xu nịnh, trong những trang được gọi là lịch sử.
Khi quân Tầu chiếm Hoàng Sa, thì ta phải chạnh lòng nhớ đến chúa Nguyễn đã tạo đội Hoàng Sa, để giữ quần đảo Hoàng Sa, đội Bắc Hải để kiểm soát Trường Sa, Côn Lôn, Phú Quốc, từ thế kỷ XVII.
Vì vậy, khi đã biết sử, ta không thể sống tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công, vì cha ông ta, cách đây mấy trăm năm đã sống có nhân cách, sống tử tế, sống lương thiện…”
Chúng ta có biết sử ta không? Biết rồi thì chúng ta có thể ngưng sống “tồi tàn, bệ rạc, ăn cắp của công” không? Khi chúng ta như một giọt nước bị hòa tan vào thau nước bẩn. Tất cả là do Trung Quốc gây ra ư? Không, là do chính từng giọt nước trong thau nước đó. Vì nếu bị đồng hóa, bị thôn tính dễ dàng như vậy, dân Việt đã nói tiếng Tàu từ ngàn năm trước rồi!
Coi phim Tàu, tôi hay thấy có câu “Hổ phụ vô khuyển tử” – “Hổ phụ sanh hổ tử”, nhưng nhìn vào hiện thực, tôi lại cảm thấy nhục nhã, nghĩ ngay đến câu: “Hổ phụ sinh hổ… thẹn”.