Tình Hàng Xóm Thời Đại Dịch

Huy Lâm

image.png

Không cần phải sống ở Mỹ lâu nhiều người cũng nhận ra điều này là cuộc sống của người Mỹ có vẻ cách biệt quá, kiểu đèn nhà ai nấy tỏ. Hàng xóm láng giềng ở sát bên nhau mà nhiều khi cả tháng trời không nhìn thấy mặt nhau. Có người cho là vì người Mỹ thích tôn trọng sự riêng tư của người khác. Tuy nhiên, còn một lý do khác nữa là vì ai cũng bận bịu: ngày thường thì đi làm, cuối tuần thì dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Thế nên, hàng xóm sát vách mà hoạ hoằn lắm mới gặp mặt để gật đầu, chào hỏi nhau một câu; hoặc thậm chí có những người hàng xóm chẳng bao giờ nhìn thấy nhau, người dọn tới, người dọn đi lúc nào không hay.

Như câu chuyện của hai gia đình Gurock và Catania là hàng xóm của nhau bao lâu mà chưa bao giờ biết nhau cho mãi tới khi có đại dịch thì mới gặp và quen nhau.

Mặc dù hai gia đình này chỉ sống cách nhau có hai căn nhà tại thành phố Fort Lee, New Jersey, nhưng vì bận rộn công việc nên họ chẳng bao giờ có cơ hội gặp nhau ở ngoài đường để làm quen. Nhưng rồi trong thời gian có đại dịch, anh Michael Gurock tập một thói quen mới là đi bộ vào mỗi buổi sáng ở trong khu xóm, và một ngày kia anh gặp hàng xóm của anh là bà Marie Catania. Đến khi họ tìm hiểu và biết nhau nhiều hơn, anh khám phá thêm một điều thú vị rằng nhiều năm trước, bà Catania cũng chính là cô giáo dạy vợ anh tại một trường tiểu học ở thị trấn gần đó.

Trận đại dịch mang đến quá nhiều chuyện đau buồn ai cũng muốn quên. Nhưng quả tình nếu không có trận đại dịch thì câu chuyện trên không bao giờ xảy ra, anh Gurock và bà Catania sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp nhau và nói chuyện với nhau. Trong thời gian suốt một năm qua, hai cặp vợ chồng nói trên, một già một trẻ, ngày càng trở nên thân quen và gần gũi nhau hơn – họ cùng xem lại cuốn lưu bút hay kỷ yếu của trường cũ, làm bánh trái mời nhau, tặng quà cho nhau vào những dịp lễ, và thậm chí mới đây vợ chồng Gurock còn giúp ông bà Catania ghi danh chích ngừa Covid. Có thể nói họ giống như một gia định thật sự vậy.

Kể từ khi trận đại dịch nổ ra và đẩy sinh hoạt cuộc sống của mọi người tập trung quanh căn nhà của họ thì hàng xóm láng giềng trở nên sống gần gũi nhau hơn, gặp mặt và nói chuyện với nhau thường xuyên hơn. Trong một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu CivicScience với hơn 3,000 người, có khoảng 32% trong số đó nói rằng họ hiểu biết về cuộc sống của hàng xóm của họ nhiều hơn kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về gia đình, rất nhiều trong số những mối quan hệ mới này sẽ còn tiếp tục tồn tại và lâu bền sau này. Là vì trong suốt một năm qua, những người hàng xóm này đã chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm sống, họ đã nương tựa vào nhau để cùng vượt qua một thời kỳ khó khăn. Một khi trường học và hãng xưởng mở cửa hoạt động bình thường trở lại, mọi người sẽ lại rời nhà để đi làm hoặc đi học mỗi sáng, nhưng họ vẫn dành thời gian để gặp gỡ hàng xóm của họ chứ không quay về với cuộc sống khép kín như trước. Họ sẽ vẫn nhớ và vẫn cảm thấy có một sự ràng buộc giữa họ và những người hàng xóm kia.

Kết quả một số cuộc nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ giữa tình hàng xóm láng giềng gần gũi với sức khỏe tâm lý tốt. Trong một nghiên cứu năm 2014 với 1,071 người trưởng thành tuổi từ 40 đến 70, và những người tham gia được hỏi về những sinh hoạt của họ với hàng xóm, chẳng hạn như họ có thường xuyên chào hỏi hoặc tụ tập gặp gỡ nhau không. Và kết quả cho thấy những người thường xuyên liên lạc với hàng xóm có sức khoẻ tâm lý tốt hơn so với những người ít liên lạc.

Khi người ta sống nương tựa vào nhau, trở thành một thành viên trong cái mạng lưới xã hội đa dạng nho nhỏ là khu xóm họ ở thì họ nhận được lợi ích về sức khoẻ đó. Có thể coi đó như là một mối quan hệ có qua có lại: Một người trẻ có thể giúp những người lớn tuổi làm công việc đòi hỏi sức lực, chẳng hạn như cào tuyết vào mùa đông hay quét lá, dọn dẹp vườn tược vào mùa hè, thì chính người trẻ sẽ cảm thấy hài lòng với chính mình vì vừa làm được một công việc tốt để giúp đỡ người khác. Khi một cuộc khủng hoảng hay một thảm họa thiên nhiên xảy ra thì điều này thường thúc đẩy người ta trở nên gần gũi và nương tựa nhau hơn mà vào những lúc bình thường có thể họ không làm thế.

Trong năm qua, những người hàng xóm sống trong khu Bald Cypress Court tại thành phố Longwood, Florida, tập được một thói quen mới là cứ hai lần một tuần, vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều thì họ lại kéo ghế ra ngồi ở sân trước một nhà nào đó và tâm sự đủ mọi thứ chuyện, từ nuôi dạy con cái tới chuyện chính trị chính em. Họ còn tìm cách giúp đỡ nhau bằng những hình thức mới mà trước thời đại dịch không hề có: Họ chia sẻ với nhau từ cuộn giấy vệ sinh, lọ thuốc rửa, đến cục xà phòng; một người đi chợ thì tiện thể mua giúp luôn cho người khác. Bỗng dưng nay họ không còn chỉ là những người hàng xóm thuần tuý nữa mà đã trở thành những người bạn như đã quen biết từ bao lâu rồi.

Cũng trong khu xóm trên, có người vì công việc riêng đã phải đi xa trong ít tháng, đến khi trở về nhà mới nhận ra là căn nhà của họ đã được chăm sóc, bảo trì cẩn thận trong suốt thời gian họ vắng nhà – hồ bơi được dọn dẹp gọn gàng, lối đi bộ được rửa sạch sẽ, vườn cỏ được cắt tỉa tươm tất và những tấm bảng đề câu “chào mừng trở về nhà” được cắm ngay trước nhà chào đón họ. Thử hỏi những việc làm tuy nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó làm sao không khiến người ta cảm động được. Và sự chào đón cuộc trở về đó chắc chắn sẽ tạo một ấn tượng đặc biệt tốt đẹp đối với người chủ nhà mà họ sẽ khó có thể quên trong cuộc đời của họ.

Hoàn cảnh bất thường cũng đã khiến những người hàng xóm tương trợ nhau qua những việc làm tưởng là không có gì đáng để nhắc tới nhưng lại chính là nguyên tố giúp cho tình hàng xóm thêm đậm đà. Như câu chuyện của hai người hàng xóm sống tại thành phố New York là cô Victoria Strevens và cô Sandy Parness. Khi trận đại dịch xảy ra thì hai cô hàng xóm này thay phiên đi chợ dùm cho nhau. Trong một lần đi chợ và mang thực phẩm về cho người hàng xóm sống ở tầng dưới trong cùng khu chung cư, cô Strevens trở về phòng mở gói thực phẩm của mình thì mới nhận ra là con gà đông lạnh mà cô mua hơi lớn không vừa với ngăn tủ đá ở nhà. Vì vậy, cô đã phải chạy xuống hỏi người hàng xóm ở tầng dưới cho cô để nhờ con gà. Đây là một sự nhờ vả mà thường thì trước đây người ta sẽ ngại không hỏi vì tình hàng xóm không thân đến mức để hỏi nhờ một chuyện hơi có vẻ kỳ cục đó. Nhưng nhờ tình hàng xóm thân mật trong thời đại dịch, người này đã lên tiếng, và người kia đã không tỏ vẻ ngạc nhiên khi giúp đỡ nhau cả những chuyện cỏn con như thế. Đến nay, sau mấy tháng, con gà vẫn nằm nguyên trong ngăn đá chưa được chủ nhân mang về. Nhưng điều này không làm cho cô Parness cảm thấy phiền hà mà lại cho rằng chính con gà đông đá đó đã khiến cho tình hàng xóm giữa hai cô gần gũi hơn.

Và nhiều lúc, một vài ranh giới của phép tắc tế nhị cũng bị xoá mờ. Ở trong nhiều khu xóm khắp nước Mỹ, những đứa trẻ con hàng xóm đôi khi quên luôn cả phép tắc căn bản, từ nhà này chạy qua nhà kia, từ nhà kia chạy qua nhà này, rồi cứ thế xô cửa chạy vào mà không thèm gõ cửa hay bấm chuông gì hết. Báo hại cha mẹ cứ phải nhắc nhở hoài là cho dù thân thiết thế nào thì cũng phải giữ chút lễ phép tối thiểu chứ. Nhưng nhắc thì cứ nhắc rồi đâu lại hoàn đó, chuyện gõ cửa hay bấm chuông vẫn cứ quên. Nhưng điều này cho thấy tình hàng xóm có thể vượt qua mọi thứ ranh giới ngăn cách để kéo mọi người gần lại với nhau.

Con người từ khai thiên lập địa là loài sống theo bầy đàn. Rồi xã hội ngày càng văn minh và người ta đâm ra coi trọng sự riêng tư mà dần dà tách ra sống riêng lẻ theo từng đơn vị gia đình. Cuộc sống trở nên khép kín hơn và hầu như mọi sinh hoạt được thu nhỏ vào trong vòng giới hạn gia đình. Đùng một cái trận đại dịch xảy ra đã đánh thức cái bản năng sống bầy đàn nguyên thuỷ đó, đẩy mọi người xích gần lại, nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau trong cơn đại nạn. Được sống và sinh hoạt gần gũi người ta mới thấy tình hàng xóm là đáng quý: người ta không chỉ nương tựa, giúp đỡ nhau trong những việc nghiêm trọng, cấp bách mà cả những việc hết sức cỏn con. Trận đại dịch sớm muộn gì rồi cũng phải chấm dứt nhưng tình hàng xóm trân quý đó sẽ còn được duy trì vì người ta đã nhìn thấy có biết bao điều ích lợi trong đó.

Huy Lâm

Related posts