Covid-19: 500 bộ phim chờ được chiếu ở rạp tại Pháp

Tuấn Thảo

image.png
Áp-phích ghi hàng chữ “Không thiết yếu” dán trước cửa rạp chiếu phim Charlie Chaplin, để mỉa mai lệnh phong tỏa, đóng cửa các cơ sở văn hóa do Covid-19, tại khu Denfert Rochereau, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 21/03/2021 AP – Francois Mori

Cho dù ngày mở lại các phòng chiếu phim tại Pháp vẫn chưa được thông báo, nhưng các nhà sản xuất cũng như giới phân phối đã phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ, để tránh gây xáo trộn cho lịch phát hành các bộ phim mới. Chưa bao giờ số lượng tác phẩm điện ảnh dự trù ra mắt khán giả ở rạp lại nhiều đến như vậy. Tính tổng cộng, có khoảng 500 phim đang chờ được phát hành tại Pháp.

Theo kế hoạch giải tỏa từng phần của chính phủ Pháp, các quán cà phê vỉa hè cũng như một số địa điểm văn hóa sẽ được mở lại vào giữa tháng 05/2021. Cho dù chính phủ vẫn chưa xác định rõ ràng các rạp chiếu phim có nằm trong danh sách các tụ điểm văn hóa được ưu tiên hoạt động trở lại, nhưng theo lời ông Marc-Olivier Sebbag, chủ tịch Liên đoàn các rạp chiếu phim Pháp (FNCF), toàn bộ giới chuyên ngành đều hy vọng là các rạp hát sẽ nằm ở hạng đầu danh sách. Quan trọng hơn nữa, theo ông Sebbag, các chủ rạp phim hay các ban quản lý đều phải chuẩn bị xong việc tiếp đón khán giả  đúng theo các quy định hiện thời, cho dù ngày mở lại các rạp xinê có thể là 15/05 hoặc 30/05.

Đối với nhiều chủ rạp phim, tâm trạng chung hiện giờ vẫn là nỗi bồn chồn lo lắng, do tình hình chung vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Đa số các rạp chiếu phim đã phải đóng cửa trong gần 6 tháng (171 ngày), nhiều nhà phân phối đã nhiều lần “mừng hụt” cho nên chừng nào chưa có thông báo chính thức, họ vẫn chưa dám vội tin vào việc mở lại các rạp chiếu phim. Theo họ, ngày mở lại sớm lắm là vào tháng 06/2021.

Liệu các kênh phân phối có nguy cơ bị tắc nghẽn
Trong số những người “bi quan” nhất, có bà Christine Beauchemin-Flot, chủ rạp chiếu phim “Sélect” ở vùng ngoại ô phía nam Paris. Thái độ của bà hoàn toàn có lý do. Cũng như nhiều nhà phân phối khác, bà đang lo lắng trước việc chiến dịch tiêm chủng vac-xin tại Pháp không được tiến hành nhanh như mong đợi. Tại Anh quốc, gần một nửa dân số đã được chích ngừa trong khi tỷ lệ này chỉ mới ở mức 15% ở Pháp, các rạp chiếu phim tại Anh được phép mở cửa trở lại vào ngày 17/05, trong khi tại Pháp chưa có gì là chắc chắn do các sinh hoạt văn hóa dành cho công chúng phụ thuộc ít nhiều vào chiến dịch tiêm chủng.

Một mối quan tâm khác đối với các nhà phân phối là số lượng phim mới chờ được phát hành rất nhiều, điều đó buộc các chủ rạp phim phải có “chiến lược” phát hành. Trong số các tác phẩm của Pháp, có phim tiểu sử về Gustave, người đã khai sinh ra Tháp “Eiffel” với Romain Duris trong vai chính. “OSS 117 : Báo động đỏ ở châu Phi” của Nicolas Bedos và “Huyền thoại Kaamelott” của Alexandre Astier là hai bộ phim hài nặng kí có khả năng thu hút đông đảo khán giả Pháp vào rạp.

Trong thể loại phim tình cảm xã hội có tác phẩm “Le Sens de la famille” của đạo diễn Jean-Patrick Benes với cặp diễn viên chính là Alexandra Lamy và Franck Dubosc, bộ phim “Un tour chez ma fille” của Éric Lavaine với hai nữ diễn viên nổi tiếng là Mathilde Seigner và Josiane Balasko, hay là tác phẩm “Opération Portugal” của Franck Cimière trong đợt ra mắt đầu tiên, trong khi đó các tác phẩm từng đoạt giải César vừa qua như trường hợp của “Adieu les cons” của Albert Dupontel, sẽ được công chiếu một lần nữa, do quá trình khai thác phim đã đột ngột bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Nhưng theo ông Laurent Coët, chủ rạp phim “Regency” ở vùng phía bắc nước Pháp, dù lịch phát hành có được chuẩn bị kỹ lưỡng cách mấy, hẳn chắc có một số phim vẫn bị thiệt thòi, nhất là thời hạn khai thác phim bị rút ngắn, trong khi số phim lại quá nhiều so với mức bình thường. Nói cách khác kênh phân phối có nguy cơ bị tắc nghẽn, khi chỉ còn có 6 tháng để khai thác 500 bộ phim.

Mỹ mở lại nguồn cung cấp phim vào mùa hè 2021

Theo lời ông Stéphane Huard, giám đốc chi nhánh Pháp của tập đoàn Sony Pictures Entertainment, so với hai đợt phong tỏa trước, việc nước Pháp chuẩn bị nối lại với các sinh hoạt văn hóa còn có một yếu tố khác biệt rất quan trọng : một mặt số lượng phim Pháp cần được phát hành khá cao, mặt khác đợt giải tỏa thứ ba cũng đánh dấu ngày xuất hiện trở lại của các bộ phim thương mại kiểu blockbuster của Mỹ. Vào mùa hè năm 2020, sau đợt phong tỏa đầu tiên, các rạp chiếu phim Pháp chủ yếu khai thác phim Pháp cũng như các bộ phim thương mại lúc bấy giờ của Mỹ, nhưng Hollywood  đã nhanh chóng “tắt vòi”, ngưng hẳn nguồn cung cấp phim và chờ đến một thời điểm khai thác thuận lợi hơn.

Hãng phim Sony Pictures đã dự trù ra mắt khán giả một loạt phim thương mại trong đó có “Venom” tập nhì, phần kế tiếp của các bộ phim “Peter Rabbit”, “Ghostbusters” hay là “Hotel Transylvania” …. Trong mùa hè năm 2020, các rạp chiếu phim châu Á và châu Âu đã được phép hoạt động, nhưng dịch Covid-19 đã bùng phát dữ dội tại Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, các hãng phim Mỹ đều gác lại các dự án  khai thác phim toàn cầu, chừng nào có điều kiện thuận lợi hơn. Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng “đại trà” ở Mỹ đã tạo ra một luồng gió hy vọng, các hãng phim Hollywood đều lên tinh thần và nghĩ rằng đã đến lúc khai thác các bộ phim thương mại tại các rạp multiplex.

Do sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng phim lớn, nhiều công ty dời lại hay thay đổi ngày ra mắt phim để tránh “đụng hàng”. Thời điểm 15/06 được giới chuyên ngành phân phối ở Mỹ chọn làm cột mốc, hy vọng rằng vào lúc ấy, các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ và các rạp chiếu phim sẽ tiếp đón từ 75% khán giả trở lên. Chiến lược này vì thế cũng đẩy lùi việc ra mắt phim Mỹ tại châu Âu, đặc biệt là tại Anh và tại Pháp, vốn là hai thị trường xuất khẩu quan trọng cho nền điện ảnh Mỹ.

Phim Pháp trước sự cạnh tranh của Hollywood
Bộ phim “Top Gun Maverick” với Tom Cruise đã được lùi lại vào mùa đông năm 2021. Để tránh cho hai bộ phim có cùng một ngôi sao màn bạc trong vai chính, Mission Impossible tập 7 (dù đã quay xong) cũng bị lùi lại cho tới năm sau. Về phía Disney, tập đoàn này đã cho ra mắt trực tuyến các bộ phim “Hoa Mộc Lan” Mulan, phim hoạt hình “Soul” cũng như  “Raya và rồng thần cuối cùng”, nhưng Disney vẫn giữ lá chủ bài “Nomadland” dự trù chỉ ra mắt ở rạp, do tác phẩm của nữ đạo diễn Chloé Zhao (Triệu Đình), rất có nhiều triển vọng đoạt giải Oscar, sau khi thành công rực rỡ tại giải BAFTA cũng như Golden Globe.

Trong các chi nhánh khác của tập đoàn, Disney cũng hy vọng khai thác mọi tiềm năng của bộ phim “Cruella” và nhất là của “Black Widow” được xem như là chương đầu tiên khai màn giai đoạn thứ tư của dòng phim siêu anh hùng Marvel. Về phần mình, Warner Bros đã khá thành công khi khai thác cùng lúc trên mạng cũng như ra mắt ở rạp, sau khi “Godzilla đại chiến Kong” và Đấu trường sinh tử “Mortal Kombat” lập kỷ lục doanh thu với hơn 380 triệu đô la toàn cầu, Warner đã lấy quyết định tung ra trên mạng cho các thị trường khác trong đó có Pháp, do nạn sao chép phim đang lan tràn trên mạng internet.

Sự kiện Hollywood mở lại nguồn cung cấp phim thương mại đều có lợi và hại. Theo giới chuyên ngành, các bộ phim blockbuster sẽ là một động cơ thu hút khá nhiều người Pháp trở lại các rạp chiếu phim, nhất là đối tượng khán giả đi xem xinê vài lần trong năm (khác với những người có thẻ đăng ký xem phim hàng tháng như UGC, Gaumont, MK2). Vấn đề là nền điện ảnh Pháp khá dồi dào về mặt sản xuất, với khoảng 300 phim được cho ra lò hàng năm, vì thế người Pháp luôn có nhiều lựa chọn giữa “phim nội” và “phim ngoại”. Dòng phim thương mại của Pháp không sợ sự cạnh tranh từ các blockbuster của Hollywood, nhưng ngược lại, dòng phim nghệ thuật chuyên dành cho các liên hoan cũng như dòng phim “ở giữa” hai xu hướng này, tuy có chi phí sản xuất thuộc vào cỡ trung bình nhưng thường là những tác phẩm dễ ăn khách. Thể loại này dễ bị thiệt thòi nhất, do lệ thuộc nhiều vào việc khai thác ở rạp phim để chinh phục cảm tình của khán giả lẫn giới phê bình.

Related posts