Hàn Dương
“Lực lượng dân quân biển” được coi là lực lượng biển thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau Hải quân và Cảnh sát biển. Điều thú vị là, khi thế giới bên ngoài đang nói về “lực lượng dân quân biển”, thì người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại khẳng định rằng đây chỉ là tàu đánh cá Trung Quốc đang tránh gió bão, trang Epochtimes cho hay.
Triệu Lập Kiên, người phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, nói rằng thuật ngữ ‘lực lượng dân quân biển” có “động cơ thầm kín và ý đồ nham hiểm”. Thời báo Hoàn cầu đăng một bài báo với tiêu đề “Tại sao họ lại bịa đặt ‘tàu dân quân biển Trung Quốc’”.
Việc ĐCSTQ phủ nhận tất cả các loại hành động là không thể tin được. Trên thực tế, quân đội Hoa Kỳ biết rõ về các hành động của dân quân biển ĐCSTQ, bản thân ĐCSTQ đang khoe khoang về cách họ sử dụng lực lượng dân quân biển để “đóng góp to lớn” cho việc “bảo vệ quyền lợi” trên Biển Đông thông qua “đối đầu cường độ thấp”…
Các chuyên gia cho rằng, ĐCSTQ đang thực hiện chiến lược vùng xám, theo đuổi các mục tiêu biển mà không gây ra xung đột vũ trang, phương pháp quan trọng nhất là sử dụng các lực lượng dân quân trên biển. Uớc tính lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp của ĐCSTQ có thể có hàng chục nghìn người với hàng nghìn tàu.
“Lực lượng dân quân biển” chuyên nghiệp không đánh bắt cá
Trung tâm Nghiên cứu biển Trung Quốc (CMSI) thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ đã nghiên cứu về “Dân quân biển Vũ trang Nhân dân” (PAFMM) của ĐCSTQ. Theo một báo cáo của nhà ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 7/2020, nghiên cứu của CMSI cho thấy rằng ‘lực lượng dân quân biển” không phải là một tổ chức vũ trang độc lập mà là một tổ chức phòng thủ quốc gia do chính quyền địa phương và chính quyền cấp tỉnh thành lập, nằm dưới sự quản lý của chính quyền địa phương, nhưng hoạt động cần có sự chấp thuận của quân đội.
“Lực lượng dân quân biển” có thể được chia thành hai loại, một là một số lượng lớn các đội tàu đánh cá thông thường chỉ thỉnh thoảng làm việc cho Hải quân Trung Quốc. Hai là dân quân biển chuyên nghiệp, chuyên môn hóa hơn, trang bị tốt hơn và có thể trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ. Họ là đội tiên phong biển của hạm đội phụ trợ của Hải quân, và mục tiêu không phải là đánh bắt cá.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ đề cập đến 84 tàu dân quân biển chuyên nghiệp thực tế trong báo cáo về quân đội ĐCSTQ vào năm 2020, tất cả đều thuộc quyền quản lý của thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa. Đơn vị này được thành lập vào năm 2016, đã nhận được một lượng lớn trợ cấp của chính phủ và đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Đây là đơn vị dân quân biển chuyên nghiệp nhất của ĐCSTQ. Đơn vị này không có trách nhiệm đánh bắt cá vì mục đích thương mại, và họ tuyển dụng thủy thủ đoàn từ các cựu binh của ĐCSTQ.
Carl Schuster, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN gần đây rằng “những dân quân biển (chuyên nghiệp) này không đi đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu, thân tàu đã được gia cố nên rất nguy hiểm khi tiếp cận ở cự ly gần, ngoài ra tốc độ tối đa của các tàu này khoảng 18-22 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% các loại tàu đánh cá trên thế giới”.
Giáo sư Andrew Erickson thuộc Trung tâm Nghiên cứu biển Trung Quốc của Trường Đại học Hải chiến Mỹ đã chỉ ra trong một bài báo trên tạp chí ‘Foreign Policy’ vào tháng 3 rằng “những chiếc tàu (dân quân biển) của họ lớn hơn và mạnh hơn nhiều những chiếc tàu đánh cá điển hình ở Philippines hoặc các nước khác.
Thiết kế thân tàu tương đối chắc chắn, tấm thép phía sau mũi tàu được hàn thêm thanh ma sát, trên cột buồm được lắp súng nước áp lực cao nên có thể trở thành một vũ khí mạnh mẽ trong hầu hết các trường hợp khẩn cấp. Đối với các đối thủ như tàu đánh cá thông thường hoặc cảnh sát, họ có thể tấn công và phản lực để chống lại”.
Tạp chí trực tuyến Naruto của Đài Loan vào tháng 8/2020 đã có một báo cáo chi tiết cho biết lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp ở thành phố Tam Sa được thành lập vào năm 2013 và đăng ký thành Công ty Phát triển Ngư nghiệp Tam Sa vào năm 2015, đã tuyển dụng một số lượng lớn các sĩ quan, binh lính đã nghỉ hưu và các tài năng đại học có kỹ năng chuyên nghiệp để nhanh chóng mở rộng đội tàu.
Bài báo cho biết: “Kể từ năm 2015, Công ty Phát triển Ngư nghiệp Tam Sa đã đóng mới ít nhất 20 tàu đánh cá cỡ lớn. Đặc điểm của những chiếc tàu mới này không chỉ có trọng tải lớn và thích hợp cho việc đi lại trên biển, mà còn thiết kế thân tàu bằng thép có thể chịu được các tổn thất khi chiến đấu.
Ngoài ra, tàu đánh cá còn có khoang chứa bom và kho đạn để chứa vũ khí hạng nhẹ và đạn dược. Thậm chí ở mũi tàu và mạn tàu còn bố trí các hốc súng dành riêng cho súng máy hoặc súng máy hạng nặng. Chỉ mất một thời gian ngắn để biến hình thành một pháo hạm đơn giản, có hiệu quả đe dọa và đối đầu với các tàu đánh cá không vũ trang và thậm chí là các tàu tuần dương vũ trang hạng nhẹ.
Về khả năng dịch chuyển và cấu hình thân tàu, không khó để phân phối tên lửa chống tăng hạng nặng và tên lửa phòng không vác vai. Vì vậy, Công ty Phát triển Ngư nghiệp Tam Sa về cơ bản đã trở thành một công ty quân sự quốc doanh, và đội tàu đánh cá của nó cũng giống như một tổ chức bán quân sự không công khai”.
“Lực lượng dân quân biển” chuyên nghiệp có thể có hàng chục nghìn nhân viên và hàng nghìn còn tàu
Theo phân tích của Erickson, hơn 220 tàu đã tập kết tại khu vực Đá Ba Đầu trong những tuần gần đây, trông khác với các tàu dân quân biển chuyên nghiệp ở thành phố Tam Sa. Điều này cho thấy số lượng tàu dân quân biển chuyên nghiệp của ĐCSTQ nhiều hơn tưởng tượng trước đây. Có thể có hàng nghìn tàu và hàng chục nghìn người. 84 tàu mà quân đội Mỹ ước tính là quá không chính xác.
Trong một bài báo khác đăng trên tạp chí Foreign Policy vào cuối tháng 3, ông Erickson đã theo dõi các ‘tàu đánh cá’ quy mô lớn đang hoạt động trên khu vực Đá Ba Đầu, có 7 tàu đánh cá khổng lồ thuộc Công ty Phát triển Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình ở thành phố Giang Môn, Quảng Đông là những tàu dân quân biển chuyên nghiệp.
Các tàu này (có 9 cái) do Công ty đóng tàu và Công nghiệp nặng Quảng Tín đóng cho Công ty Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình.
Điều này cho thấy 9 tàu đánh cá của Công ty Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình không phải là tàu đánh cá bình thường, mà là thành viên mới của ‘lực lượng dân quân biển’ nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội ĐCSTQ.
9 tàu được triển khai cảng nhà ở vịnh Sa Địa, phía nam đảo Thượng Xuyên, Giang Môn. Khu vực này cách Hồng Kông khoảng 168km về phía tây nam và trở thành lực lượng nòng cốt của “Hải đội Dân quân Viễn hải”. Vào tháng 3/2016, cùng năm thành lập Ngư nghiệp Đài Sơn Phàm Trình, kế hoạch thành lập hải đội này đã được thảo luận trong “Cuộc họp Sự vụ Các lực lượng Vũ trang” ở Đài Sơn. Trong thuật ngữ của dân quân biển, “viễn hải” ám chỉ các vùng biển xa đại lục nhưng nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm những khu vực hoạt động phía nam Biển Đông.
Vào tháng 4/2019, Cục trưởng Cựu chiến binh Giang Môn Lý Quảng Nghĩa đã đến thăm Hải đội Dân quân Viễn hải ở vịnh Sa Địa. Ông đã lên một trong những con tàu của lực lượng dân quân, yêu cầu thuyền trưởng và thủy thủ tàu phải trở thành “những người hộ vệ” gìn giữ tuyên bố biển của Trung Quốc trên Biển Đông, nhấn mạnh hải đội có trách nhiệm đảm bảo công ăn việc làm cho quân nhân xuất ngũ của ĐCSTQ. Tất cả những điều này cho thấy rõ ràng rằng Hải đội Dân quân Viễn hải được vận hành bởi cựu quân nhân Trung Quốc.
Dựa trên việc quan sát và phân tích dữ liệu AIS (Hệ thống Nhận dạng Tàu Tự động) trong 12 tháng qua, ông Erickson nhận thấy xu hướng hoạt động khác xa mọi tàu cá thông thường của 9 tàu đánh cá này.
Kể từ tháng 3/2020, 9 tàu đánh cá đã lên kế hoạch tuần tra từ Đài Sơn đến cụm Sinh Tồn ở Biển Đông và sau đó trở về quê nhà của họ ở Quảng Đông. Ông Erickson phân tích rằng đối với tàu đánh cá, những hành vi này là vô nghĩa, vì tàu đánh cá có động cơ kinh tế và hoạt động đánh bắt cá. Hình thức hành vi này tương tự như 84 tàu dân quân biển chuyên nghiệp ở thành phố Tam Sa.
Ông Erickson nói rằng kể từ trận hải chiến quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Bắc Kinh đã sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của họ ở Biển Đông. Lực lượng tinh nhuệ gồm các dân quân biển chuyên nghiệp và quân sự hóa ngày càng tăng. Những nhân sự này được tuyển dụng từ các cựu chiến binh ĐCSTQ, với mức lương và phúc lợi hậu hĩnh, đồng thời tiếp tục theo đuổi lãnh hải của ĐCSTQ.
Bài báo trên “Diplomat” trích dẫn trước đó phân tích rằng Trung Quốc đã giảm năng lực đánh bắt trước năm 2008, nhưng sau đó đội tàu cá Trung Quốc đã mở rộng trong 10 năm qua, sự mở rộng này liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy của lực lượng dân quân biển. ĐCSTQ đã trợ cấp cho các tàu vỏ thép mới hệ thống vệ tinh dẫn đường miễn phí và đào tạo bán quân sự cho đội tàu đánh cá. Đội tàu đánh cá tiến hành các cuộc diễn tập quân sự với Hải quân và Cảnh sát biển Trung Quốc, đồng thời nhận được các khoản bồi thường của địa phương bao gồm trợ cấp, phúc lợi xã hội và lương hưu.
Ông Erickson cho biết, các lực lượng dân quân này được tích hợp với đội tàu đánh cá của Trung Quốc, lực lượng dân quân có thể dẫn số lượng lớn tàu đánh cá đi thực hiện nhiệm vụ, đội tàu đánh cá của Trung Quốc lớn nhất thế giới, với khoảng 187.000 tàu cá. Cho đến nay, phương Tây không biết có bao nhiêu trong số đó có liên quan đến dân quân biển.
Lang thang trong vùng xám để đe dọa các nước Biển Đông
Đầu năm nay, “Nhà xuất bản Đại học Lục quân” đã xuất bản một báo cáo dài “Hạm đội đánh cá và dân quân biển của Trung Quốc”, trong đó phân tích bối cảnh sự trỗi dậy của lực lượng dân quân biển của ĐCSTQ.
Báo cáo cho rằng từ năm 1992 đến nay, đường lối ngoại giao của ĐCSTQ đã trải qua ba giai đoạn, giai đoạn “giấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, giai đoạn “trỗi dậy hòa bình” nhằm trấn an các nước khác trong những năm 1990, và giai đoạn “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình tin rằng “giấu mình chờ thời” và “trỗi dậy hòa bình” là lỗi thời, và ông ấy có khuynh hướng hoạt động nhiều hơn để duy trì “tính hợp pháp” của mình. Trong khi phỉ báng tự do phương Tây và rao giảng “một thế kỷ nhục nhã”, ĐCSTQ cũng “chống lại những thách thức đối với lợi ích cốt lõi một cách kiên quyết hơn”.
Là lực lượng biển thứ ba của ĐCSTQ, lực lượng dân quân biển lang thang trong vùng xám, bằng cách áp đảo đối thủ bằng các nhóm tàu đánh cá, nó dần hoàn thành việc kiểm soát và thống trị thực tế trên toàn bộ Biển Đông. Điều này cho phép ĐCSTQ đưa ra một số lượng lớn các yêu sách lãnh thổ mà không cần sử dụng quân đội.
Ngược lại, khi đụng độ với Hải quân Mỹ hoặc các lực lượng nước ngoài có năng lực và thế mạnh, họ dùng “yếu và nhỏ” làm vũ khí để bộc lộ cái gọi là thân phận thường dân của mình, khiến các tàu chiến nước ngoài phải do dự. ĐCSTQ cũng sẽ nhân cơ hội này để tăng cường quảng bá trong nước.
Vào năm 2017, có một bài báo trên Sohu.com với tựa đề “Vũ khí máu”: “Lực lượng dân quân biển bí ẩn nhất của ĐCSTQ luôn ở tuyến đầu và đóng một vai trò to lớn”. Vậy họ đóng vai trò gì trong vùng xám?
Bài báo viết: “Là dân quân biển, họ không có trang bị hỏa lực mạnh. Tại sao họ có thể đóng vai trò quan trọng như vậy? Đó là bởi vì trong một số trường hợp, quân đội không thể trực tiếp hành động, còn lực lượng dân quân biển, với tư cách là lực lượng không thường xuyên là sự lựa chọn tốt hơn khi sự việc chưa lên tới tình trạng chiến tranh. Một khi có thay đổi xảy ra, Hải quân Trung Quốc chính là hậu thuẫn vững chắc nhất cho lực lượng dân quân biển. Phương pháp phòng thủ chống lại kẻ thù này được gọi là đối đầu cường độ thấp trong các tranh chấp trên biển”.
Năm 2012, lực lượng dân quân biển, dưới sự điều phối của Cảnh sát biển của ĐCSTQ, đã trở thành đội tiên phong cho việc chiếm đóng đảo Hoàng Sa.
Vào tháng 5/2014, một giàn khoan dầu của Trung Quốc đã được kéo vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, gây ra một cuộc đối đầu giữa hơn 100 tàu Trung Quốc và Việt Nam trong hơn hai tháng, các tàu dân quân biển của ĐCSTQ đã tạo thành một vòng tròn bảo vệ xung quanh giàn khoan dầu, xua đuổi tàu Việt Nam và đánh chìm 3 tàu Việt Nam.
Câu chuyện tương tự cũng được lặp lại ở Biển Hoa Đông. Kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua ba hòn đảo trong quần đảo Senkaku từ người dân Nhật Bản vào năm 2010 để ngăn chặn chúng bị chiếm đóng, “lực lượng dân quân biển” và tàu cảnh sát biển của ĐCSTQ đã thường xuyên đi vào lãnh hải của quần đảo Senkaku để quấy rối Nhật Bản và phá hoại hiện trạng. Vào năm 2020, ĐCSTQ đã leo thang các hành động này và gây áp lực lên Tokyo.