Ngô Nhân Dụng
Cả nước Mỹ chờ kết quả của phiên tòa ở Minneapolis, xử cựu cảnh sát Derek Chauvin về cái chết của George Floyd, một người da đen 46 tuổi. Người ta lo nếu ông Chauvin được tuyên bố vô tội thì dân sẽ xuống đường ở các thành phố khắp nước Mỹ, bạo động không thể tránh được. Sau khi ông Floyd chết, không những ở Mỹ mà khắp thế giới hàng ngàn người đã biểu tình phản đối cảnh sát dùng bạo lực quá đáng.
Bồi thẩm đoàn gồm bốn phụ nữ da trắng, và ba phụ nữ da đen, hai phụ nữ lai, hai đàn ông da trắng, một da đen. Chỉ cần một người nghĩ rằng ông Chauvin vô tội và nếu 11 người kia không thuyết phục được thì Chauvin sẽ được tự do. Trước 2 giờ chiều, nghe tin Bồi thẩm đoàn sắp công bố kết quả, người ta đã đoán được kết quả. Vì bản án nêu ba tội ngộ sát, mà các vị trong Bồi thẩm đoàn chỉ thảo luận tổng cộng có 10 tiếng đồng hồ – chắc là họ không bất đồng ý kiến.
Nhiều chuyện tình cờ xảy ra ngày 25 tháng 5, 2020. Chập tối, George Floyd đi mua bao thuốc lá ở tiệm tạp hóa Cup Foods, chỗ quen biết. Anh trả bằng một tờ $20 đô la. Cậu bé bán hàng nhận tiền rồi mới thấy là bạc giả. Cậu thưa với ông chủ, ông bảo nếu muốn thì kêu cảnh sát. Cảnh sát tới, còng tay Floyd. Chauvin và Floyd chắc nhận ra nhau, vì hai người đã gặp nhau khi cùng làm việc bảo vệ an ninh cho một hộp đêm. Chauvin đẩy Floyd nằm xuống, quỳ một đầu gối trên cổ, như cảnh sát vẫn thường làm. Cậu bé sau này tỏ ý ân hận; nói rằng nếu cậu cứ đền cho tiệm một tờ $20 đô la thật, không gọi 911, thì Floyd đã không chết.
Cái chết này có thể sẽ không thành chuyện lớn nếu cô Darnella Frazier không đi mua quà vặt ở tiệm Cup Foods cho đứa em họ 9 tuổi. Thấy xe chớp đèn và cảnh sát đang bắt người, cô Frazier dùng điện thoại quay phim. Ngay đêm hôm đó, đoạn phim này được truyền khắp nước Mỹ rồi ra khắp thế giới. Người ta thấy cảnh một người da đen nằm bị đè đầu gối trên cổ hơn 9 phút, miệng năn nỉ ông cảnh sát da trắng, “Tôi không thở được!” và kêu “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
Trong phiên tòa xử dài hơn 3 tuần lễ, bồi thẩm đoàn được coi đoạn phim 9 phút của Frazier mỗi lần có nhân chứng nhắc tới. Họ cũng được coi những đoạn phim do máy đặt trước trán các cảnh sát viên. Lại thêm những phim rút ra từ máy tự động quay thường xuyên trong, ngoài tiệm Cup Foods, cho thấy George Floyd vào tiệm vui vẻ, khỏe mạnh, vừa đi vừa nhảy múa. Hầu hết cảnh sát viên ra làm chứng nói rằng Chauvin không cần đè đầu gối lên cổ Floyd lâu như vậy. Có người bênh Chauvin, nói rằng Floyd chết vì bệnh tim và dùng ma túy, không phải vì bị đè cổ.
Nhưng trước khi được nghe kết quả phiên tòa, dân Mỹ vẫn hồi hộp. Nếu chỉ một trong số 12 người làm bồi thẩm không thấy Chauvin có tội thì anh ta vẫn được tự do. Hệ thống xử án với các bồi thẩm nhân dân là một truyền thống lâu đời trong hệ thống tư pháp Anh, Mỹ. Nhiều vụ án với bồi thẩm đoàn đã đưa tới những kết quả bất ngờ. Năm 1995, cầu thủ O.J. Simpson bị tố cáo giết vợ, nhưng bồi thẩm đoàn, sau 265 ngày bàn luận, đã tha bổng. Hai năm sau, gia đình người vợ kiện đòi bồi thường nhân mạng thì bồi thẩm đoàn đồng ý anh ta phải trả mấy chục triệu mỹ kim.
Kết quả nhanh chóng của phiên tòa xử Derek Chauvin có thể do những lời kết thúc phần buộc tội của Công tố viên Steve Schleicher. Ông nhấn mạnh rằng trong vụ này bị cáo chỉ là cá nhân Chauvin; đây không phải là một phiên tòa xét xử tất cả các cảnh sát viên và hệ thống công lực. Ông kêu gọi các vị bồi thẩm hãy tin ở mắt mình, sau khi coi các đoạn phim.
Xưa nay tòa án thường vẫn nhẹ tay đối với các cảnh sát viên khi thi hành nhiệm vụ, vì ai cũng biết họ chịu áp lực suốt đời sống trong tình trạng căng thẳng, rất nhiều người đã chết. Một vụ án đã đưa tới bạo loạn năm 1992, xử bốn cảnh sát viên ở Los Angeles. Họ ra tòa vì tội đánh đập Rodney King, một người da đen, sau khi anh ta lái xe quá nhanh vì dùng rượu và ma túy, rồi bị chặn lại. Trong vụ xử án này lần đầu tiên người ta được coi một đoạn phim dài 12 phút, do một người tình cờ chứng kiến đã quay. Các đài truyền hình chiếu phim gây sôi nổi trong dư luận. Bồi thẩm đoàn đã tha bổng. Bạo loạn bùng lên ở Los Angeles, lan khắp nước Mỹ, mặc dù anh King lên đài truyền hình kêu gọi hãy chấm dứt.
Cuối cùng có 63 người chết,12,000 người bị bắt. Nếu anh Derek Chauvin được tha bổng thì các con số đó có thể sẽ cao hơn nhiều.
Bồi thẩm đoàn trong vụ này cho thấy hệ thống tư pháp Mỹ không thiên vị các nhân viên công lực. Họ đã công nhận Chauvin vượt qua giới hạn của quyền dùng vũ lực trấn áp một người tình nghi phạm tội. Anh có thể bị từ 12 năm tới 40 năm tù vì ba tội ngộ sát. Ở Minnesota, một người có thể chịu án hai phần ba số năm tù rồi ra, chỉ còn bị quản thúc.
Nhưng Derek Chauvin và luật sư của anh sẽ kháng án. Trước khi tòa xử, một dân biểu Dân chủ của tiểu bang California đã tuyên bố nếu anh được tha bổng thì sẽ tiếp tục tổ chức biểu tình phản đối. Ông chánh án đã cảnh cáo bà này rằng những lời nói đó tạo áp lực trên Bồi thẩm đoàn và ông Chauvin có thể lấy lý do đó mà kháng cáo.
Luật sư của anh, Eric Nelson, cũng than phiền rằng phiên tòa xử trong mùa bệnh dịch gây trở ngại cho ông. Tất cả mọi người đều phải bịt miệng, trừ khi đang nói. Các bồi thẩm viên phải ngồi cách xa nhau, ngăn bằng kính plexiglass, trông như học sinh ngồi trong lớp. Luật sư không nhìn thấy rõ các nhân chứng khi họ nói. Những nỗi phiền toái này sẽ được ông Nelson đưa ra trong phiên tòa phúc thẩm, chưa biết vị chánh án sắp tới có chấp nhận đó là lý do phiên tòa vừa qua không có giá trị hay không.
Nhưng bên ngoài tòa án, bao nhiêu người ăn mừng. Nước Mỹ đã thoát một trận bạo loạn, xuống đường, cướp phá, hôi của! Đáng mừng nhất là người ta có thể tin tưởng vào luật pháp công minh. Ở thành phố Minneapolis, khu đất trước cửa tiệm tạp hóa nơi Floyd bị đè cổ, người ta đã đặt tên anh cho một công trường nhỏ, George Floyd Square. Ngày Thứ Ba, khi nghe kết quả “guilty” có người tụ họp ở đó tung lên trời những đồng giấy bạc $1 đô la Mỹ để “làm mưa!” Gia đình anh Floyd, đã được thành phố bồi thường $27 triệu mỹ kim, ngồi trong khách sạn chờ tin bản án, có thể nghe tiếng chuông nhà thờ reo mừng.Ít nhất, trong lúc này, dân Mỹ có thể ăn mừng mới thoát nạn! Nhưng còn nhiều vụ các cảnh sát viên da trắng bắn chết người da đen khác, sẽ được đem xử trong thời gian tới. Không biết đến bao giờ vấn đề chủng tộc mới chấm dứt!