Bị Mỹ hun nóng, Trung-Nga tập trận trong thời tiết khắc nghiệt ở Siberia

Triệu Hằng

Ảnh: Youtube/DKN.TV.

Trung Quốc và Nga đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận quân sự trong cái lạnh khắc nghiệt của vùng núi Siberia, ngay khi căng thẳng của cả hai nước với Mỹ nóng lên và những đồn đoán xoay quay khả năng hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Bắc Kinh với Moscow, Nikkei Asia thông tin.

Khoảng một chục binh sĩ Trung Quốc thuộc Tập đoàn quân 78 của Quân đội Trung Quốc đã tham gia “Sayan March 2021” (Cuộc hành quân Sayan), một cuộc thi được tổ chức từ ngày 15 đến 17 tháng 4 trong khuôn khổ của Đại hội Thể thao Quân đội Quốc tế do Nga dẫn đầu.

Đây là thử thách đầu tiên của Trung Quốc trong sự kiện thường niên ở dãy núi Sayan phía Tây Siberia, các binh sĩ của họ đã đạt thành tích: Xếp thứ hai, sau chủ nhà Nga, theo như kết quả cuối cùng được công bố vào đầu tuần này. 

Nikkei dẫn lời ông Victor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí “Arsenal of the Fatherland” của Nga cho biết, cuộc tập trận ở Siberia cho phép quân đội Trung Quốc không chỉ luyện tập trong điều kiện thử thách mà còn trao đổi kiến ​​thức với các đối tác Nga.

Các binh sĩ Trung Quốc đã phải hành quân 50 km băng qua dãy núi trong vòng chưa đầy hai ngày. Trên đường đi, họ phải hoàn thành các nhiệm vụ như trượt tuyết xuống dốc, tìm kiếm nạn nhân của một trận tuyết lở, kiểm tra kỹ năng bắn súng và ném lựu đạn, cũng như vận chuyển các đồng đội bị thương từ các khu vực hiểm trở.

Sayan March năm nay diễn ra khi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc sát Đài Loan và các hoạt động của Nga cận kề Ukraine khiến cả hai quốc gia này mâu thuẫn với chính quyền Mỹ, và theo sau cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng và chết chóc của quân đội Trung Quốc với Ấn Độ trên dãy Himalayas.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc tập trận hải quân ngoài khơi Đài Loan. Tuần trước, Bắc Kinh đã điều 25 máy bay chiến đấu và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân bay trên Eo biển Đài Loan, trong một cuộc xâm nhập lớn nhất được báo vào vào không phận Đài Loan cho đến nay. Trung Quốc tuyên bố rằng “các cuộc tập trận này” nhằm báo hiệu rằng họ “quyết tâm kiềm chế Đài Loan độc lập và sự thông đồng giữa Đài Loan và Mỹ không đơn thuần chỉ là nói chuyện”.  

Đầu tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cảnh báo rằng sẽ là một “sai lầm nghiêm trọng đối với bất kỳ ai cố gắng thay đổi hiện trạng (ở Đài Loan) bằng vũ lực”, nhưng ông không nêu rõ phản ứng của Hoa Kỳ sẽ như thế nào. Cũng trong tuần trước, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Sugar đã ra tuyên bố chung đề cập đến Đài Loan – cụ thể là Eo biển Đài Loan – lần đầu tiên như vậy kể từ năm 1969, trước khi một trong hai nước bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. 

Trong khi đó, sự hiện diện quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine đã dấy lên những lo ngại, mặc dù vào hôm thứ Năm (22/4), Moscow đã tuyên bố rút hàng nghìn binh sĩ đã tập trung tại khu vực.

Trong nhiều tháng qua, một lệnh ngừng bắn mong manh giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã bị phá vỡ. Các vụ bắn súng và pháo binh qua lại giữa hai bên đã dẫn đến thương vong cho cả quân nhân và dân thường. Trong bối cảnh leo thang này, Nga đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận quy mô lớn ở Crimea và các khu vực phía tây của mình nơi giáp với Ukraine, đồng thời củng cố sự hiện diện của hải quân ở Biển Đen.

Ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Điện Kremlin về vấn đề Ukraine, đã tuyên bố rằng Nga “sẽ phải ra tay bảo vệ” các công dân Nga ở miền đông Ukraine nếu tình hình tiếp tục xấu đi, cảnh báo Kyiv [Ki-ép] rằng sự bùng nổ của các hành động thù địch lớn sẽ đánh dấu “khởi đầu của kết thúc” của Ukraine”.

Tất cả những điều này đã gióng hồi chuông báo động ở Washington, với việc Bộ Tư lệnh đặc trách Châu Âu của Hoa Kỳ nâng mức cảnh báo cho Ukraine lên mức cuộc khủng hoảng tiềm tàng sắp xảy ra – và đây là mức cao nhất. 

Trong một cuộc điện đàm với Putin vào tuần trước, Biden đã thúc giục Moscow “giảm leo thang căng thẳng” và đề xuất một hội nghị thượng đỉnh song phương.

Tuy nhiên, quan hệ giữa các cường quốc cũng đã trở nên chua chát theo các cách khác: Chính quyền Biden tuần trước đã công bố các lệnh trừng phạt đối với 32 thực thể và cá nhân Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 và phát động các cuộc tấn công mạng. Mỹ cũng trục xuất 10 nhà ngoại giao khỏi Đại sứ quán Nga tại Washington và cấm các ngân hàng Mỹ mua nợ của chính phủ Nga.

Moscow đã phản công bằng cách trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời cảnh báo các hạn chế mới đối với các tổ chức phi chính phủ do Mỹ tài trợ sẽ sớm được áp dụng.

Tổng thống Nga Putin phát biểu trong bài diễn văn liên bang hôm thứ Tư: “Chúng tôi thực sự không muốn đốt những cây cầu. Nhưng nếu ai đó nhầm lẫn mục đích tốt của chúng tôi là thờ ơ hoặc yếu đuối và có ý định đốt cháy hoặc thậm chí cho nổ tung những cây cầu này, họ phải biết rằng phản ứng của Nga sẽ không đối xứng, nhanh chóng và cứng rắn.”

Một số nhà phân tích cho rằng lập trường của chính quyền Biden có thể thúc đẩy Điện Kremlin tìm kiếm mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Trung Quốc. 

Anatol Lieven, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft tại Washington, nói với trang Nikkei rằng dù Trung Quốc và Nga vẫn chưa sẵn sàng để chiến đấu cùng nhau nhưng họ đã chia sẻ vũ khí và có thể ở một số giai đoạn cùng nhau tạo ra khủng hoảng, đồng thời khiến Mỹ bị phân tán sự chú ý.

Tuy nhiên, liệu Nga và Trung Quốc có thực sự muốn một liên minh chính thức hay không lại là một vấn đề còn nhiều tranh luận. 

Vào tháng 10, Tổng thống Nga Putin đã nói với chuyên gia chính sách đối ngoại rằng một liên minh quân sự với Trung Quốc là “hoàn toàn có thể xảy ra”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Sergei Lavrov dường như đã bác bỏ những bình luận đó vào đầu tháng này khi phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước: “Chúng tôi coi NATO là một ví dụ về liên minh quân sự theo nghĩa truyền thống và chúng tôi biết rằng chúng tôi không cần một liên minh như vậy”.

Tuy nhiên, điều rõ ràng nhất là hai nước láng giềng đã tăng cường buôn bán vũ khí với nhau trong những năm gần đây, với việc Nga cung cấp 77% lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2020, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Và kể từ năm 2012, Bắc Kinh và Moscow đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung trên biển, trên không và trên bộ – bao gồm cả vùng núi băng giá ở Siberia.

Related posts