Triệu Hằng
Nikkei cho hay, các công ty nước ngoài, từ Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF có trụ sở tại Đức đến Công ty khai thác kim loại Sumitomo của Nhật, đang gấp rút thành lập các cơ sở chế biến niken ở Indonesia khi nước này cấm xuất khẩu quặng thô.
Niken là một thành phần quan trọng của pin xe điện, và Indonesia kỳ vọng tận dụng nguồn dự trữ dồi dào của mình để thiết lập chuỗi cung ứng pin nội địa. Nhưng các chính sách tích cực của nhà sản xuất loại kim loại lớn nhất thế giới này cũng làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc tài nguyên.
BASF và nhà chế biến niken của Pháp Eramet đang xem xét xây dựng một khu phức hợp tinh chế niken và coban ở Indonesia với dự kiến sớm đưa vào hoạt động. Các cơ sở này sẽ cung cấp 42.000 tấn niken và 5.000 tấn cobalt hàng năm, để sử dụng làm vật liệu điện cực ca-tốt cho pin lithium-ion.
Các công ty nước ngoài trong ngành đặc biệt quan tâm tới Indonesia vì nguồn dự trữ phong phú của nước này. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Indonesia sản xuất ước tính khoảng 760.000 tấn niken vào năm 2020, với 21 triệu tấn dự trữ khác – cả hai con số này đều thuộc hàng lớn nhất thế giới.
Indonesia sản xuất khoảng 30% sản lượng niken của thế giới và sở hữu khoảng 22% trữ lượng niken toàn cầu.
Trước đó, vào tháng 1/2020, Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng niken chưa qua chế biến, sớm 2 năm so với dự kiến, và công bố một dự luật mới vào tháng 6, dự luật về cơ bản cấm xuất khẩu tinh quặng đồng và bôxít vào năm 2023.
Nhu cầu về niken đã tăng cao nhờ vào pin xe điện và các công ty hiện đang háo hức đầu tư vào Indonesia. Đạo luật tạo việc làm Omnibus, được Tổng thống Indonesia Joko Widodo ký vào tháng 11/2020 nhằm thu hút đầu tư ngoại nhiều hơn bằng cách hợp lý hóa các quy định nổi tiếng phức tạp. Những diễn biến này cũng đã tác động tới giá niken.
Chính phủ Indonesia cũng đã công bố lệnh cấm xuất khẩu quặng vào ngày 2/9/2019. Cùng ngày hôm đó, giá niken kỳ hạn 3 tháng đã tăng lên 18,060 đô-la mỗi tấn trên Sàn giao dịch Kim loại London, cao hơn khoảng 50% so với tháng 7, trước khi tin đồn về lệnh cấm bắt đầu lan truyền.