Nghịch lý…

Du Uyên

Dân tình hay nói: “Ðàn ông có hai nghịch lý: Kéo con gái nhà lành thành hư hỏng, khuyên con gái hư hỏng về làm lại con nhà lành.

Ðàn bà có hai nghịch lý: Nói với trai nghèo toàn chuyện tiền nong, nói với trai giàu toàn chuyện tình cảm.

Khách hàng có hai nghịch lý: Ðối với hàng tốt toàn nói về giá cả, đối với hàng giá rẻ toàn nói về phẩm chất của mặt hàng.

Dân có hai nghịch lý: Quan trên thì họ bắt phải minh bạch tài chính, quan dưới thì họ đòi hỏi thanh liêm…”

Nghịch lý thì ở đâu cũng có. Ví dụ:

Người có tiền hay khuyên nhau: “Tiền có thể mua được một ngôi nhà nhưng không thể mua được một tổ ấm // Tiền có thể mua được một chiếc giường nhưng không thể mua được giấc ngủ ngon // Tiền có thể mua được một chiếc đồng hồ nhưng không thể mua được thời gian // Tiền có thể mua được một cuốn sách (bằng cấp) nhưng không mua được kiến thức // Tiền có thể mua được nhan sắc nhưng không thể mua được tuổi thanh xuân // Tiền có thể mua được máu nhưng không mua được mạng sống // Tiền có thể mua được thuốc nhưng không thể mua được sức khoẻ // Tiền có thể mua được người yêu nhưng không mua được tình yêu // Tiền có thể mua được sự phục tùng của nô bộc nhưng không mua được sự trung thành của họ // Tiền có thể mua được sự im lặng của dư luận nhưng không mua được suy nghĩ của họ // Tiền có thể mua được sex, nhưng không mua được tình yêu // Tiền có thể mua được bảo hiểm, nhưng không mua được sự an toàn…»

Cán bộ ta không những từng nghèo, giờ không ít người vẫn nằm trong danh sách nhà nghèo (trong các đợt hỗ trợ dân nghèo), dầu nhà hai ba tầng, con hai ba đứa đi Tây học (Ảnh: Facebook) 

Người không có tiền hay khoe: “Người giàu cũng khóc”, “Tôi nghèo mà tôi học giỏi”, “Tôi nghèo mà tôi có tài”, “Tôi nghèo mà tôi có ý chí”, “Tôi nghèo mà tôi có tình”…

Những người thành công hay thăng tiến cũng hay “khoe” quá khứ nghèo khổ, phải đốt đèn đom đóm học, phải ăn cơm độn, phải mặc chung cái quần với anh em trong nhà… ngay cả các vị lãnh đạo “siêu to siêu khổng lồ” của đất nước này!

Báo chí Việt cũng hay tôn vinh: Người đẹp A/B/C lấy người bình thường chứ không phải “đại gia”, nam ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng chửi nữ doanh nhân đòi “mua giống” giá 40 tỷ (hơn triệu rưỡi USD), thanh niên nghèo nhặt được của rơi trả lại cho người mất, cậu bé nghèo nhận học bổng của ngôi trường danh tiếng…

Phim ảnh cũng hay có những kịch bản kiểu như: con nhà nghèo thì thường học giỏi, vươn lên, gia đình nghèo thường hạnh phúc, tình cảm. Còn các cậu ấm/cô chiêu con nhà giàu có thì thường ăn chơi, cha mẹ lo kiếm tiền, ông ăn chả bà ăn nem không quan tâm con cái…

Dân Việt cũng thiếu thiện cảm với những người đẹp lấy người có tiền, nhẹ thì họ phê phán, nặng thì họ cho cô này làm điếm, cô kia làm “đào” cao cấp, là đồ chơi tình dục của mấy vị “đại gia”… Bởi vậy, hồi đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Ðiều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia, ông Muhadjir Effendy, nói rằng những người giàu ở quốc gia này nên kết hôn với những người ở các gia đình có thu nhập thấp, có như vậy mới giúp giảm tỉ lệ nghèo của đất nước này. Ổng nói rằng thật tiếc khi tại Indonesia, nhiều phụ huynh cảm thấy xấu hổ nếu con cái họ kết hôn với người có xuất thân nghèo.

Quá trời người Việt “ném đá” vị Bộ trưởng xứ người, vì ổng nói thiệt – (Ảnh: chụp màn hình báo tuoitre.vn)

Dẫn lại số liệu chính phủ, Bộ trưởng Muhadjir cho biết số gia đình nghèo ở Indonesia hiện xấp xỉ 5 triệu gia đình, chuẩn bị nghèo cũng hơn 15 triệu gia đình, trong khi tổng dân số nước này chỉ có tầm 57 triệu gia đình. Ông cho rằng nghèo cũng đồng nghĩa tăng nguy cơ bị bệnh tật, chẳng hạn suy dinh dưỡng.

Và, với một đề xuất “khác người” như vậy, không biết ở Indonesia ra sao chứ, ở không gian mạng Việt Nam, ông Muhadjir Effendy nhận gạch đá nhiều vô kể. Trong đó có rất nhiều người chưa bao giờ dám ném một chiếc dép hay con chữ nào vì những đề xuất tào lao của các bộ trưởng xứ mình. Nếu những cục gạch, cục đá đó hữu hình, ông có thể biến Indonesia thành cường quốc xuất cảng vật liệu xây dựng ra năm châu bốn bể, giải quyết luôn nạn nghèo ở đây rồi được lên chức tổng thống luôn hông chừng… Nhưng đời đâu như là mơ!

Tóm lại, trên miệng nhiều người, nhất là một số đông người Việt Nam: tiền bạc chính là thứ rất tục tằn, dơ dáy, đáng khinh bỉ, đáng bị “bỏ rơi”, không đáng được quan tâm. Và “nghèo” chính là một thứ gì đó rất “cao quý”, rất đáng được hoan nghênh cho người đang nghèo, là một thứ kỷ niệm đẹp và đáng nhớ, đáng trân trọng… cho người đã thành công có quá khứ nghèo. Dĩ nhiên, đó là trên miệng họ, còn trong lòng họ ra sao? Những người nghèo nói như vậy có cam chịu tiếp tục nghèo khổ và mãi mãi nghèo khổ không? Những người giàu nói như trên có muốn đưa hết tiền cho những người cần tiền không? Khi có rất nhiều người gia đình tan vỡ, rất nhiều người không có giấc ngủ ngon trọn vẹn, nhiều trẻ em không được đi học, nhiều người già không có kiến thức, nhiều người bệnh không thể mua thuốc uống, nhiều người không thể lập gia đình… vì không có tiền.

Khi đa số người Việt bây chừ là những người có cuộc sống dưới mức trung bình. Khi đa số lãnh đạo Việt là những người có quá khứ nghèo khổ – Cái này ai hông tin chứ tôi tin, tại đa số lãnh đạo cấp cao ở đất nước này là “là người miền Bắc, phải là người có lý luận”, đều lớn tuổi (vị Bộ trưởng trẻ nhất trong tân nội các Chính phủ là Con trai lớn của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ba Dũng) – Nguyễn Thanh Nghị, cũng đã 45 tuổi). Mà trước 1975, có nơi nào ở miền Bắc giàu đâu? Ngay cả sau 75, khi kinh tế VN còn bị cấm vận, dẫu phe “thắng cuộc” có cuộc sống tốt hơn thì cũng khó gọi là giàu…

Kiến trúc một “nhà giàu” ở đâu đó tại VN (Ảnh: Facebook)

Bởi vậy, tuy có nhiều bài viết đánh giá là báo chí trong nước đã “nịnh đầm” hơi lố về quá khứ của mấy “ông lớn” bằng cách in đậm sự nghèo khổ/thê thảm của mấy ổng, nhưng tôi tin, ít ra mấy ổng cũng từng nghèo thiệt, thậm chí bây chừ “mấy ổng” cũng còn nghèo, dầu ở biệt phủ xa hoa, dầu đi xe xịn, dầu dưới một người trên trăm triệu người…

Mà ai đó nghèo lâu quá, thì việc họ không biết giữ tiền của người khác, không biết xây dựng, không biết làm kinh tế, không biết quản lý nhân sự, không biết giao thiệp với thế giới xung quanh… là điều dễ hiểu.

Tôi nghèo hoài tôi biết mà! Nếu đó là một cái tiệm nước nhỏ, một quán ăn nhỏ của riêng họ, nếu đó là tiền của mấy ổng, làm hư xây lại thì không nói. Nhưng đây là một đất nước, với tiền của cả trăm triệu người…

Vì vậy, không khó để ai đó trả lời câu hỏi: Tại sao Việt Nam ngày càng có nhiều công trình lỗ vốn, xây hoài không xong, chưa xong đã hư hại? Tại sao nhiều vùng đất xinh đẹp, rừng vàng biển bạc của Việt Nam bị khai phá tàn tạ, lũ tràn tới miền núi, mưa có thể làm ngập đảo luôn? Tại sao miền Tây ngay sông Cửu Long thì hạn hán? Tại sao nhiều di tích lịch sử bị bức tử? Tại sao con số nợ công mỗi giờ một tăng dầu nền kinh tế năm nào cũng được đánh giá là “tiến thêm một bước”?…

Tại sao một tội phạm làm chết một đống người có thể chạy giấy bị tâm thần, để vào trại tâm thần rồi cấu kết cán bộ bệnh viện buôn bán ma túy, làm “động bay lắc” có loa, có gái điếm, có “khách” hút chích ra vô nườm nượp ngay trong bệnh viện tầm cỡ Trung Ương – giữa “thủ đô” Hà Nội luôn? (Bắt được có 6kg ma túy chứ nhiêu). Tại sao hai ông bảo vệ dân phố dám đánh đập tàn nhẫn hai trẻ vị thành niên trong phòng giám thị trường, ngay trước bao con mắt nhìn mà không ai cản?
Tại sao mỗi năm có hàng trăm vụ cán bộ cao cấp tham nhũng, mỗi ông có hàng chục tội danh, xử hoài không hết?
Tại sao khi vợ chồng có ba mặt con, đâm nhau chỉ vì một hộp cơm? – Chuyện là người vợ (37 tuổi) đưa cho chồng là ông N.C.Th. (39 tuổi) 100,000 VNđồng để mua 5 ổ bánh mì về để cả nhà cùng ăn, nhưng ông Th. vì ngán bánh mì nên chỉ mua bốn ổ bánh mì và một hộp cơm riêng cho ông. Bà vợ nói ông Th. ăn sang nên cả hai mâu thuẫn cãi nhau. Ông Th. đánh vợ, vợ cầm dao tự vệ, không ngờ ông Th. vẫn tiếp tục tiến lại gần để đánh, vì vậy ông Th. chết.

Đa số người Việt chia sẻ bức ảnh này với mục đích là vui, nhưng nhìn vào sự thật, nó “đỡ” vui lắm… (Ảnh: Facebook)

Tại sao một người mẹ chọn mua thuốc để cùng tự tử chết với con mình, để mong có kiếp sau có cuộc sống tốt hơn?

– Tại sao cả hai vụ việc kinh khủng, đều chết vì miếng ăn này đều xảy ra ở TP.HCM, nơi có nền kinh tế lớn nhất VN hiện nay lẫn trước khi bị đổi tên. Thậm chí, chúng không phải những vụ án cá biệt, lâu lâu mới có, mà nó xảy ra hoài, ở bất cứ đâu tại Việt Nam (như vụ cậu bé 10 tuổi dùng súng tự chế bắn ba người trong gia đình chị gái ruột bị thương, vì bị bỏ rơi, bạo hành, không cho ăn uống)…

Vậy nghèo có đáng quý, tiền có đáng khinh như những liệt kê đầu bài? Nhất là ở một đất nước mà các lãnh đạo, nhiều người thành công ở các lãnh vực khác đang lấy quá khứ nghèo khổ làm một trong những điểm son của đời mình? Nhiều người hay nói: tôi tự hào là người Việt Nam, họ tự hào vì điều gì vậy? Vì sự “không chịu phát triển” của đất nước này? Hay vì số đông những người nghèo hiện nay cũng có quá khứ… nghèo như mấy vị lãnh đạo? Vậy là tất cả quân và dân đều có quá khứ giống nhau, đồng lòng nhất thế giới, và ta thấy tự hào sao?

Cách đây không lâu, tôi coi một bộ phim trên mạng kể về một người cha nghèo, trong một gia đình nghèo, ở trong một xóm nghèo… Tôi (có lẽ không ít người khác) nhớ hoài câu nói: “nghèo nó hay xui lắm!” của bà chủ tiệm nước nhỏ xíu nói với nhân vật chính, khi ông này gặp xui liên tiếp bởi sự nghèo. Cái tôi lên mạng, định chia sẻ câu nói này, thì thấy một người bạn tôi đăng bài viết có tựa đề: “đừng để nghèo đến nỗi chỉ có mỗi… tiền”. Nghịch lý hết sức, tôi im luôn!

“Nghèo nó hay xui lắm!” (Ảnh: chụp màn hình phim Bố Già bản Youtube)

Related posts