Thanh Hải
Kể từ cuộc đảo chính hôm 1/2 đến nay, an ninh Myanmar đã giết hại hơn 700 người biểu tình. Chứng kiến cảnh người dân bị quân đội đàn áp đẫm máu, nhiều sĩ quan Myanmar đã quyết định rời hàng ngũ. Họ đã tiết lộ về mối quan hệ giữa chính quyền Trung Quốc và chính quyền quân sự Myanmar.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Đài Á châu Tự do ( RFA), một trong ba sĩ quan quân đội Myanmar đào thoát sang Ấn Độ, từng làm việc tại một nhà máy thiết bị quốc phòng, cho biết cách Bắc Kinh giúp quân đội Myanmar sản xuất vũ khí.
Viên sĩ quan yêu cầu được giấu tên cho biết, nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất vũ khí hầu hết đến từ Trung Quốc, nhưng những nguyên liệu này không vào Myanmar thông qua các con đường thương mại biên giới mà đến bằng đường hàng hải qua trạm trung gian Singapore.
Sĩ quan này nói: “Hầu hết các nguyên liệu thô đến từ Norinco,[một tập đoàn quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sản xuất nhiều loại sản phẩm dân dụng và quân sự]. Có 38 nhà máy sản xuất vũ khí được gọi là Ka Pa Sa”.
Nhận định về chính phủ quân sự, viên sĩ quan cho rằng, những người lãnh đạo quân đội Myanmar sẽ không từ bỏ bạo lực, sẽ tiếp tục xả súng vào người dân vì lo sợ nếu mất quyền lực họ sẽ phải đối mặt với Tòa án Hình sự Quốc tế hoặc Tòa án Công lý Quốc tế, và họ sẽ bị đưa lên giá treo cổ.
Anh cũng cho rằng, sau thất bại vào năm 1988, ở lần này người dân Myanmar sẽ không bỏ cuộc, họ sẽ chiến đấu đến cùng để đòi dân chủ.
Về lý do đào ngũ, sĩ quan này nói nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ nhân dân. Đây là lý do quân đội tồn tại. Nhưng hiện tại quân đội Myanmar đang bắt giữ, tra tấn và giết hại người dân mà không có lý do nên anh đã quyết định từ bỏ quân ngũ và đào thoát sang Ấn Độ.