Vy An
Thứ Ba (ngày 27/4), các quan chức Hồng Kông thông báo rằng họ sẽ cấm tổ chức buổi lễ tưởng niệm vụ thảm sát ngày 4/6/1989 tại Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc (sự kiện Lục Tứ) được tổ chức hằng năm tại Công viên Victoria. Buổi lễ này cũng bị cấm vì những lý do tương tự vào năm 2020.
Tờ Hong Kong Free Press (HKFP) đưa tin, Sở Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hồng Kông (LCSD) đã tạm ngưng xử lý các đơn đăng ký “trên diện rộng” đối với những hợp đồng thuê địa điểm liên quan đến lễ kỷ niệm tại Công viên Victoria. Một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết, việc đình chỉ có thể là tạm thời, nhưng không nói thêm rằng khi nào đơn đăng ký sẽ tiếp tục được xử lý.
Tuyên bố chính thức của LCSD nêu rõ: “Để đối phó với tình hình mới nhất của dịch COVID-19 [virus corona Trung Quốc], sở đã tạm ngừng xử lý đơn đăng ký các địa điểm thể thao và giải trí miễn phí đối với những hoạt động không được chỉ định chính thức cho đến khi có thông báo mới.”
Đặc khu Trưởng Hồng Kông do Bắc Kinh bổ nhiệm, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vào hôm thứ Ba (ngày 27/4) cũng nhấn mạnh rằng lễ tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn chưa bị hủy bỏ chính thức. Tuy nhiên lời phát biểu của bà Carrie Lam vẫn ngầm đe dọa những người tham gia buổi lễ có thể sẽ bị buộc tội phản quốc theo “Luật an ninh quốc gia” hà khắc mà Trung Quốc đã áp đặt vào nước này vào mùa hè năm ngoái.
Bà Carrie Lam tuyên bố một cách đáng lo ngại: “Điều ấy còn phụ thuộc nhiều vào những gì sẽ diễn ra trong các buổi tụ họp đó và liệu họ có phạm vào những tội danh bị nghiêm cấm trong luật an ninh quốc gia hay không – [những tội] liên quan đến ly khai, lật đổ chính quyền Trung ương và chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông, tham gia vào các hoạt động khủng bố hoặc cấu kết với thế lực bên ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
“Hiến pháp nêu rõ chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Với tiền đề rằng chúng ta nên tôn trọng hiến pháp, chúng ta cũng nên tôn trọng ĐCSTQ cầm quyền,” bà Carrie Lam lập luận. Lời này của bà Carrie Lam đã dấy lên câu hỏi, liệu có cách nào có thể mang một thái độ “tôn trọng” khi nhớ đến việc ĐCSTQ đã sát hại hàng nghìn người phản đối nó tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, và rất nhiều trong số họ là những sinh viên trẻ tuổi?
Tờ HKFP lưu ý rằng “làn sóng thứ tư” của dịch COVID-19 tại Hồng Kông vẫn đang ở “mức độ thấp”; các quan chức địa phương mô tả tình hình nhìn chung là “ổn định”; các chương trình thể thao và giải trí cộng đồng đang được kết nối lại. Điều này ngụ ý rằng việc cho ngừng buổi lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ tại Công viên Victoria mang nhiều màu sắc chính trị hơn là các mối quan tâm về sức khỏe.
Ông Richard Tsoi, thư ký tổ chức Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, đã trả lời tờ South China Morning Post (SCMP) hôm thứ Ba (ngày 27/4): “Tình hình COVID-19 đã có dấu hiệu lắng xuống và chính phủ cũng đã mở cửa nhiều địa điểm trở lại cho công chúng. Tôi thấy lệnh cấm với lý do dịch COVID-19 này là hơi kỳ lạ.”
Kể từ khi thành lập, Liên minh của ông Tsoi vẫn luôn đứng ra tổ chức buổi lễ tưởng niệm. Tờ SCMP cho biết, sự tồn tại của Liên minh hiện được cho là bất hợp pháp theo Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc vì tuyên ngôn của tổ chức này bao gồm lời kêu gọi chấm dứt “chế độ độc tài độc đảng” đang cai trị Hồng Kông. Phó chủ tịch liên minh, bà Chow Hang-tung khẳng định tổ chức sẽ không thay đổi tuyên ngôn của mình.
“Nếu chúng ta thực sự đấu tranh cho dân chủ, thì không đời nào chúng ta đồng ý với chế độ độc tài độc đảng,” bà Chow tuyên bố: “Chúng tôi chỉ có thể hành động dựa trên các nguyên tắc của mình, không dựa trên bất kỳ ‘lời khuyên’ pháp lý nào.”
Công viên Victoria từ lâu đã trở thành địa điểm diễn ra lễ tưởng niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn lớn nhất thế giới, và là lễ kỷ niệm duy nhất được tổ chức ở quy mô lớn trên lãnh thổ Trung Quốc. Năm 2020 ghi dấu lần đầu tiên sau 30 năm lễ tưởng niệm này bị cấm.
Tờ HKFP còn viết: “Dù sao thì hàng nghìn dân chúng đã xuất hiện để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát những người biểu tình ủng hộ dân chủ. 26 nhân vật ủng hộ dân chủ kể từ đó đã bị buộc tội tham gia và xúi giục người khác tham gia hội họp trái phép, hồi năm ngoái.”
Hàng chục nghìn người tham dự lễ tưởng niệm bị cấm vào năm ngoái đã phá vỡ hàng rào cảnh sát xung quanh Công viên Victoria và tổ chức lễ thắp nến thường niên của mình. Họ nói rõ rằng họ đang tưởng niệm việc ĐCSTQ tàn sát các nhà hoạt động dân chủ vào năm 1989 và phản đối việc Hồng Kông đã đánh mất quyền tự chủ dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Tại thời điểm ấy, lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra sự kiện xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình.
Việc chính quyền Hồng Kông ráo riết truy tố những người vi phạm lệnh cấm vào năm ngoái có thể cho thấy rằng các nhà chức trách đang hy vọng những người vẫn bất chấp lệnh cấm, kiên quyết tham gia vào năm nay sẽ tạo cho họ cái cớ để đàn áp ban tổ chức buổi lễ và Liên minh Hồng Kông.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) cũng đưa tin vào hôm thứ Ba (ngày 27/4), cảnh sát Hồng Kông đang ráo riết điều tra các nhà tổ chức biểu tình khác, bao gồm Mặt trận Nhân quyền Dân sự (CHRF), nơi có cuộc tuần hành hàng năm vào ngày 1/7 để phản đối việc Vương quốc Anh giao Hồng Kông cho Trung Quốc, thu hút hơn 1 triệu người tham gia trong phong trào ủng hộ dân chủ năm 2019.
Các nhà lãnh đạo CHRF nhìn nhận, cảnh sát hiện coi họ như một nhóm phản động thay vì hợp tác với họ như một tổ chức có quyền công dân; nhiều lệnh hạn chế hơn đối với các hoạt động chính trị đang được áp đặt hằng năm. CHRF tin rằng cảnh sát đang truy tìm bất kỳ bằng chứng nào về sự hỗ trợ từ nước ngoài, điều này có thể được lấy ấy làm cái cớ để cấm tổ chức này hoạt động, theo Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Vy An (Theo Breitbart)