Trọng Nghĩa
Đại sứ quán Mỹ ở Nga vào hôm nay, 30/04/2021 loan báo sẽ giảm mạnh hoạt động lãnh sự tại nước này kể từ ngày 12/05 tới đây, với lý do không còn được quyền thuê nhân viên tại chỗ. Đây là diễn biến mới nhất phản ánh căng thẳng ngoại giao nổi lên gần đây giữa Nga và Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung.
Một trong những biểu hiện của tình trạng đó là việc Moscow thiết lập một danh sách đen của các nước “không thân thiện” mà hoạt động tại Nga cần bị hạn chế.
Theo hãng tin Mỹ AP, hôm 23/04 vừa qua, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cho phép nước này hạn chế hoạt động của các phái bộ nước ngoài tại Nga bằng cách hạn chế số lượng, thậm chí cấm hẳn nhân viên người Nga làm việc cho các đại sứ quán của những nước bị đánh giá là “không thân thiện”. Việc không thuê được nhân viên tại chỗ có hệ quả tất yếu là hoạt động của các phái bộ ngoại giao của các nước nói trên tại Nga sẽ bị hạn chế đáng kể.
Sắc lệnh của ông Putin đã chỉ thị cho chính phủ lập ra danh sách những nước bị liệt vào diện không thân thiện, nhưng cho đến nay, bản danh sách đen này chưa được công bố. Tuy vậy, theo ghi nhận của nhật báo Công Giáo Pháp La Croix, vào cuối tuần trước, trên kênh truyền hình Nhà nước Nga Rossiya 1, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã xác nhận một điều hiển nhiên: Hoa Kỳ là nước đứng đầu danh sách đó vì “đã khiến cho mọi sự bắt đầu, với các quyết định hoàn toàn không thân thiện khi đưa ra các biện pháp trừng phạt mới và trục xuất các nhà ngoại giao” của Nga.
Nhật báo Izvestia, một cơ quan truyền thông Nga ủng hộ Điện Kremlin thì đã tiết lộ một danh sách liệt kê các nước ít thân thiện nhất với Nga. Đầu bảng dĩ nhiên là Mỹ, theo sau cũng có Canada và Vương quốc Anh, các nước Baltic, Ukraina, Ba Lan và Cộng Hòa Séc.
Phương Tây bị bất lợi trong cuộc đọ sức
Theo các quan sát được nhật báo La Croix trích dẫn, việc hạn chế hay cấm hẳn người Nga làm việc cho đại sứ quán các nước kể trên sẽ là một đòn giáng mạnh vào nhiều đại sứ quán phương Tây, vốn dựa rất nhiều vào các nhân viên địa phương cho các dịch vụ hành chính cần thiết cho hoạt động của một cơ quan đại diện ngoại giao.
Vào năm 2013 chẳng hạn, một báo cáo chính thức của Hoa Kỳ ghi nhận là đại sứ quán Mỹ tại Nga có 1.279 nhân viên, trong đó có đến 934 công dân Nga.
Theo ông Cyrille Bret, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường Sciences-Po Paris, ngoài khía cạnh hậu cần, hành chánh, những nhân viên địa phương thường gắn với các bộ phận báo chí hoặc dịch thuật, cho phép các đại sứ quán “hiểu rõ hơn về xã hội của nước sở tại”, do vậy, quyết định của Matxcơva có nguy cơ tước đi các phương tiện nắm bắt và các chìa khóa giúp các đại sứ quán hiểu biết về nước Nga.
Đối với La Croix, trong cuộc đọ sức liên quan đến vấn đề nhân viên sứ quán, phía thua thiệt sẽ là phương Tây. Lý do rất đơn giản: Nga hầu như không dùng đến nhân viên các nước sở tại trong các cơ quan đại diện của họ, nhân viên của 143 đại sứ quán và 87 lãnh sự quán Nga trên khắp hành tinh trên thực tế chỉ là người Nga.
Dẫu sao thì cuộc đọ sức ngoại giao giữa Nga và phương Tây chưa thấy hồi kết. Sau hai loạt đầu tiên với 28 nhà ngoại giao Nga bị Mỹ và Cộng Hòa Séc trục xuất, trong hai vụ việc khác nhau, và Moscow đã trả đũa một cách đối xứng, nhiều nước phương Tây cũng đã nhập cuộc và cũng bị Nga trả đũa.
Tính đến nay, đã có ít nhất 104 nhà ngoại giao từ hơn 15 quốc gia đã phải rời Nga vào tháng Tư. Mới nhất là vụ trục xuất một nhà ngoại giao Nga được Bulgari loan báo vào hôm qua 29/04. Chính quyền Sofia cáo buộc Matxcơva là đã can dự vào các vụ nổ kho vũ khí tại Bulgari từ năm 2011 đến 2020.